Ngày nay nhờ có điều kiện y học tốt hơn mà nhiều bé sinh non vẫn được nuôi lớn khỏe mạnh bình thường. Có 1 số trường hợp bé “cực non” nhưng vẫn được các bác sĩ cứu sống thành công, như trường hợp bé gái sinh non chỉ nặng 700g tại Long An mới đây.
Cứu sống bé gái sinh non nặng 700g
Ngày hôm qua 28/10, 1 bệnh viện sản nhi tại Long An cho biết đã cứu sống thành công bé gái sinh non chào đời khi mới 26 tuần, nặng chỉ vẻn vẹn 700g.
Trước đó vào ngày 31/8, chị B.T.T.N. (quê Long An) bất ngờ ra dịch hồng, đau bụng từng cơn ở tuần thai thứ 26. Sau khi thăm khám tại một bệnh viện ở huyện Tân Thạnh (Long An), bác sĩ thấy chị N. có dấu hiệu dọa sinh non nên chuyển lên bệnh viện chuyên về sản nhi tại TP Tân An.
Tại đây, chị N. được bác sĩ Sản thăm khám và siêu âm. Phát hiện thai kỳ nguy hiểm, ngay lập tức bác sĩ khoa Sơ Sinh được mời lên hội chẩn để xác định về khả năng sống của bé.
Sau 2 giờ nhập viện, các bác sĩ tiến hành đỡ đẻ, giúp con sản phụ N. chào đời an toàn. Tuy nhiên vì sinh thiếu tháng, bé chỉ nặng 700g, chiều dài chỉ đạt 33cm và chu vi vòng đầu tuần tự là 24cm.
Thời điểm mới sinh bé trong tình trạng nguy kịch, không khóc, không thở, tím tái toàn thân. Ngay lập tức ekip khoa Sinh và khoa Sơ sinh đã phối hợp ngay hồi sức cho bé bằng cách lau khô kích thích, bóp bóng qua mặt nạ.
Sau 2 phút bé đã thở được, da hồng hào trở lại. Lúc này các bác sĩ áp dụng phương pháp da kề da với mẹ và gắn hệ thống thở NCPAP hỗ trợ phổi và đánh giá lại sau mỗi 30 giây để tiếp tục thực hiện.
Trong vòng 60 phút đầu tiên sau sinh, bé đã được ăn sữa non của mẹ ngay tại phòng sinh. 2 giờ sau đó, tình trạng mẹ và bé ổn định, được cho về khoa Sơ Sinh chăm sóc đặc biệt.
Bé tiếp tục thở NCPAP, thực hiện phương pháp da kề da 24/24, cho ăn sữa mẹ kèm nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và kháng sinh.
Một tuần sau sinh, bé ngưng phương pháp hỗ trợ NCPAP và tự thở. Hai tuần tiếp theo bé ngưng tất cả các can thiệp y tế, nuôi ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Hiện sau 57 ngày được chăm sóc tại khoa Sơ sinh, cân nặng bé đã được 1,545 kg, chiều dài 42,5cm, vòng đầu 31,5cm, đã có khả năng tự bú mẹ.
Khi nghe được giọng ba mẹ luôn luôn cười rất tươi, rất nhanh nhạy khi nghe được giọng nói của người thân.
Nhìn con dần khỏe lại, chị N. hạnh phúc chia sẻ: “Lúc mới sinh Bắp (tên thân mật của bé) chỉ nhỏ xíu như một chú chuột con, tay chân đỏ hỏn… lúc đó mình chỉ biết khóc và cố gắng chăm sóc cho con theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giờ Bắp đã lớn được chút rồi, Bắp biết khóc, cười, biết lắng nghe lời của ba mẹ, và dần dần biết bú… Chỉ mong Bắp của mẹ sẽ thật ngoan và khỏe mạnh”.
Bác sĩ Lương Kim Chi, người hồi sức và điều trị chính cho con chị N. khuyên các bà mẹ có nguy cơ dọa sinh non nên lựa chọn khám và sinh tại các cơ sở y tế có chăm sóc Kangaroo, da kề da sau sinh để được chăm sóc tối ưu cho mẹ và bé; nên cho bé bú sữa non ngay khi có sữa để giảm tỉ lệ nhiễm trùng và tăng khả năng phát triển của bé sau này: “Không có môi trường nào khác có thể thay thế ngực của mẹ với sự ấm áp cả về thể chất lẫn tinh thần. Mẹ sẽ truyền cho con tình yêu thương và cảm xúc dịu dàng nhất”.
Phương pháp Kangaroo
Phương pháp Kangaroo còn được gọi là da kề da, hoặc da tiếp da. Với phương pháp này, mẹ hoặc người chăm sóc sẽ ôm trẻ vào trước ngực, cho da của bé tiếp xúc trực tiếp với da của mình. Kangaroo được khuyến cáo thực hiện trên tất cả trẻ sơ sinh, đặc biệt là các trẻ sau:
- Cân nặng < 2500g hoặc tuổi thai < 37 tuần
- Không có dấu hiệu bệnh lý hoặc đã vượt qua giai đoạn bệnh lý nặng
- Không phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch
- Có đáp ứng tốt với các kích thích
Theo các chuyên gia, Kangaroo là phương pháp cần thiết để chăm sóc và bảo vệ trẻ sơ sinh, để cơ thể bé phát triển tự nhiên và khỏe mạnh.
- Cải thiện hơi thở: Tiếp xúc da kề da sẽ giúp giảm cơn ngừng thở cũng như giúp bé rút ngắn thời gian hỗ trợ thở bằng các thiết bị y tế
- Giúp trẻ ngủ ngon hơn: Trẻ sẽ ngủ yên, ít khóc, ít mệt hơn và nhận biết môi trường xung quanh. Chu kỳ ngủ của bé sẽ được điều chỉnh phù hợp, bé ngủ ngon hơn và có thể thức giấc để bú mẹ
- Hỗ trợ sự phát triển của não bộ
- Điều hòa thân nhiệt: Thực hiện da kề da sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé. Theo đó, thân nhiệt của bé sẽ luôn được duy trì ổn định ở mức 37 độ C nhờ vào nhiệt độ từ người mẹ. Việc tiếp xúc gần gũi với mẹ cũng giúp trẻ dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh
- Giảm căng thẳng: Tiếp xúc da kề da với mẹ trong vài phút mỗi ngày sẽ làm giảm mức cortisol (hormone gây căng thẳng) ở trẻ. Da kề da cũng tăng làm hormone oxytocin, giúp bé cảm thấy thư giãn và hạnh phúc
- Giúp bé bú mẹ dễ dàng và tiêu hóa tốt hơn: Khi ở tư thế Kangaroo, bé có thể dễ dàng tìm được vú mẹ và bú một cách dễ dàng hơn
- Giúp mẹ sản xuất sữa và nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện hơn: Tiếp xúc gần gũi với bé giúp điều chỉnh hormone giúp tăng tiết sữa mẹ. Điều này giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn cho bé. Bên cạnh đó em bé có khứu giác rất nhạy, khi được đặt nằm trên ngực mẹ, bé có xu hướng tìm vú và bú ngay lập tức
- Ngăn ngừa trầm cảm sau sinh: Tiếp xúc da kề da da giữa mẹ và bé có thể giúp giải phóng chất oxytocin, đồng thời “hormone tình yêu” được tạo ra trong thời gian cho con bú, có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm sau sinh
- Giúp thắt chặt tình cảm mẹ con: Khi thực hiện da kề da, trẻ có cơ hội cảm nhận được giọng nói, mùi cơ thể, nhịp tim của mẹ. Từ đó, mối liên kết giữa mẹ và bé sẽ thêm bền chặt.
Nguồn tổng hợp
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!