Có nên cho bé bú khi mẹ đang bị viêm tuyến vú? Với suy nghĩ bệnh viêm tuyến vú có thể lây truyền sang con, người mẹ thường ngừng cho trẻ bú sữa. Điều này đúng hay sai?
Viêm tuyến vú là gì?
Viêm tuyến vú là một dạng nhiễm trùng ở người phụ nữ, có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là với các mẹ đang trong thời kỳ cho con bú 6 tháng đầu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tình trạng này sẽ khiến người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Hầu hết các mẹ đều lầm tưởng rằng viêm tuyến vú có khả năng lây truyền sang cho bé nên các mẹ thường chấm dứt việc cho trẻ bú sữa mẹ.
Nhưng trên thực tế, theo ý kiến của các chuyên gia, việc cho con bú lại là một trong các cách để ngăn ngừa nhiễm trùng, cung cấp dinh dưỡng mà không làm ảnh hưởng xấu tới trẻ.
Mẹ có biết nguyên nhân thường dẫn đến viêm tuyến vú?
Các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này thường bao gồm:
- Núm vú bị nứt và đau
- Thời gian giữa những lần cho con bú quá giãn cách.
- Mẹ mặc áo lót quá chật
- Một số mẹ chỉ cho bé bú bên thuận mà không thường xuyên đổi bên.
- Hoặc các trường hợp mẹ có tiền sử bệnh viêm tuyến vú.
- Cho bé bú quá muộn sau khi sinh cũng làm tăng nguy cơ viêm tuyến vú.
Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm tuyến vú ở các mẹ đang cho con bú
Căn bệnh này có thể xuất hiện đột ngột nhiều biểu hiện như đau núm vú và có cảm giác cứng khi chạm vào.
Người mẹ cảm thấy đau nhức, mệt mỏi trong người, vú sưng, đau hoặc có cảm giác nóng rát liên tục khi cho con bú.
Nhiều mẹ sẽ gặp phải hiện tượng sốt từ 38 độ C.
Mặc dù viêm tuyến vú thường xảy ra vào những tuần đầu cho con bú nhưng bệnh cũng có thể xuất hiện bất kể thời điểm nào trong suốt giai đoạn trẻ còn bú mẹ. Bệnh đôi khi chỉ ảnh hưởng một bên vú.
Có nên cho bé bú khi mẹ đang bị viêm tuyến vú
Mẹ có nên cho con bú khi bị viêm tuyến vú?
Bên cạnh việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị, việc tiếp tục cho con bú cũng như chú ý vắt sữa đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh của người mẹ.
Cho con bú chính là cách tốt nhất để mẹ có thể lấy hết sữa ra và sữa này vẫn an toàn cho trẻ vì dịch tiêu hóa trong cơ thể trẻ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.
Trước khi cho con bú, mẹ cần làm sạch vú bằng vải thấm nước ấm khoảng 15 phút. Làm như vậy ít nhất 3 lần một ngày, điều này giúp sữa dễ ra hơn.
Ngoài ra bạn cũng có thể mát xa bên ngực bị viêm. Nếu có thể mẹ hãy cho bé bú cả hai bên. Lý tưởng nhất là bắt đầu ở bên viêm để trẻ bú hết sữa.
Nếu bên ngực bị viêm quá đau, bạn có thể cho bé bú bên còn lại trước. Sau khi sữa đã ra đều, bạn hãy cho bé bú lại bên bị viêm. Mẹ có thể bơm hoặc vắt sữa nếu cảm thấy quá đau khi cho bé ngậm vú mẹ bú trực tiếp.
Ngoài ra, sử dụng các loại kem dưỡng dành cho nứt đầu vú đặc trị có thể giúp vết nứt mau lành và giảm cơn đau hiệu quả.
Mẹ bị viêm tuyến vú có thể điều trị tại nhà như thế nào?
Ngoài việc sử dụng đơn thuốc do bác sĩ kê và cho trẻ bú đều đặn, các mẹ nên làm theo những bước sau để giúp bệnh mau khỏi hơn:
– Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
– Chườm nước đá hoặc nước ấm để giảm đau. Nếu sử dụng túi nước đá, mẹ hãy để bên ngoài áo hoặc áo lót thay vì đặt trực tiếp lên da.
– Uống nhiều nước
– Nếu ngực chứa nhiều sữa, mẹ nên bơm hoặc vắt ra một ít trước khi cho con bú. Điều này sẽ làm giảm căng tức và giúp trẻ dễ bú hơn.
– Nếu có dịch tiết ra ở bên vú bị viêm, mẹ cần rửa sạch và để khô tự nhiên. Sau đó mới mặc áo ngực vào.
– Miếng lót ngực dùng một lần cũng là một cách hay giúp thấm hút dịch nhanh hơn.
Phần lớn các mẹ đều vượt qua cơn đau và cho trẻ bú thành công. Chỉ cần mẹ lưu ý rằng, hút sữa ra thường xuyên cũng như đi khám để được tư vấn cách chăm sóc bầu vú của mình sẽ giúp việc điều trị có hiệu quả hơn.
Theo The Asianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!