Chăm sóc trẻ mọc răng là giai đoạn gian nan tiếp theo sau hành trình kéo dài 9 tháng của thai kỳ và những tháng đầu làm quen với em bé mới sinh. Mọc răng đánh dấu bước phát triển quan trọng của trẻ nhỏ và thiên thần bé bỏng có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi bước vào giai đoạn này.
Hẳn là bậc cha mẹ nào cũng muốn làm mọi thứ để con đỡ thấy khó chịu và đảm bảo hàm răng em bé mọc chắc khỏe. Bây giờ sẽ là thời gian tìm hiểu về trình tự mọc răng, cách giảm đau cho bé hay làm thế nào để bé cười khoe răng. Hãy cùng xem cha mẹ hay băn khoăn về những vấn đề nào nhất nhé!
Khi nào thì em bé bắt đầu mọc răng?
Thời điểm mọc răng của từng em bé khác nhau là khác nhau. Trung bình răng bắt đầu nhú khi bé được từ 4 – 7 tháng tuổi nhưng cũng có thể từ 3 – 12 tháng tùy thuộc từng bé. Vậy nên mẹ đừng quá lo lắng nếu con có mọc răng hơi sớm hoặc muộn quá nhé.
Ngay khi em bé nhú chiếc răng đầu tiên khi được khoảng 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu lựa chọn cho bé bàn chải lông mềm và kem đánh răng phù hợp với độ tuổi (chứa ít flouride hơn kem đánh răng thông thường).
Làm thế nào để biết em bé mọc răng?
Tương tự với thời điểm mọc răng, dấu hiệu mọc răng ở từng em bé cũng khác nhau. Dấu hiệu mọc răng thường xuất hiện và biến mất trong vài ngày. Một số biểu hiện phổ biến bao gồm:
- Trẻ hay quấy khóc, gắt gỏng
- Ngủ không ngon giấc
- Má ửng đỏ và/hoặc sốt nhẹ
- Chảy dãi
- Sưng nướu hoặc môi
- Hay mút, ngậm đồ chơi
- Khó cho trẻ ăn hoặc trẻ từ chối đồ ăn
- Tự kéo tai (cùng bên với bên hàm có răng mọc)
Thường mọc răng không đi kèm với việc trẻ bị ốm. Trong trường hợp em bé sốt hoặc tiêu chảy kéo dài mẹ cần đưa bé đi kiểm tra tại các cơ sở y tế.
Trẻ mọc răng có bị đau không?
Cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức liệu mọc răng có làm em bé cảm thấy đau đớn hay không, nhưng dù sao đây cũng là trải nghiệm mới mẻ với em bé. Những cảm giác trong miệng hoàn toàn mới và có thể làm bé bối rối. Theo kinh nghiệm của nhiều ông bố bà mẹ thì đây là nguyên nhân làm cho em bé quấy khóc khó chịu hơn bình thường.
Răng bé sẽ mọc theo thứ tự nào?
Mặc dù mỗi em bé là khác nhau nhưng có một trình tự mọc răng nhất định ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số em bé có thể có thứ tự mọc răng khác với số đông. Hãy xem trình tự mọc răng phổ biến của trẻ trong thứ tự dưới đây nhé:
- 6 – 10 tháng: 2 răng cửa dưới
- 8 – 13 tháng: 2 răng cửa trên
- 9 – 13 tháng: 2 răng hàm trên cạnh răng cửa
- 10 – 16 tháng: hai răng hàm dưới cạnh răng cửa
- 13 – 19 tháng: răng hàm bắt đầu mọc ở cả hàm trên và hàm dưới
- 16 – 23 tháng: Mọc răng nanh ở cả hai hàm.
- 23 – 33 tháng: 4 răng hàm cuối cùng
Đến lúc này, em bé đã có bộ răng sữa đầy đủ.
Khi nào răng sữa rụng ra?
Răng sữa bắt đầu rụng khi em bé được 5 – 7 tuổi, cha mẹ nên tập và duy trì cho con thói quen vệ sinh răng miệng từ sớm bằng cách dạy con thực hành các kỹ năng thay vì lời nói để trẻ tiếp thu nhanh hơn và nhớ lâu hơn. Nếu có nhiều hơn 1 em bé, hãy để việc chải răng hàng ngày là hoạt động chung của cả gia đình.
Có loại gel nào giúp làm dịu cơn đau khi mọc răng của trẻ không?
Các loại gel giảm đau không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ vì không có nhiều tác dụng cũng như có thể gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên nếu đã quyết định sử dụng sản phẩm này, hãy lưu ý chọn loại không đường. Đường trong gel là nguyên nhân sâu răng và có thể phải can thiệp nha khoa như trám răng, hàn răng ở trẻ.
Hãy tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm. Đừng quá lạm dụng vì gel có thể gây hại cho sức khỏe em bé khi không may nuốt phải. Nói chung các loại gel giảm đau cho người lớn không phù hợp cho trẻ nhỏ đang mọc răng.
Có nên cho con bú khi bé đang mọc răng không?
Trái với suy nghĩ cho con bú khi bé đang mọc răng nghe có vẻ khác thường, sức khỏe răng miệng và việc cho con bú lại có nhiều liên hệ với nhau. Sữa mẹ có các đặc tính tự nhiên giúp làm dịu cơn khó chịu của bé khi mọc răng. Nhiều chuyên gia cho rằng cho con bú và thực hiện da tiếp da có tác dụng giảm đau khi phải can thiệp y tế ở trẻ sơ sinh. Nhiều em bé có nhu cầu bú mẹ cao hơn khi đang mọc răng. Cho con bú cũng có tác dụng căn chỉnh răng bé và ngăn ngừa tình trạng răng cong vẹo sau này.
Một tác dụng không mong muốn là mẹ phải chịu đau vì em bé cắn khi được cho bú. Khi gặp tình trạng đó, phản ứng tự nhiên của mẹ là kêu lớn và đẩy bé ra làm bé bị giật mình và bất ngờ. Các bé sẽ thấy tổn thương, một số em sẽ khóc. Đây là phản ứng tiêu cực không nên khuyến khích ở trẻ, thường sau hành động của mẹ em bé sẽ không cắn nữa, nhưng có một số bé nhạy cảm thậm chí còn tạm thời từ chối ti mẹ.
Có một cách mẹ có thể áp dụng là đông lạnh sữa thành dạng đá viên và để em bé mút như một cách làm dịu cơn khó chịu khi mọc răng.
Mẹ có thể làm gì để chăm sóc trẻ mọc răng?
Không có cách nào đẩy nhanh quá trình mọc răng ở trẻ, mẹ chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi và tìm cách làm cho giai đoạn này thoải mái nhất có thể cho em bé. Khi bé đang mọc răng mẹ KHÔNG NÊN:
- Cho trẻ uống aspirin.
- Dùng thuốc hay gel giảm đau có chứa chất gây tê cục bộ. Các chất này không phù hợp cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nhi khoa hoặc chuyên gia chăm sóc răng miệng trước khi quyết định dùng thuốc giảm đau ở trẻ.
Có nên cho trẻ dùng thuốc giảm đau không?
Thuốc giảm đau chỉ nên là lựa chọn cuối cùng khi em bé thực sự khó chịu. Mẹ có thể cho bé uống 1 liều paracetamol hoặc ibuprofen dành cho trẻ nhỏ. Những loại thuốc này có tác dụng khá nhanh nhưng hãy luôn nhớ kiểm tra thông tin thuốc và tham vấn bác sỹ trước khi sử dụng.
Mẹ cũng nên tham khảo chuyên gia y tế nếu thân nhiệt trẻ ở mức 40 độ C trở lên. Mọc răng sẽ không làm trẻ sốt ở mức nhiệt độ này. Hãy kiểm tra xem ngoài mọc răng còn nguyên nhân nào làm trẻ khó chịu như viêm tai, cảm lạnh, ho, đau bụng hay nhiễm trùng đường tiết niệu.
Có nên đưa bé đến nha sỹ không?
Trẻ nên được kiểm tra sức khỏe răng miệng lần đầu tiên khi được từ 6 – 12 tháng tuổi và muộn nhất là trước 24 tháng. Hãy tập cho trẻ làm quen với việc thăm khám răng định kỳ và để trẻ có tâm lý thoải mái nhất khi thực hiện việc đó.
Một số gợi ý chăm sóc trẻ mọc răng
- Dùng ngón tay sạch chà xát nướu vài phút mỗi lần sẽ làm bé dễ chịu.
- Để bé cắn một miếng vải sạch được làm lạnh. Trẻ đang mọc răng rất thích cắn đồ lạnh, một miếng vải sạch là lựa chọn an toàn và đơn giản. Đặt miếng vải vào ngăn đá khoảng 15 phút sau đó cho bé gặm nhé.
- Dùng vòng mọc răng/đồ chơi gặm nướu. Có nhiều loại đồ chơi gặm nướu và vòng mọc răng trên thị trường với nhiều kích cỡ và hình dáng. Ngoài ra một cách đơn giản mẹ có thể làm tại nhà là cho nước lên ti giả của bé và làm lạnh núm ti rồi cho bé ngậm.
- Đối với trẻ đã ăn thô tốt, các loại đồ ăn lạnh rất hữu ích trong giai đoạn này. Hãy cho trẻ ăn chuối, nho, nước ép táo hay sữa chua đã được làm lạnh. Cho thức ăn vào túi nhai để ngăn trẻ nuốt phải miếng quá to. Mẹ cũng có thể cho trẻ thử các loại bánh ăn dặm cứng không đường.
Mọc răng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của em bé. Cho đến khi bộ răng mọc đầy đủ, em bé có thể trải qua vài cơn khó chịu. Mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu dấu hiệu của bé và tham khảo một số gợi ý chăm sóc trẻ mọc răng trong bài viết để thời kỳ này của bé không quá khó khăn với cả nhà nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!