Chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi mẹ sẽ cảm thấy vất vả hơn khi con đã không còn chỉ ăn với ngủ. Những thay đổi bên ngoài dần tác động tới bé khiến con khóc nhiều, dễ tỉnh giấc và gặp nhiều vấn đề hơn trong ăn sữa.
Bé 2 tháng tuổi đã có những mốc phát triển đặc biệt hơn so với khi con mới chào đời
Cân nặng bé 2 tháng tuổi từ 4,3 đến 6,0 cân, cao 55,5cm – 60,7cm đối với bé trai. 4,0 đến 5,4 cân, cao 54,5cm – 59, 2cm đối với bé gái là đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu con có ít hơn ở mức này thì mẹ cũng đừng vội lo lắng mà cần xem xét cả các yếu tố khác nữa.
Bé 2 tháng tuổi biết làm những gì?
- Bé bắt đầu thể hiện nhiều loại cảm xúc hơn bao gồm: hài lòng, mong đợi và không hài lòng.
- Bây giờ, bé bắt đầu biết đến sự dỗ dành của những giọng nói thân quen và việc ẵm bồng.
- Bắt đầu cười với người khác
- Cố gắng nhìn gương mặt của bố, mẹ
- Chú ý tới khuôn mặt người
- Bắt đầu dõi mắt theo những vật chuyển động và nhận ra người ở khoảng cách nhất định
- Bắt đầu thể hiện cảm xúc khi buồn chán (khóc, quấy)
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi chuẩn khoa học và dễ dàng cho mẹ
Chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi mẹ cần chú ý đến những vấn đề sau
1. Với bé ăn sữa mẹ
Từ tháng thứ 2, các cữ sữa của trẻ đã dần ổn định. Bé vẫn cần được bú theo nhu cầu nhưng khoảng cách giữa các cữ bú đã kéo dài từ 3-4 tiếng đồng hồ.
Thời gian cho mỗi bên bú của bé thường từ 5-7 phút. Vì vậy mẹ cần cho bé ăn ít nhất là 15 phút/cữ. Mẹ cũng cần để ý rằng, trung bình bé cần tăng 150-200g/5 ngày. Nếu con tăng không đến 100g, kết hợp với các biểu hiện bé quấy khóc thì rất có thể sữa mẹ không đủ. Lúc đó mẹ nên kích thêm sữa hoặc cho bé ăn bổ sung sữa ngoài từ 1-2 bữa.
2. Bé ăn sữa ngoài
Thông thường, bé cân nặng 3-3kg khi chào đời bước sang tháng thứ 2 sẽ cần ăn trung bình 800ml/ngày.
Nếu bé ăn 7 bữa /ngày thì lượng sữa con ăn có thể lên tới 120ml/cữ. Con chỉ ăn 6 bữa thì lượng ăn nên đạt tầm 140ml/bữa. Với các bé vốn đã có nếp ăn ít thì có thể sẽ không ăn hết cũng không sao.
Mẹ cũng cần chú ý là bé ăn sữa ngoài sẽ ị ít (4-5 lần/ngày) hoặc không phải ngày nào cũng ị. Nếu con khỏe mạnh, phân mềm và không tỏ vẻ đau đớn khi ị thì nghĩa là con không bị táo bón.
3. Vắc xin cho con trong tháng này
Bé 2 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin đúng lịch để tăng cường sức đề kháng gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não và viêm gan B.
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi
4. Con ngủ ngày và thức đêm
Sau 1 tháng ăn ngoan, ngủ ngoan, giờ đây bé 2 tháng tuổi gặp nhiều vấn đề hơn về giấc ngủ. Trong đó điển hình là hiện tượng ngủ ngày rất nhiều và đêm đến là thức chơi hoặc quấy khóc.
Đây là hiện tượng rất phổ biến do nguyên nhân chủ yếu là bé bị lẫn lộn ngày đêm và cách thức đưa con đi ngủ của mẹ chưa hợp lý.
Để giải quyết tình trạng này mẹ cần áp dụng quy tắc Ban ngày nhiều ánh sáng, hoạt động, ban đêm thật yên tĩnh và ngủ trong bóng tối với các bước như sau:
– Thiết lập lịch sinh hoạt cho bé (nên bắt đầu một ngày của bé tầm 7 giờ sáng và không được để mặc cho con ngủ tới 9-10 giờ sáng)
– Bế bé ra ngoài đi dạo buổi sáng để cơ thể tiết ra hoóc môn Melatonin giúp con dễ ngủ hơn vào ban đêm.
– Ban ngày khi con thức giấc cần cho con tiếp xúc nhiều với ánh sáng, âm thanh, tiếng động tự nhiên.
– Từ 6 giờ chiều, thực hiện nếp sinh hoạt đi ngủ tuần tự (chẳng hạn đi tắm-ăn sữa-vỗ về-đi vào giấc ngủ trong ánh đèn mờ) để con biết được đã đến giờ ngủ đêm.
– Ban đêm tuyệt đối chỉ cho bé ăn trong yên lặng và bóng tối.
5. Hiện tượng colic của bé 2 tháng tuổi
Đây có thể xem là cơn xì trét của nhiều mẹ chăm con trong 3 tháng đầu. Con sẽ khóc dai dẳng vào một thời điểm nhất định nào đó trong ngày (phổ biến nhất là tầm chiều đến đêm).Tình trạng này kéo dài trong nhiều ngày trong tuần và liên tục trong nhiều tuần. Và điều khổ sở nhất là dỗ kiểu gì con cũng không tài nào nín được.
Cho đến nay các chuyên gia trẻ em vẫn chưa lý giải được chính xác hiện tượng này cũng như cách giải quyết triệt để nhằm giúp bé dễ chịu hơn.
Vậy nên, nếu bé nhà mẹ gặp phải hiện tượng colic, một số cách giúp mẹ có thể như:
- Cần tìm một người hỗ trợ để chăm sóc bé khi con khóc. Vì con sẽ khóc kéo dài, mẹ không thể dỗ được có thể bị xì trét hoặc có những hành vi tiêu cực.
- Bế bé và đung đưa khe khẽ.
- Tắm nước ấm và mát xa cho bé.
- Bế trẻ ở tư thế nằm sấp.
Cuối cùng là kiên nhẫn và chờ đợi cho giai đoạn này qua đi.
Cách chăm bé 2 tháng
6. Bé ngủ bao nhiêu thì bị coi là ít ngủ?
2 tháng tuổi, trung bình con sẽ ngủ 6-7 tiếng vào ban ngày, 8-9 tiếng về đêm. Tổng cộng số giờ ngủ từ 14-16 tiếng/ngày.
Nếu bé ngủ chưa được 30 phút/giấc và tỉnh giấc thường xuyên, có biểu hiện cáu gắt, khóc nhiều thì đây là dấu hiệu cho thấy con đang bị thiếu ngủ.
Việc tập chuỗi thói quen ngủ và đảm bảo các điều kiện để con có một giấc ngủ sâu là điều cần thiết. Mẹ cần chú ý:
- Nhận ra dấu hiệu trẻ buồn ngủ càng sớm càng tốt. Con bị quá giờ ngủ sẽ càng khó ngủ và cáu gắt.
- Đặt con xuống giường trước khi con chìm vào giấc ngủ. Bé được bế hay ngủ trong lúc ti mẹ sẽ dễ tỉnh giấc hơn.
- Có thể quấn bé trước khi đi ngủ để con không bị giật mình.
- Nếu bé tỉnh giấc giữa chừng, hãy chờ từ 5-10 phút xem bé có tự ngủ lại không.
- Có thể sử dụng vật hỗ trợ cho giấc ngủ của con như chăn có hơi mẹ, thú bông nhỏ hoặc ti giả.
Cách chăm bé 2 tháng
7. Con có thực sự bị méo đầu?
Thời gian này khung sọ con rất mềm nên mẹ cần chú ý tư thế cho bé ngủ. Thường xuyên cho bé nằm nghiêng, không nằm quá lâu một chỗ hoặc một tư thế sẽ giúp con đầu tròn đẹp hơn.
8. Phòng tránh tai nạn cho bé
Trẻ 2 tháng tuổi dù chưa lẫy nhưng sức đạp của con đã khỏe hơn. Một số trẻ có thể đạp chăn gối và bị rơi xuống đất nếu con đạp mạnh. Vì vậy mẹ cần chú ý đặt bé nằm ở nơi an toàn, có thanh chắn là tốt nhất.
Ngoài ra, cắt sát móng tay cho bé để tránh con cào xước mặt mũi trong lúc khua tay.
9. Một số bé có hiện tượng chướng bụng, đầy hơi
Các bài mát xa, động tác đạp xe đạp và vỗ ợ hơi có thể giúp bé giải quyết tốt tình trạng này.
10. Bài tập giúp chăm bé 2 tháng tuổi khỏe mạnh
Tháo bao tay, bao chân bé để con được hoạt động hết sức mình. Các bài tập nằm sấp sẽ giúp trẻ sớm cứng cáp cổ và biết lẫy.
Vào buổi sáng sớm, trời nắng dịu, mẹ đừng quên bế vác trẻ đi dạo. Con vừa được tắm nắng lại luyện tập cổ cứng cáp hơn.
Theo The Asianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!