Bầu 21 tuần là thời điểm thai nhi bước vào giai đoạn vô cùng quan trọng. Những đường nét trên khuôn mặt của con đã rõ ràng hơn. Bé đã có thể lắng nghe được tiếng nói của mẹ và trở nên năng động hơn bao giờ hết.
Nội dung bài viết:
- Sự phát triển của thai nhi tuần 21
- Mẹ bầu tuần 21 trải qua những thay đổi nào?
- Chăm sóc cơ thể trong tuần thai thứ 21 ra sao?
Sự phát triển của bé ở tuần thứ 21 thai kỳ
Chỉ số thai nhi 21 tuần
Từ tuần thứ 21, em bé có sự phát triển nhanh chóng và tối đa về chiều dài, cân nặng, các cơ quan trong cơ thể cũng đang trong quá trình phát triển hoàn thiện để sẵn sàng chào đời.
Bạn có thể chưa biết:
Siêu âm thai 22 tuần – mốc quan trọng để kiểm tra tình trạng thai nhi
Trung bình 1 em bé ở tuần thai thứ 21 sẽ dài khoảng 26,7mm, có chiều dài xương đùi khoảng 34mm và nặng khoảng 399g. Đây cũng là tuần thai bước đệm để chuẩn bị đánh giá quan trọng tiếp theo để xác định dị tật bẩm sinh về tim, phổi… và đánh giá tổng thể sự phát triển của thai nhi để sớm có điều chỉnh hợp lý và theo dõi thai kỳ chặt chẽ.
Sự phát triển của thai 21 tuần
- Em bé đã hình thành lông mày và mí mắt – điều này cho phép bé nhấp nháy mắt. Bé đã phân biệt được ánh sáng và bóng tối.
- Bây giờ bé ngủ nhiều như một đứa trẻ sơ sinh, gần 12 – 14 giờ mỗi ngày.
- Vị giác và núm vị của bé cho phép bé có thể thưởng thức nhiều hương vị khác nhau từ nguồn thức ăn bạn tiêu thụ
- Những chuyển động của bé, ban đầu chỉ là những cử động rất nhẹ, đang dần tăng lên theo cường độ; bạn có thể cảm thấy những chuyển động ngày một rõ ràng hơn.
- Bé có thể thực hiện những cú đá, cú huých mạnh mẽ vào thành bụng của mẹ. Đây là thời kỳ thai nhi 21 tuần tích cực di chuyển, bơi lội trong nước ối.
- Nhờ phần xương tai trong đã phát triển hoàn thiện, thai nhi 21 tuần đã có thể nghe được các âm thanh bên ngoài. Bé có thể phân biệt và cảm nhận những vui, buồn, tức giận… từ mẹ.
- Tủy xương, gan và lá lách của bé bắt đầu hoạt động. Ở trong bụng của bé, tuyến tụy đang phát triển là vai trò tạo ra một số nội tiết tố quan trọng.
- Nếu bạn đang mang thai bé gái, bé đã phát triển đầy đủ số trứng bé cần trong cả cuộc đời.
Sự thay đổi của mẹ bầu tuần 21
Mẹ mang thai 21 tuần có thể nhận thấy bụng bầu phát triển to ra, tử cung bắt đầu mở rộng lên phần rốn. Cân nặng của mẹ thông thường đã tăng thêm khoảng từ 4,5 – 6,3 kg.
Giai đoạn này thường khá thoải mái vì bụng bầu chưa quá lớn và những triệu chứng ốm nghén cũng như khó chịu ở hầu hết các bộ phận trên cơ thể trong thời kỳ đầu khi mang thai đều đã biến mất.
Tuy vậy từ tuần 21 thai kỳ mẹ sẽ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe sau đây:
- Các vết rạn da sẽ xuất hiện. Khi da của bạn bị kéo dãn trong thời kỳ mang thai, nó trở nên mỏng hơn và dễ ngứa hơn! Nhưng đừng lo lắng, vết rạn da có thể được kiểm soát dễ dàng.
- Mụn trứng cá cũng xuất hiện do sự gia tăng sản lượng dầu trên da. Mẹ nhớ rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần 1 ngày để làm sạch vùng da bị mụn. Dùng kem dưỡng ẩm hoặc trang điểm không chứa dầu và các chất kích thích cho da. Không nên dùng bất kỳ loại thuốc trị mụn nào qua đường uống hoặc chỉ dùng theo toa bác sĩ.
- Bạn sẽ thấy những tĩnh mạch màu xanh dưới da nổi dần lên – đây có thể là sự khởi đầu của chứng giãn tĩnh mạch. Khi thai nhi càng lớn, áp lực ngày càng tăng lên các tĩnh mạch ở chân. Nồng độ progesterone cũng trở nên cao hơn, làm cho các tĩnh mạch của bạn thêm giãn nở, càng dễ dàng dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch. Mẹ nên thường xuyên tập thể dục hàng ngày, kê cao chân khi nằm, ngủ nghiêng về bên trái và mặc những bộ đồ bầu hỗ trợ thai sản.
Chăm sóc thai kỳ khi thai nhi 21 tuần như thế nào?
Tăng cân vừa phải
Trong những lần khám thai, mẹ cần hỏi bác sĩ về mức tăng cân hợp lý trước lần tái khám tiếp theo. Mẹ cần có biện pháp để điều chỉnh mức tăng cân hợp lý để phù hợp với con số bác sĩ khuyến cáo.
Bạn có thể chưa biết:
Hạn chế táo bón
Táo bón là tình trạng thường gặp ở mẹ bầu và nên tìm cách khắc phục nó bằng cách tăng các hoạt động thể chất để kích thích hoạt động cơ ruột và chống táo bón. Mẹ bầu 21 tuần cần uống đủ nước và tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ để khắc phục chứng táo bón.
Chọn các bài thể dục vừa sức
Mẹ nên duy trì các bài tập thể dục với cường độ vừa phải, phù hợp, chẳng hạn như bơi lội, yoga, đi bộ. Đây cũng là cách chống táo bón hữu hiệu.
Kê cao chân khi nằm
Tình trạng sưng bàn chân và mắt cá chân sẽ thường gặp ở giai đoạn này. Nguyên nhân là vì trong thời kỳ mang thai, thể tích máu và chất lỏng trong cơ thể bà bầu tăng thêm khoảng 50% so với trước khi có thai làm các bộ phận như bàn chân, mắt cá bị sưng lên. Mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế và kê cao chân khi nằm sẽ giúp khắc phục tình trạng sưng nề.
Bổ sung sắt
Nhu cầu sắt tăng cao do cơ thể phải dùng để tạo máu cho thai nhi. Lượng sắt mà mẹ cần bổ sung là từ 30 đến 50 mg trong nửa sau của thai kỳ để đảm bảo nhu cầu sắt của cả mẹ và thai nhi (liều lượng sắt bổ sung có thể cao hơn theo khuyến nghị của bác sĩ).
Mẹ nên thêm các thực phẩm giàu chất sắt sau đây vào thực đơn: rau bina, thịt bò, cá mòi, nghêu, hàu, tôm, trái cây khô, yến mạch, atisô và rong biển. Để không làm giảm tác dụng của sắt, mẹ nên giảm sử dụng nhiều thức uống chứa caffeine.
Những xét nghiệm cần thiết khi bầu 21 tuần
Sau đây là các hạng mục mẹ có thể yêu cầu được thăm khám để biết bé phát triển khỏe mạnh hay không:
- Đo cân nặng và huyết áp
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi 21 tuần
- Kiểm tra nước tiểu để đo lượng đường và đạm
- Đo kích thước của tử cung bằng cách sờ nắn bên ngoài (cảm nhận từ bên ngoài) để xem nó tương quan như thế nào đến ngày sinh nở
- Chiều cao của đáy vị (đỉnh của tử cung)
- Kiểm tra độ sưng của tay và chân, kiểm tra việc giãn tĩnh mạch ở chân
- Các triệu chứng mà mẹ đã trải qua, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường
Ngoài những vấn đề này, mẹ bầu 21 tuần có thể chuẩn bị một danh sách những thắc mắc cần sự giải đáp của bác sĩ. Đừng ngại ngần hỏi bác sĩ những thứ mình còn băn khoăn để học được cách chăm sóc bé cưng tốt nhất mẹ nhé!
Xem thêm: