Covid 19 ở Việt Nam với làn sóng dịch thứ 4 đang diễn biến cực kỳ phức tạp. TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang là 4 địa phương có số ca mắc nhiều và tăng lên mỗi ngày. Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội toàn TPHCM trong vòng 15 ngày theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q12 giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có buổi livestream trên trang cá nhân mang tên “Covid 19: Mệt nhưng không hoảng loạn”, giúp người dân bớt hoang mang và có thêm những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- 2 hiểu lầm lớn nhất của mọi người về dịch bệnh hiện nay
- Đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp mỗi người tự bảo vệ mình
- Phụ nữ mang thai và cho con bú có nên tiêm vacxin hay không?
- Vacxin Covid 19 ở Việt Nam: Ai nên tiêm, ai không nên tiêm và tiêm rồi thì có nhiễm bệnh hay không?
- Những chú ý để đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
2 hiểu lầm lớn nhất của mọi người về dịch bệnh hiện nay
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều nguy hiểm nhất hiện nay là có quá nhiều người vẫn còn chủ quan. Họ nghĩ là bệnh ở nơi khác, không phải xung quanh mình. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Đừng nghĩ dịch bệnh chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Dịch đã nhanh chóng lan đến Gia Lai, Đắk Lắk, xuống Long An, về miền Tây và lan đi khá xa rồi.
Suy nghĩ sai lầm thứ 2 đó là chỉ những người lớn tuổi bị bệnh nền mới bị nhiễm virus và diễn tiến nặng, người trẻ tuổi thì sẽ không sao. Hiện nay có một số người trẻ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng rất nhanh. Và đó là quy luật của dịch bệnh, nếu virus lây lan nhiều thì người trẻ khỏe mạnh chắc chắn không tránh khỏi việc nhiễm bệnh. Không nên chủ quan nghĩ rằng người trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ và mau khỏi.
Bệnh nhân 22 tuổi ở Long An đã phải thở máy xâm nhập. Điều này chứng tỏ hiện nay đã có trường hợp người trẻ nhiễm bệnh và trở nặng. Qua đó tuyệt đối không được chủ quan.
Đặc biệt bác sĩ Khanh nhấn mạnh không có người trẻ nào mà không có người thân là người già. Nếu người trẻ nhiễm virus thì khả năng cao là sẽ mang bệnh về lây cho người thân ở nhà. Người nhà nếu có bệnh nền và cao tuổi sẽ nguy cơ trở nặng và nguy hiểm hơn.
Có thể bạn chưa biết:
Đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp mỗi người tự bảo vệ mình
Không tụ tập đông người trong thời gian này, nếu bắt buộc phải đến nơi đông đúc thì khẩu trang là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cần lưu ý rửa tay, giữ khoảng cách mọi lúc mọi nơi.
Không nên kéo khẩu trang xuống cằm khi đeo. CHỖ NÀO CÀNG ĐÔNG THÌ NHẤT QUYẾT PHẢI TUÂN THỦ KHẨU TRANG. “Mọi chuyện hiện nay vẫn còn trong tầm tay của mỗi cá nhân. Nếu cá nhân đó làm đúng việc tuân thủ, làm đúng việc mang khẩu trang, làm đúng việc khai báo y tế, làm đúng việc nghe nóng để mình không phải là một cái cầu nối để đẩy virus đi xa thì là mình thành công.” Bác sĩ Khanh cho biết.
Những khu vực càng đông đúc thì việc đeo khẩu trang đúng cách càng trở nên quan trọng (Gò Vấp phải xả chốt phong toả vì dòng phương tiện ùn ứ cả km)
Covid 19 với trẻ em và phụ nữ như thế nào?
Cho con bú có chích được vacxin không? Tại các nước tiên tiến có lời khuyên mẹ cho con bú nên chích vacxin. Tuy nhiên đối với vaccine AstraZeneca ở Việt Nam thì chưa nên.
Phụ nữ có thai có chích không? Cho tới hiện nay thì chưa có nghiên cứu.
Có bầu 7 tháng thì có chích ngừa không? Hiện nay là không chích cho đối tượng này.
Chích ngừa xong bao lâu có thai là an toàn? Các chuyên gia không tính đến yếu tố này. Chỉ lưu ý: Chưa có thai thì chích ngừa được và có thai thì không chích.
Nếu phụ nữ xét nghiệm và thử que không có hai vạch và không trễ kinh thì có thể chích ngừa. Nếu chích xong và phát hiện có thai thì không chích mũi 2.
Vacxin Astrazeneca đang được tiêm tại Việt Nam cho các đối tượng ưu tiên và người tại vùng dịch
Con nít tỷ lệ mắc cao không?
Cho tới hiện nay là tỷ lệ mắc ở trẻ em không cao nhưng mà cũng có trường hợp trẻ nhỏ nhiễm bệnh. Covid-19 ở trẻ em có hai đặc điểm là bị không nhiều và nếu bị nhiễm thì các bé sẽ mắc bệnh nhẹ hơn một chút, khó bị nặng hơn so với các đối tượng khác. Tuy nhiên cho tới bây giờ với tình hình Covid 19 ở Việt Nam thế này thì tuyệt đối không được chủ quan về vấn đề trẻ em nhiễm sẽ nhẹ hoặc ít bị nhiễm.
Vacxin Covid 19 ở Việt Nam: Ai nên tiêm, ai không nên tiêm và tiêm rồi thì có nhiễm bệnh hay không?
Nhiều người xem livestream đặt câu hỏi về vacxin, các đối tượng nên và không nên tiêm vacxin Covid-19. Sau đây là các câu hỏi và phần trả lời của bác sĩ Trương Hữu Khanh:
Tiêm vacxin có nguy cơ nhiễm bệnh không? Nếu chích đúng thì vẫn có thể mắc bệnh nhưng chỉ bị nhẹ. Hiện tại nước ta chưa có nhiều người được chích vacxin nên dù cho đã chích ngừa thì vẫn phải tuân thủ 5K. Nếu không sẽ có trường hợp người đã chích vacxin nhiễm bệnh và lây cho gia đình vẫn chưa được chích thì sẽ rất nguy hiểm.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 08/3/2021
Tiêm được một mũi rồi thì có kháng thể chưa? Trong nghiên cứu của Bệnh viện Nhiệt Đới (là nơi tiến hành tiêm vacxin đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh): Sau 14 ngày tiêm thì 86% người được tiêm đã có kháng thể chống lại virus.
Bị dị ứng nặng, như ăn tôm cua hải sản thì bị nổi mề đay, mặt mày sưng đỏ, uống cafe thì bị khó thở, rối loạn nhịp nhanh thì có tiêm vắc xin được không? Dị ứng mà tới mức phù mặt thì hoãn tiêm ngừa. Nếu đang bị dị ứng nặng với một cái thuốc nào đó thì khoan chích ngừa, chờ ổn định thì mới nên chích.
- Bệnh nhân viêm gan mãn tính có được tiêm vacxin không? Nếu tình trạng bệnh ổn định thì có thể chích
- Rối loạn tiền đình có được tiêm vacxin không? Không có chống chỉ định với bệnh này.
- Tiểu đường có nên tiêm vacxin không? Tiểu đường thì nên chích ngừa.
- Người lớn tuổi càng phải nên chích vắc xin nhưng phải chờ có chỉ định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói về vacxin Nano Covax của Việt Nam, theo nghiên cứu là vacxin này rất có hiệu quả nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu số lượng lớn, hy vọng cuối năm nay sẽ được cấp phép lưu hành.
Vaccine Nano Covax là loại vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng
Có thể bạn chưa biết:
Những chú ý để đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 ở Việt Nam
Làm trong môi trường kín và có người không đeo khẩu trang thì có nguy cơ không?
Người đeo khẩu trang là có thể tự giữ an toàn cho bản thân nhưng không đảm bảo không lây bệnh. Trường hợp tốt nhất là 100% người trong phòng đều đeo.
Nếu hắt xì nhiều và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào như ho, đau họng, sốt thì có khả năng bị Covid không?
Người không có bất kỳ triệu chứng gì cũng có khả năng đang mang virus. Nếu có triệu chứng hắt xì thì phải mang khẩu trang để đừng phát tán virus ra ngoài. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh do trước đó có tiếp xúc với người lạ thì điện thoại lên cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Gia đình có nhiều người mỗi người đi làm một công việc khác nhau thì làm sao đảm bảo an toàn?
Tất cả phải cùng nhau thực hiện 5K, cùng nhau dặn dò nhau bảo ban nhau nhắc nhở nhau thực hiện 5k thì có ở chung trong một gia đình vẫn ổn.
Thông điệp 5K của Bộ Y tế
Bây giờ ngoài ngoài giọt bắn, virus còn lây trong không khí. Làm sao để giữ an toàn?
Bác sĩ Khanh khẳng định virus không lây trong không khí. Virus này nó có khả năng tồn tại trong không khí, nếu mà không khí kín, và đặc biệt là lạnh thì virus sẽ tồn tại trong đó lâu hơn bình thường.
2 người cùng đeo khẩu trang thì khoảng cách tối thiểu bao nhiêu là an toàn? (Ví dụ: giao hàng với nhận hàng)
Giao hàng shipper mà hai người mang khẩu trang đúng cách là rất gần khả năng lây là rất thấp.
Khẩu trang mang bao lâu?
Tùy loại. Khẩu trang y tế nếu mang đúng thì có thể dùng trong một ngày. Theo nghiên cứu thì khẩu trang bình thường (giặt sạch sau mỗi lần dùng) cũng ngừa virus khá tốt, ngoại trừ người làm việc trong môi trường y tế mới cần khẩu trang đặc biệt.
Hiện tại đang truyền nhau lời khuyên từ bv cách ly là uống C, uống nhiều nước….tăng sức đề kháng, vậy có uống C liều cao nhiều vậy được không?
Nếu có vitamin C thì có thể uống, chủ yếu là nghỉ ngơi, uống đủ nước để tăng cường sức khỏe.
Làm việc trong phòng kín làm sao an toàn?
Tốt nhất là bật điều hòa 27 độ và để thêm quạt. Khi cần thì mở cửa ra cho thông thoáng.
Lỡ chạm tay vào bề mặt khẩu trang sau đó chạm vào mắt thì có nhiễm virus không?
Xác suất đó thì có nhưng mà ít. KHÔNG NÊN CHẠM TAY VÔ KHẨU TRANG MÀ KHÔNG RỬA TAY. Để đảm bảo an toàn, nếu lỡ chạm tay vô khẩu trang thì dùng dung dịch rửa tay khô để rửa.
Nhà ở cạnh khu cách ly tập trung (F1) khoảng 30m có nguy hiểm không?
Nhà ở cạnh khu cách ly F1 khoảng 30m là an toàn. Chú ý không đi vào đó là được.
Kết luận
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân đừng suy đoán nơi mình ở có an toàn hay là không. Thực chất: Nơi an toàn nhất là nơi mình có đeo khẩu trang đúng cách. Mỗi người tự bảo vệ bản thân, nếu tất cả đều cẩn thận thì cộng đồng sẽ an toàn.
theAsianparent tóm lược từ nội dung livestream của bác sĩ Trương Hữu Khanh
Bạn đọc có thể xem toàn bộ nội dung buổi trò chuyện của bác sĩ Khanh tại địa chỉ: www.facebook.com/100009370694566/videos/2971651859823808
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!