Đứng trước tình hình dịch bệnh còn nhiều biến động khó lường như hiện tại, chúng ta cần nâng cao nhận thức và chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách update kịp thời các thông tin cần thiết mỗi ngày. Mới đây các cơ quan y tế khuyến cáo không chạm tay lên mặt để phòng tránh virus corona.
Chạm tay lên mặt là thói quen chúng ta thực hiện cả ngày và kéo dài đến suốt cuộc đời
Trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 do virus corona gây ra, các quan chức y tế luôn nhấn mạnh rằng chỉ cần một lần chạm ngón tay lên mặt là virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua lỗ mũi, mắt hoặc miệng. Hàng ngày, tay của chúng ta tiếp xúc với rất nhiều vật thể như: tay nắm cửa, nút bấm thang máy, tay nắm trên các phương tiện công cộng – những nơi mà virus có thể tồn tại, vì thế nên hạn chế không để tay tiếp xúc trực tiếp với mặt.
Không đặt tay lên mặt để phòng tránh virus corona
Tuy nhiên, chạm tay lên mặt là thói quen chúng ta thực hiện cả ngày và kéo dài đến suốt cuộc đời. Một nghiên cứu của Đại học New South Wales, Australia năm 2015 cho thấy, trung bình một người chạm lên mặt 23 lần/giờ. Vậy nên, dừng thói quen đó là điều nói dễ hơn làm. Bác sĩ Vanessa Raabe, trợ lý giáo sư khoa y tại NYU Langone Health cho biết “Rất khó để bạn thay đổi thói quen đó vì đại đa số chúng ta đều làm như vậy, và nguy hiểm hơn là chúng ta còn không nhận thức được khi mình đang làm như vậy.” –
Một vài thủ thuật nhỏ giúp bạn xao lãng và nhắc bạn nhớ không được để ngón tay lên mặt
1. Luôn mang theo một hộp khăn giấy
Khi bạn cảm thấy khó chịu một bộ phận nào trên khuôn mặt như dụi mũi, dụi mắt hoặc điều chỉnh gọng kính hãy lấy một chiếc khăn giấy và sử dụng nó thay vì sử dụng trực tiếp tay của mình để tiếp xúc với khuôn mặt của bạn. Đặc biệt đối với những bạn da mặt mụn, tuyệt đối không dùng tay nặn sẽ khiến vi khuẩn lây lan nhanh hơn.
Sử dụng khăn giấy thay vì dùng tay
Trong trường hợp cần hắt hơi mà không có khăn giấy sẵn bên cạnh, hãy sử dụng khuỷu tay của bạn chứ không phải là dùng bàn tay của bạn để che miệng. Hắt hơi vào tay làm tăng khả năng truyền vi khuẩn sang người khác và đồ vật xung quanh.
2. Ghi nhớ những việc khiến bạn phải chạm tay lên mặt
Khi gặp vấn đề khó khăn việc biết được nguyên nhân sẽ giúp bạn nhận thức và có cách xử lý gốc rễ nhanh chóng hơn. Hãy suy nghĩ về thời điểm và lý do bạn hay chạm vào mặt của mình là gì và thay thế bằng hành động khác. Ví dụ bạn hay dụi mắt bởi vì bụi bay vào hay mắt bị khô do làm việc nhiều trước máy tính, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt, hay nếu bạn đang sử dụng bàn tay của mình để chống cằm suy nghĩ – hãy thay đổi bằng cách khoanh tay, nằm gục xuống bàn để tay kê đầu vì mệt thì hãy thay bằng việc ngửa người ra ghế hoặc rửa mặt để tinh thần thoải mái hơn… tất cả đều cần lưu ý một cách nghiêm túc và để từ bỏ dần những thói quen xấu.
Hãy suy nghĩ về thời điểm và lý do bạn hay chạm vào mặt của mình là gì và thay thế bằng hành động khác
Bác sĩ Justin Ko, phó giáo sư lâm sàng về da liễu tại Stanford Health cho biết, các bệnh nhân đeo kính áp tròng nên cân nhắc đeo kính bình thường để ngăn cản dụi mắt. Tương tự, tuy khẩu trang không hiệu quả lắm trong việc ngăn chặn virus, nhưng nó lại khá hữu ích khi mang lại hàng rào chống chạm vào mũi miệng.
Để tránh khả năng bạn quên và làm theo thói quen hằng ngày là đặt tay lên mặt hãy đặt các tờ giấy nhớ xung quanh nhà bạn, trước máy tính cũng có tác dụng như một lời nhắc hữu ích.
3. Giữ cho tay của bạn luôn trong trạng thái bận rộn
Giữ bàn tay của bạn bận rộn bằng việc cầm những quả bóng xả stress hoặc những vật dụng khác như con chuột máy tính có thể giúp bạn giảm tần suất của thói quen xuống. Và tất nhiên là bạn phải thường xuyên vệ sinh những vật dụng đó.
Nếu bạn đang ở nhà hoặc những thời điểm không tiện cằm đồ vật trên tay hãy thử những cách để bận rộn khác như sắp xếp dọn dẹp nhà cửa, phơi đồ, hay đơn giản chỉ là khoanh tay lại để bạn không còn giữ thói quen đưa tay lên mặt nữa.
“Sử dụng xà phòng thơm hoặc kem dưỡng da có thể giúp ích”, tiến sĩ Zach Sikora, nhà tâm lý học lâm sàng ở Chicago cho biết. Khi bạn đưa tay lại gần mặt, mùi đó có thể khiến bạn nhận thức rõ hơn về hành động của mình.
4. Không để đầu óc căng thẳng và thường xuyên rửa tay
Tiến sĩ Stew Shankman, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi Đại học Northwestern, nói thêm: “Lời khuyên của tôi là mọi người đừng quá căng thẳng, ám ảnh về những gì chúng ta chạm vào. Stress ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người và nếu chúng ta càng căng thẳng, khả năng cơ thể chống lại nhiễm trùng càng thấp”.
Thực hành các bài tập thiền và tập trung vào hơi thở của bạn sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch. Bên cạnh đo việc giữ bàn tay của bạn luôn sạch sẽ, khử trùng mỗi khi đi ra ngoài, đi về nhà, hoặc trước khi ăn uống sẽ giúp bạn hạn chếvi khuẩn xâm nhập cơ thể.
Theo kenh14
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!