Đau bụng đẻ như thế nào? Cơn đau bụng đẻ thực sự có cường độ và mức độ cơn co thắt tăng dần theo thời gian. Vùng lưng dưới và bụng là nơi đau nhất. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Đau bụng đẻ như thế nào?
- Các giai đoạn của đau bụng đẻ
- Các dấu hiệu chuyển dạ khác
Đau bụng đẻ như thế nào?
Khi thai nhi sắp đến lúc chào đời những cơn đau đẻ sẽ xảy ra nhằm tạo những biến đổi phù hợp trong cơ thể để thai nhi có thể thuận lợi ra khỏi cơ thể mẹ. Cụ thể, cơn đau bụng đẻ xuất phát từ các cơn gò tử cung, cơ gò này có tác dụng tạo áp lực để đẩy thai nhi ra cần cổ tử cung và từ đó đi ra âm đạo của mẹ. Tuy nhiên, vào những tháng cuối thai kỳ mẹ cũng dễ bắt gặp một cơn gò khá giống với cơn đau đẻ nhưng lại không phải là cơn chuyển dạ thực sự, được gọi là cơn đau đẻ giả hay chuyển dạ giả. Thai phụ cần phần biệt đặc điểm của 2 cơn đau này để biết khi nào em bé “muốn” chào đời.
Làm cách nào để phân biệt cơn đau đẻ thật và giả?
Cơn chuyển dạ hay đau đẻ giả còn được gọi là Braton-Hick là các cơn cơ thắt xuất hiện không thường xuyên và không đều đặn. Mức độ co, cường độ cơ và khoảng cách giữa các cơn co không thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, không có máu, không có dịch nhầy kèm theo vì cơ bản cơn co không đi kèm với hiện tượng mở cổ tử cung. Cơn đau có thể giảm và mất hẳn sau đó.
Vậy đau bụng đẻ như thế nào? Cơn đau bụng đẻ thực sự có cường độ và mức độ cơn co thắt tăng dần theo thời gian. Khoảng cách giữa các cơn co thắt cũng thu hẹp dần. Vùng lưng dưới và bụng là nơi có cảm giác đau mạnh mẽ nhất. Cùng với cơn đau là sự tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu.
Xem thêm:
Có nên kiêng bà đẻ đến nhà không? Việc này có thực sự cần thiết?
Các giai đoạn của đau bụng đẻ
Theo Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, khi thực sự bước vào một cơn đau đẻ, người thai phụ sẽ trải qua 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn cổ tử cung có sự xoá – mở: Ở trạng thái trước chuyển dạ, cổ trong và cổ ngoài tử cung nhập lại với nhau tạo thành một cái phên mỏng và cổ tử cung luôn luôn đóng kín bởi một nút nhầy cổ tử cung để bảo vệ thai nhi khỏi mọi sự nhiễm trùng từ bên ngoài. Khi cơn đau đẻ bắt đầu hay nói cách khác là cơn co tử cung bắt đầu hoạt động, nút nhầy được thoát ra tạo thành hiên tượng bung nút nhầy. Dịch nhầy lúc này hòa lẫn ít máu và một số mao mạch trên cổ tử cung, nên hơi có màu hồng. Giai đoạn 1 lại được chia ra làm 2 thời kỳ:
- Thời kỳ tiềm thời: Lúc này các cơn đau bụng nhẹ từng cơn, kéo dài khoảng 20 – 30 giây, sau đó nghỉ 2 phút đến 3 phút, rồi lại tiếp tục cơn đau bụng chuyển dạ khác. Cổ tử cung mở khoảng 2 – 3 cm.
- Thời kỳ hoạt động: Những cơn đau tăng lên, trung bình kéo dài 35 – 45 giây, khoảng cách giữa hai cơn tầm 1 phút 25 giây đến 1 phút 30 giây. Cổ tử cung mở nhiều hơn 6 – 9 cm.
Những tuần cuối thai kỳ mẹ cần đi thăm khám thường xuyên để đo độ mở cổ tử cung (Nguồn: Wikipedia)
2. Giai đoạn thai nhi được đẩy ra: Lúc này cổ tử cung đã mở tối đa tầm 10cm. Đầu thai nhi đã tiến dần đến âm đạo và túi ối đã vỡ. Thời điểm này mẹ có những cơn rặn sinh kết hợp với cơn co tử cung tác động giúp thai nhi được đẩy ra ngoài.
3. Giai đoạn xổ nhau: Giai đoạn này các cơn đau bụng dường như nhẹ hơn. Tử cung co lại giúp cho nhau bong và được xổ ra ngoài. Bác sĩ cũng sẽ chủ động lấy nhau nhằm giúp hạn chế tối đa lượng mất máu của mẹ.
Một cuộc đau bụng đẻ kéo dài trung bình 12 tiếng ở những mẹ sinh con so và 8 tiếng ở những mẹ sinh con rạ vì cơ thể mẹ lúc này đã quen với cơ chế sinh nở. Nếu cơn chuyển dạ kéo dài hơn 12 tiếng trong lần sinh đầu tiên và hơn 9 tiếng ở lần sinh kế tiếp thì bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên và có thể can thiệp.
Xem thêm:
Cổ tử cung mở – Mẹ sẽ đau đến mức nào?
Các dấu hiệu chuyển dạ khác
Trước và song song với các cơn đau đẻ, thai phụ sẽ xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ đặc trưng khác như: âm đạo chảy nước, hay tiểu tiện, tử cung co thắt nhiều lần, vỡ nước ối… cuối cùng chính là sự xuất hiện của những cơn đau đẻ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp mẹ chủ động hơn trước khi bước vào những cơn đau bụng đẻ.
- Bụng bị tụt xuống, sa bụng.
Bụng bị tụt xuống là một trong những dấu hiệu sắp chuyển dạ (Nguồn: Unsplash)
- Bị chuột rútvà đau lưng nhiều hơn.
- Bị tiêu chảy ở một số mẹ
- Ra nhớt hồng âm đạo.
- Xuất hiện cơn gò tử cung.
- Rỉ nước ối.
Đau bụng đẻ là dấu hiệu đặc trưng cho thấy thai nhi đã đến lúc muốn chào đời. Gần đến ngày dự sinh, thai phụ nên chú ý lắng nghe, quan sát cơ thể để phát hiện thời điểm chuyển dạ thực sự và đến cơ sở y tế kịp lúc.
Nguồn thông tin: Giúp mẹ phân biệt cơn đau đẻ thật – giả để mẹ không còn phải lo lắng, bất an – voh.com.vn
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!