Mỗi giai đoạn trong thai kỳ sẽ cần có chế độ chăm sóc khác nhau. Chăm sóc thai nhi 8 tuần tuổi, 10 tuần tuổi sẽ khác với chăm sóc thai nhi những tuần sau. Những tháng đầu tiên thai kỳ rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển thai nhi. Vậy, mẹ nên có chế độ chăm sóc thai nhi 8 tuần tuổi như thế nào?
- Thai nhi phát triển như thế nào ở tuần thứ 8?
- Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào vào tuần thứ 8 của thai kỳ?
- Chăm sóc thai nhi 8 tuần tuổi cần lưu ý
Thai nhi phát triển như thế nào ở tuần thứ 8?
8 tuần đầu thai kỳ kết thúc đánh dấu một bước ngoặt cho mẹ và bé! Đây là giai đoạn thai nhi “tăng tốc” sau thời gian “tích lũy năng lượng” trong suốt 7 tuần qua. Trung bình mỗi phút là bé lại tăng thêm 1mm chiều dài cơ thể và hơn 100 tế bào não được hình thành. Lúc này, thai nhi đã dài khoảng 2,5 cm, nặng vài gram. Mẹ có thể tưởng tượng con minh bây giờ có kích thước tương đương một quả nho Mỹ.
Tuần thứ 8 là quá trình “ưu tiên” phát triển khuôn mặt. Mí mắt đã xuất hiện, tuy vẫn còn hơi mờ nhạt. Dái tai nhỏ, mũi, miệng cũng dần định hình. Đầu bé vẫn còn hơi to so với phần còn lại của cơ thể. Cổ và xương mặt đang rõ nét hơn từng ngày.
Bước sang tuần tuổi thứ 8, thai nhi có thể duỗi thẳng hơn từng ngày, đến cuối tuần có thể đạt chiều dài khoảng 11-14mm. Đuôi cũng rụng đi. Dù vẫn còn vương lại chút màng dính, các ngón tay ngón chân đã bắt đầu tách ra. Bé dần cựa quậy, chuyển động nhẹ nhàng nhằm báo hiệu với mẹ về sự xuất hiện của mình. Tay bé thường co lại, đặt ở gần tim.
Tim thai 8 tuần đã được chia thành bốn ngăn cùng với các van tim. Nhịp tim thai trung bình 150-170 nhịp/phút, gấp đôi nhịp tim của mẹ. Đồng thời, cơ quan sinh dục cũng đã chớm hình thành. Nhưng mẹ đừng vội nôn nóng quá nhé! Đến lần siêu âm kế tiếp, mẹ sẽ thấy được cả nhịp tim lẫn giới tính con mình.
Sau 7 tuần hình thành những cơ quan quan trọng, thai nhi 8 tuần tuổi được xem là phiên bản thu nhỏ của bé yêu.
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào vào tuần thứ 8 của thai kỳ?
Thay đổi kích thước ngực
Nồng độ hormone tăng lên làm ngực mẹ đầy đặn và thay đổi cấu trúc mô để chuẩn bị cho việc sản xuất sữa. Vì thế, thỉnh thoảng mẹ sẽ có cảm giác căng tức ngực, khó chịu. Nếu đây là con đầu, ngực mẹ sẽ thay đổi rõ rệt.
Tăng tiết dịch âm đạo
Lượng estrogen tăng nên dịch âm đạo được tiết ra nhiều hơn bình thường. Nhiệm vụ của dịch âm đạo là ngăn cho đường sinh không bị nhiễm khuẩn. Do đó, mẹ đừng quá lo lắng nhé.
Sở hữu một mầm sống bên trong, tử cung của mẹ cũng lớn dần lên. Đặc biệt, tử cung phải linh hoạt điều chỉnh kích thước cho phù hợp với tốc độ phát triển của thai nhi. Nhiều hình ảnh ví von cho thấy tử cung của mẹ bầu 8 tuần tuổi sẽ có kích thước cỡ một quả chanh.
Tử cung to lên sẽ khiến bàng quang bị chèn ép. Khả năng trữ nước kém hơn nên mẹ phải đi tiểu thường xuyên. Đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm, khiến giấc ngủ mẹ không tròn. Vì thế, tinh thần mẹ cũng không thoải mái, dễ sinh cáu gắt, bực bội.
Mệt mỏi
Progesterone tăng nhanh trong thời gian ngắn khiến mẹ cảm thấy uể oải. Buồn nôn và các triệu chứng nghén khiến mẹ dễ mất sức. Mẹ thường hụt hơi, choáng váng, dễ mệt hơn lúc trước. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng thường lâm vào tình trạng đầy hơi và táo bón. Nguyên nhân là do hệ tiêu hoá hoạt động chậm lại.
Chăm sóc thai nhi 8 tuần tuổi cần lưu ý
Đảm bảo dinh dưỡng
Vì đây là giai đoạn bé “tăng tốc” phát triển nên mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho quá trình phát triển của bé. Mẹ nên bổ sung sắt, canxi, kẽm, magie,… một cách tự nhiên thông qua thức ăn hàng ngày. Nếu muốn uống vitamin, mẹ bầu nên uống vào buổi tối hoặc uống cùng lúc ăn nhẹ.
Thay vì ăn 3 bữa lớn, mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Dạ dày sẽ được lấp đầy thường xuyên giúp mẹ bớt buồn nôn. Mẹ cũng tránh được tình trạng căng tức bụng vì ăn no quá. Một miếng bánh mì khô hoặc một chén súp sẽ xoa dịu dạ dày của mẹ.
Tuyệt đối tránh xa những món ăn có mùi, nhiều tinh bột, cay, nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu, …
Mẹ nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất vì đi tiểu nhiều. Một ngụm nước gừng hoặc kẹo cứng, bắp rang, … sẽ giúp mẹ đỡ buồn nôn hơn.
Giữ cho tinh thần thoải mái
Vì kích thước ngực to lên nên mẹ cần một loại áo ngực khác có một kích thước lớn hơn và hỗ trợ mẹ tốt hơn. Mặc một chiếc áo vừa vặn sẽ mang đến cảm giác thoải mái, mẹ sẽ đỡ khó chịu hơn rất nhiều. Hoặc tham gia một lớp học yoga cho mẹ bầu, đi dạo, đọc sách, nấu ăn, nghe nhạc, … là những gợi ý khá hấp dẫn.
Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý
Mẹ bầu nên tăng cường hít thở nhiều không khí trong lành. Đi dạo buổi sáng hay mở cửa sổ tại nhà hoặc nơi làm việc sẽ tăng lượng oxy tiếp xúc.
Nhiều mẹ bầu truyền tai nhau: bấm huyệt và châm cứu có thể hạn chế sự khó chịu của cơn ốm nghén. Mẹ có thể thử xem nhé!
Lưu ý: tuyệt đối không bê vác vật nặng. Hoạt động mạnh, lao động nặng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống xương khớp của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Khám thai định kỳ
Đây là phương án theo dõi quá trình phát triển thai nhi an toàn và chính xác nhất. Nếu thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ báo ngay cho mẹ để cùng tìm ra cách xử lý tốt nhất. Hoặc khi có biểu hiện bất thường, ví dụ như chảy máu tử cung, mẹ nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám ngay.
Chăm sóc thai nhi 8 tuần tuổi hoàn toàn không khó khăn như bạn nghĩ. Chỉ cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và giữ cho tinh thần thoải mái, mẹ và bé sẽ có thai kỳ như ý!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!