Những lầm tưởng về phòng tránh virus corona được lan truyền trên mạng trong những ngày qua. Nhiều người nghĩ rằng virus corona truyền qua thú cưng, từ mẹ sang con, uống vitamin C, kháng sinh, ăn tỏi để ngừa nCoV, là thiếu căn cứ khoa học.
1. “Ủ kín” trong nhà, phòng máy lạnh ngăn bệnh
Có quan điểm cho rằng đóng kín cửa, ở phòng máy lạnh, tránh ra ngoài đường và cứ “ủ kín” trong nhà là an toàn nhất để tránh lây nhiễm virus Corona mới.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nCoV sẽ suy yếu ở nhiệt độ ấm áp, nhất là trên 25 độ C, độ ẩm cao. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt vi rút ở ngoài tự nhiên.
Đây là một điều đáng mừng cho những vùng có khí hậu nóng ẩm và nhiều nắng như ở VN trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus ở môi trường ngoài cơ thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những nơi có khí hậu nóng sẽ không có nguy cơ lây bệnh.
Người dân có thể tận dụng yếu tố nhiệt độ để làm giảm sức mạnh của virus, tránh ở trong các phòng kín có nhiệt độ quá lạnh và phải giữ nhà cửa thông thoáng.
Để tránh lây lan bệnh dịch, người dân được khuyên không nên tụ tập, đi đến những chỗ đông người, nhưng điều này không có nghĩa là “ủ kín” trong nhà với máy lạnh.
Cần mở cửa cho thoáng khí, đón nắng vào nhà
“Cần mở cửa cho thoáng khí, đón nắng vào nhà, hạn chế ở trong phòng máy lạnh dưới 25 độ C”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
2. Thú cưng có lan truyền nCoV?
Nhiều người thắc mắc, liệu thú cưng nuôi trong nhà có làm lây truyền chủng mới của virus Corona nCoV không?
Theo thông tin từ WHO, đến nay chưa có bằng chứng thú cưng nuôi trong nhà (như chó, mèo…) nhiễm nCoV. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, mọi người nên rửa tay với xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với các loại vật nuôi. Đó là cách bảo vệ khỏi vi khuẩn E.Coli, Samonella thường lây từ vật nuôi sang người.
3. Đeo khẩu trang ngược phòng bệnh tốt hơn
Theo các bác sĩ, đây chỉ là “truyền thuyết”, không biết ai nghĩ ra và hoàn toàn sai! Có một điều chắc chắn rằng, cần phải đeo khẩu trang đúng cách mới giúp phòng bệnh hiệu quả.
Thạc sĩ – bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng VN, lưu ý: Dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho.
Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách: Chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ vào thùng rác có nắp đậy. Khi đeo khẩu trang, phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra. Vì vậy, nhất thiết không được đeo khẩu trang ngược.
Những lầm tưởng về phòng tránh virus corona: Đeo khẩu trang ngược phòng bệnh tốt hơn
4. Chỉ cần đeo khẩu trang là có thể phòng bệnh
Nhiều người tin rằng đeo khẩu trang là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): Chỉ đeo khẩu trang thôi chưa đủ, người dân phải làm hết các biện pháp được khuyến cáo mới phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, chú ý rửa tay thường xuyên với xà phòng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng bệnh truyền nhiễm (quan trọng hơn cả việc đeo khẩu trang).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói thêm: Vi rút nCoV phát tán từ người bệnh hay người mang mầm bệnh qua các giọt bắn phát ra khi ho, hắt hơi.
Vi rút phải nằm trong chất tiết mới sống được chứ không thể bay lơ lửng một mình. Vi rút trong giọt bay ra môi trường bám vào các vật dụng nếu người ho, hắt hơi không che miệng. Người khác dùng tay cầm nắm vào các vật này (tay vịn cầu thang, tay nắm cửa…) bị dính dịch tiết có vi rút. Từ bàn tay sẽ lây truyền vi rút khắp nơi. Vì vậy, rửa tay đúng cách bằng xà phòng chính là cách phòng bệnh hàng đầu.
Rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang phù hợp để phòng tránh virus corona, theo khuyến cáo của Bộ Y tế
WHO khuyến cáo uống đủ nước tốt cho sức khỏe tổng thể nhưng không ngừa được nCoV
WHO khuyến cáo uống đủ nước tốt cho sức khỏe tổng thể nhưng không ngừa được nCoV. Uống rượu, bia hay đồ uống có cồn cũng không phòng ngừa được nCoV. Mỗi người nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không biết uống không nên tập uống để ngăn ngừa.
Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp người bị cảm lạnh thông thường hồi phục nhanh hơn nhưng chưa được chứng minh là giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Một số nhãn hiệu nước súc miệng có thể loại bỏ vi khuẩn ở nước bọt trong vài phút nhưng không đồng nghĩa nước súc miệng có thể bảo vệ bạn không lây nhiễm nCoV.
Đặc biệt, việc sử dụng vitamin C, trà thảo dược truyền thống hay tự dùng thuốc như kháng sinh để phòng, chống nCoV là không hiệu quả. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, selen chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên không sử dụng như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị nCoV.
Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine hay thuốc trị đặc hiệu virus corona. Các bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ, tức điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê cho biết Việt Nam hoàn toàn chữa được bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, song người già khi có sẵn các bệnh lý nền như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch dường như dễ bị nặng hơn khi nhiễm virus này. WHO khuyên mọi người ở mọi lứa tuổi nên thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi virus như thường xuyên rửa tay và vệ sinh đường hô hấp tốt.
Nguồn vnepress.net
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!