Hầu hết thế hệ chúng ta đều trải qua một tuổi thơ không có điện thoại di động riêng, vậy nên khái niệm “cho trẻ sử dụng điện thoại riêng” với một số người còn khá mới mẻ. Thế nhưng, điện thoại di động riêng đã trở thành một phần của xã hội hiện đại, và hình ảnh một đứa trẻ hớn hở “chơi” điện thoại không còn xa lạ nữa.
Theo một kết quả khảo sát năm 2010 của Tổ chức Kaiser Family, có 85% trẻ 14 – 17 tuổi, 69% trẻ 11 – 14 tuổi, và 31% trẻ 8 – 10 tuổi có điện thoại di động riêng. Hiện nay, với việc bắt gặp ngày càng nhiều trẻ em sử dụng điện thoại, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những con số thống kê trên đã lớn hơn rất nhiều.
Tuy vậy, cho con sử dụng điện thoại di động riêng không dễ dàng như bạn nghĩ. Hãy xem và tránh những sai lầm cơ bản sau đây.
1. Độ tuổi không phù hợp
Sự thật là không có bất kì quy định rõ ràng nào về độ tuổi thích hợp để trẻ em sử dụng điện thoại di động. Khi nào thì phù hợp là câu hỏi dành cho bạn – phụ huynh của trẻ.
Con bạn đã biết cẩn thận khi sử dụng đồ đạc chưa? Trẻ có biết cách sắp xếp vật dụng của mình, sau khi chơi xong có cất đồ chơi đi không? Nếu bạn không trả lời “Có” cho những câu hỏi trên, tốt nhất nên đợi đến khi nào trẻ có thói quen tự sắp xếp, giữ gìn đồ đạc riêng của mình trước khi bạn quyết định bỏ tiền ra mua điện thoại di động riêng cho trẻ.
Ngoài ra, cũng nên chú ý đến các chức năng phù hợp độ tuổi và nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn những trẻ nhỏ sẽ cần một chiếc điện thoại đủ đáp ứng nhu cầu liên lạc cơ bản. Những trẻ lớn và trẻ vị thành niên sẽ cần một chiếc điện thoại nhiều chức năng hơn, để kết nối với bạn bè và phục vụ những mục đích cá nhân khác.
2. Không trang bị cho trẻ những kĩ năng bảo vệ bản thân trên mạng
Có thể bạn sẽ thấy những điều này là “lẽ dĩ nhiên”, nhưng nên nhớ rằng con bạn vẫn còn nhỏ, chưa có đầy đủ nhận thức và hiểu biết về hậu quả cho những hành động tưởng như vô tình.
Hãy dạy trẻ về cyberbullying (những hành động “bắt nạt trực tuyến”, gây tổn hại đến tinh thần và tâm lí cho nạn nhân không khác gì hình thức bắt nạt thông thường). Dạy trẻ về những thông tin không nên tiết lộ, và những website cần tránh xa.
3. Không quy định giờ “giới nghiêm”
Một trong những lo lắng thường thấy nhất ở các bậc phụ huynh, đó là sợ con mình bị “nghiện”. Trẻ cả ngày dán mắt vào điện thoại, các thiết bị điện tử, và bạn dường như không “được” trò chuyện với con mình nữa.
Bạn có thể ngăn chặn điều này bằng cách đặt ra các quy định về sử dụng điện thoại ngay từ đầu, ví dụ như chỉ cho trẻ sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc không được sử dụng điện thoại trong giờ ăn. Hãy thảo luận trước với các thành viên trong gia đình để đưa ra được những quy định “giới nghiêm” phù hợp nhất cho mọi người.
4. Nêu gương xấu cho trẻ
Bạn có sử dụng điện thoại suốt ngày không? Khi nói chuyện với con, bạn có chú ý lắng nghe không hay còn bận trả lời email? Trẻ con luôn xem ba mẹ là hình mẫu số một để noi theo. Vậy nên nếu từ sáng đến tối thứ duy nhất bạn để tâm tới là điện thoại của mình, đừng ngạc nhiên khi thấy con mình cũng như vậy. Bỏ điện thoại sang một bên, và chú ý đến gia đình hơn nhé.
5. Kế hoạch chi tiêu không hợp lí
Chắc hẳn bạn đã nghe những câu chuyện “hãi hùng” về vấn đề cước phí viễn thông, về những bậc phụ huynh tốn cả núi tiền để chi trả cho phí điện thoại hàng tháng, hoặc cho những ứng dụng trực tuyến mà con họ sử dụng. Tin vui là bạn sẽ không cần đóng vai chính trong những câu chuyện đó, nếu ngay từ đầu bạn có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng và hợp lí về thói quen sử dụng thiết bị điện tử của trẻ.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!