Chất nhầy cổ tử cung luôn thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và là 1 trong những dấu hiệu rụng trứng điển hình. Chị em đã biết chất nhầy như thế nào là rụng trứng? Ngoài chất nhầy đâu là những dấu hiệu rụng trứng khác chị em cần biết?
Chất nhầy cổ tử cung là gì?
Chất nhầy cổ tử cung được tiết ra bởi các tuyến trong và xung quanh cổ tử cung, có nhiệm vụ ngăn chặn vật lạ xâm nhập vào tử cung và nuôi dưỡng, giúp tinh trùng đi qua cổ tử cung vào tử cung gặp trứng. Ngoài ra chất này còn có tác dụng giữ ẩm và cân bằng môi trường âm đạo.
Trong một chu kỳ, chất nhầy cổ tử cung thường xuyên thay đổi tình trạng do sự thay đổi của hormone trong cơ thể phụ nữ. Ngay trước thời điểm rụng trứng, hormone estrogen làm biến đổi tính chất của chất nhầy để giúp tinh trùng sống sót và bơi vào gặp trứng dễ dàng hơn. Sau khi rụng trứng, chất nhầy lại 1 lần nữa bị thay đổi bởi hormone progesterone để ngăn không cho tinh trùng (và bất kỳ chất lạ nào khác) đi vào tử cung.
Chất nhầy như thế nào là rụng trứng?
Thông thường dịch âm đạo có dạng hơi đặc, trong suốt, có thể có màu nâu hoặc đỏ tươi, hơi dính. Dịch nhầy có thể chảy ra nhiều trong 1 lúc, liên tục hoặc từng ít 1 trong vài ngày, không mùi.
Tùy từng giai đoạn trong quá trình rụng trứng mà dịch nhầy lại thay đổi tính chất, cụ thể như sau:
- Khô và sánh đặc, có màu sẫm hơn, dính và nháp hơn: Trứng chưa rụng
- Có dạng đặc dính như kem hay lotion, có vẩn đục, có màu nhợt: Ngày rụng trứng đang đến
- Chất nhầy ẩm ướt, nhiều nước và hơi co giãn: Ngày rụng trứng đang rất gần
- Dịch nhầy trong suốt, có nước, có độ kết dính tốt, có thể kéo giãn giữa các ngón tay ra khoảng 2,5cm trở lên và giống như lòng trắng trứng sống, dịch tiết ra nhiều hơn bình thường: Đây là thời điểm rụng trứng.
Chất nhầy sẽ biến mất sau khi rụng trứng 2 – 3 ngày và kèm theo các biểu hiện như bụng đau râm ran, căng tức ngực khó chịu… Chị em chỉ cần ghi nhớ đơn giản là khi dịch nhầy xuất hiện nhiều hơn hẳn, ẩm ướt và trơn như lòng trắng trứng thì có nghĩa là thời gian rụng trứng đã đến. Trong những ngày này khả năng thụ thai thành công là rất cao.
Mặt khác có những trường hợp dịch nhầy tiết ra nhiều là dấu hiệu của các bệnh lý về phụ khoa. Nếu màu sắc dịch thay đổi, dịch có mùi hôi thì chị em nên thăm khám chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Làm thế nào để kiểm tra chất nhầy cổ tử cung?
Để kiểm tra chất nhầy cổ tử cung, chị em nên thực hiện theo các bước sau:
- Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn và lau khô tay
- Chọn tư thế thoải mái, ví dụ như ngồi trên bồn cầu, ngồi xổm, đứng và đặt một chân lên bồn tắm hoặc bồn cầu
- Đặt một ngón tay vào bên trong âm đạo (nên dùng ngón trỏ). Cẩn thận không làm trầy xước âm đạo. Không cần đưa tay vào quá sâu, lý tưởng nhất là lấy tử vùng gần cổ tử cung
- Lấy ngón tay ra khỏi âm đạo và quan sát độ đặc của chất nhầy cổ tử cung. Dùng ngón trỏ và ngón cái giữ chất nhầy, rồi từ từ tách 2 ngón tay ra.
Lưu ý khi kiểm tra chất nhầy cổ tử cung
- Không kiểm tra chất nhầy sau khi quan hệ tình dục vì sẽ khó phân biệt được dịch âm đạo, tinh dịch với chất nhầy cổ tử cung
- Nếu không lấy được chất nhầy bằng cách dùng ngón tay, chị em có thể kiểm tra đáy quần lót hoặc trên giấy vệ sinh sau khi đi vệ sinh
- Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tiết dịch nhầy và tính chất của chất nhầy cổ tử cung như: thuốc kháng histamine, tâm lý căng thẳng, chế độ ăn, sự thay đổi quá nhanh của cân nặng…
- Nếu chị em không thấy sự xuất hiện của chất nhầy cổ tử cung thì lời khuyên lúc này là nên đi khám chuyên khoa vì đây rất có thể là dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố hoặc vấn đề về đường sinh sản của chị em
- Không nên cố rửa sạch dịch âm đạo tự nhiên vì dịch này cung cấp môi trường pH cân bằng cho vi khuẩn có lợi trong âm đạo phát triển.
Các dấu hiệu rụng trứng khác
Biểu hiện rụng trứng là khác nhau ở mỗi chị em, 1 số chị em có thể sẽ không nhận thấy các dấu hiệu rụng trứng. Thời điểm trứng rụng ở mỗi người lại cũng khác nhau, bên cạnh quan sát dịch nhầy tử cung thì chị em hoàn toàn có thể nhận ra 1 số dấu hiệu rụng trứng điển hình thường gặp nhất sau đây:
- Nhiệt độ cơ thể thay đổi: Trước thời điểm rụng trứng thân nhiệt thường giảm nhẹ và sẽ tăng lên sau khi trứng rụng, thông thường mức tăng không quá 1°C
- Ngực đầy và căng cứng hơn. Đầu vú nhạy cảm hơn. Cơn đau sẽ tiếp tục đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và mức độ của cơn đau là khác nhau ở từng chị em
- Khứu giác trở nên nhạy cảm hơn: Chị em trở nên khá nhạy cảm với mùi, nhất là mùi xạ hương và mùi androtesnone pheromone nam
- Ham muốn tình dục tăng lên do sự tăng lên của hormone luteinizing (LH) trong cơ thể. Giai đoạn này nữ giới cũng trở nên rất quyến rũ trong mắt bạn đời. Việc tăng ham muốn sẽ kéo dài khoảng 6 ngày
- Đau nhẹ hoặc đau ở vùng bụng dưới (con đau rụng trứng – Mettelschmerz). Cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Chị em cũng có thể bị chuột rút, buồn nôn, đau nửa đầu hoặc đau đầu
- Xuất hiện đốm máu: Đốm máu xuất hiện ở đáy quần lót khi nang trứng bao quanh và bảo vệ tế bào trứng vỡ ra dẫn đến chảy máu. Khi máu khô đi, đốm máu chuyển sang màu nâu làm dịch tiết chuyển màu sang đỏ, nâu hoặc nâu sẫm.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!