“Có bầu mấy tháng thì tiêm phòng?” là câu hỏi phổ biến mà nhiều mẹ bầu thắc mắc. Tuy nhiên, có một điều mà các chị em cần lưu ý: việc tiêm phòng để bảo vệ mẹ bầu và thai nhi trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không chỉ nên được tiến hành trong thai kỳ mà đặc biệt có một số mũi tiêm còn cần được hoàn thành trước khi mang thai.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Câu hỏi: Tiêm phòng bệnh nào là bắt buộc đối với mẹ chuẩn bị mang thai? Bệnh nào mắc trong khi mang thai vì không tiêm phòng có thể khiến mẹ phải đình chỉ thai kỳ? Mới tiêm phòng mà đã cấn thai thì phải làm sao?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM:
Hiện nay, các loại vắc xin cần thiết dành cho các bà mẹ chuẩn bị mang thai bao gồm: vắc xin bệnh cúm, vắc xin 3 trong 1: Sởi- Quai bị- Rubella, vắc xin thủy đậu, vắc xin 3 trong 1: Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván và vắc xin Viêm gan B.
Phụ nữ mắc bệnh Rubella khi mang thai có nguy cơ sinh non, sẩy thai. Đặc biệt nếu mắc trong giai đoạn đầu mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc Rubella bẩm sinh – khiến trẻ chậm phát triển, và dễ bị dị tật bẩm sinh (có thể tới 70-80% với những tổn thương ở mắt, hệ thần kinh, xương, tim…). Vì thế, các bác sĩ sản khoa thường khuyên bà bầu mắc Rubella trong 3 tháng đầu nên cân nhắc chấm dứt thai kỳ.
Các loại vắc xin nêu trên đều được khuyến cáo tiêm trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng. Tuy nhiên, với vắc xin bệnh cúm và Viêm gan B, bà bầu vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kịp hoàn thành việc tiêm chủng 2 loại vắc xin này trước khi có thai. Còn với vắc xin ngừa Thủy đậu và Sởi – Quai bị – Rubella, tuyệt đối không được tiêm nếu phát hiện mình đã được làm mẹ.
Trong trường hợp lỡ tiêm 2 loại vắc xin trên rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm vắc xin đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), các mẹ cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai; tuy nhiên, cần khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.
Lịch tiêm phòng trước khi mang thai
- Mũi tiêm 3 trong 1 ( sởi, quai bị, rubella ): nên tiêm muộn nhất là trước khi có bầu 1- 3 tháng.
- Tiêm phòng viêm gan B: trước hoặc trong khi có bầu đều có thể tiêm mũi này. Tuy nhiên bạn nên tiêm trước khi có bầu để có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe.
- Cúm: Có thể tiêm ở mọi thời điểm trước hoặc trong khi mang thai nhưng khuyến cáo nên tiêm sớm trước khi mang bầu và nhắc lại hàng năm
- Bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm 1 liều duy nhất, không cần phải tránh thai sau tiêm
Lịch tiêm phòng trong khi mang thai
Đối với thai lần đầu:
Mẹ sẽ phải tiêm 2 mũi uốn ván trong quá trình mang bầu. Mũi đầu tiên sẽ tiêm từ tuần 20 trở đi. Mũi thứ 2 là mũi tiêm nhắc lại, tiêm cách mũi đầu 1 tháng. Chị em cần đảm bảo mũi 2 phải được tiêm trước khi bạn sinh ít nhất là 1 tháng.
Lần có thai sau:
Tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván nếu lần đầu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván.
Địa điểm tiêm phòng cho bà bầu an toàn nhất là bạn nên đến các trung tâm y tế dự phòng hay các bệnh viện sản khoa, bệnh viện đa khoa đều có dịch vụ tiêm chủng.
Những chị em ở các thành phố lớn nên đến trung tâm y tế dự phòng của thành phố hoặc các bệnh viện lớn, các cơ sở uy tín được chứng nhận cấp phép bởi Bộ y tế để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Có bầu mấy tháng thì tiêm phòng?
Các vắc xin thường được chỉ định tiêm vào 3 tháng giữa thai kỳ (tháng 4, 5, 6).
Trong thời gian mang thai, các bà bầu được khuyến cáo tiêm phòng vắc xin uốn ván. Ngoài ra, các mẹ bầu hoàn toàn có thể chủ động tiêm các loại vắc xin khác như Cúm (bất hoạt), Viêm gan B (ở người chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ phác đồ, đang mang virus Viêm gan C hoặc các bệnh gan mãn tính khác).
Theo đó, tổng số lần cần tiêm vắc xin uốn ván là 5 lần, bao gồm 2 mũi trước khi sinh con lần đầu và 3 mũi tiêm nhắc. Cụ thể về thời gian tiêm phòng uốn ván (tháng mấy của thai kỳ thì phải tiêm phòng) được quy định như sau:
Nếu thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván trước đây, hoặc đã tiêm 2 mũi nhưng cách đây trên 5 năm thì cần tiêm đủ 2 mũi trước ngày dự sinh 1 tháng. Tốt nhất là tiêm mũi 1 vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5, mũi 2 sau đó 1 tháng (vào tháng thứ 5 hoặc thứ 6), tránh 3 tháng đầu là giai đoạn bà bầu hay bị ốm nghén.
- Nếu thai phụ đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi (<5 năm) hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi trước khi mang thai thì cần tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.
- Trong trường hợp thai phụ đã được tiêm phòng 3-4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì chỉ cần tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
- Nếu thai phụ đã được tiêm đủ phác đồ là 5 mũi uốn ván thì không cần tiêm bổ sung, vì với 5 mũi khả năng bảo vệ đã đạt trên 95%. Trong trường hợp mũi thứ 5 đã trên 10 năm thì nên tiêm nhắc lại một mũi.
Lịch tiêm phòng cho bà bầu theo tuần thai
Nếu thắc mắc có bầu mấy tháng thì tiêm phòng chị em lưu ý lịch tiêm phòng cho bà bầu theo tuần thai như sau:
+ Lần 1 – Tuần thứ 5: Siêu âm 2D (kiểm tra túi phôi trong buồng tử cung), Khám thai, kiểm tra nội tiết, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)
+ Lần 2 – Tuần thứ 8: Siêu âm 2D (kiểm tra tim thai), Khám thai, kiểm tra nội tiết, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)
+ Lần 3 – Tuần thứ 12: Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi), Khám thai, kiểm tra nội tiết, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng,Uống (tiêm) thuốc nội tiết (nếu cần)
+ Lần 4 – Tuần thứ 16: Siêu âm 2D, Khám thai, kiểm tra nội tiết, Xét nghiệm máu (Tripple test), Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, Uống canxi, sắt và magie B6, Uống (tiêm) nội tiết (nếu cần)
+ Lần 5 – Tuần thứ 20: Siêu âm 2D, Khám thai, kiểm tra nội tiết, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, Uống thuốc canxi, sắt, magie B6, Kiểm tra thai máy (3 lần / ngày)
+ Lần 6 – Tuần thứ 22: Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi), Kiểm tra thai máy (3 lần / ngày)
+ Lần 7 – Tuần thứ 26: Siêu âm 2D, Khám thai, kiểm tra nội tiết, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, Uống thuốc canxi, sắt, magie B6, Kiểm tra thai máy (3 lần/ ngày)
+ Lần 8 – Tuần thứ 30: Xét nghiệm máu, thử tiểu, Làm thủ tục đăng ký đẻ, Tiêm phòng uốn ván (AT1), Khám thai, siêu âm 2D, Uống vi chất dinh dưỡng, Uống canxi, sắt, Bắt đầu ăn nhạt cho đến khi sinh
+ Lần 9 – Tuần thứ 32: Siêu âm 4D (kiểm tra hình thái thai nhi), Khám thai, Thử tiểu, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
+ Lần 10 – Tuần thứ 34: Khám thai, thử tiểu, siêu âm, Tiêm phòng uốn ván (AT2), Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
+ Lần 11 – Tuần thứ 36: Khám thai, thử tiểu, siêu âm, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
+ Lần 12 – Tuần thứ 38: Khám thai, thử tiểu, siêu âm, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
+ Lần 13 – Tuần thứ 39: Khám thai, thử tiểu, siêu âm, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
+Lần 14 – Tuần thứ 40: Khám thai, thử tiểu, siêu âm, Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Ngoài ra, với phụ nữ dưới 26 tuổi thì nên tiêm phòng thêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV). Vắc xin phòng HPV gồm 3 mũi, tiêm theo phác đồ 0, 1, 6 tháng hoặc 0, 2, 6 tháng tùy theo hãng sản xuất vắc xin.
Trong trường hợp đang trong quá trình tiêm vắc xin phòng HPV mà có thai thì cần dừng tiêm, đến khi sinh xong mới tiêm mũi tiếp theo.
Tuy nhiên, thời gian hoàn tất ba mũi tiêm không được quá 2 năm. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, các chị em nên tiêm phòng thêm vắc xin ngừa uốn ván, viêm gan A, viêm phổi do phế cầu… để bảo vệ sức khỏe của mình.
Tầm quan trọng của tiêm phòng đúng hạn trong thai kỳ
Để được mẹ tròn con vuông, một trong những việc quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ thai kỳ bằng cách đi khám ít nhất 3 lần. Với các trường hợp có thai sau khi điều trị vô sinh, điều này càng trở nên cần thiết nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời những bất thường có thể xảy ra.
Mục đích của mang thai cần tiêm phòng khám thai định kỳ là theo dõi sự phát triển, thay đổi của mẹ hay tình trạng bệnh lý của mẹ như cân nặng, ăn uống, nám mặt, sạm da, cao huyết áp do thai, bệnh tim mạch… và phát hiện những bất thường của thai.
Bà bầu nào cũng muốn mình có một thai kỳ khỏe mạnh để tạo tiền đề sức khỏe tốt nhất cho thai nhi. Cùng với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, chị em cần ghi nhớ có bầu mấy tháng thì tiêm phòng để không bỏ lỡ mũi vắc xin được khuyến cáo giữ vai trò như một lá chắn bảo vệ bà mẹ mang thai và thai nhi trước các bệnh nguy hiểm.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!