Cai sữa cho bé khi mẹ có bầu nên thực hiện theo nguyên tắc cắt giảm từ từ các cữ bú sữa mẹ, sau đó dần thay thế bằng sữa ngoài và thức ăn dặm với trẻ từ 5-6 tháng trở lên.
Cai sữa cho bé khi mẹ có bầu nên cai vào thời điểm nào?
Theo một số quan niệm trước đây, việc cho bé đầu bú khi đang mang thai bé nhỏ có thể gây ra nhiều nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng sảy thai. Tuy nhiên các nghiên cứu đã cho thấy, một thai phụ khỏe mạnh hoàn toàn có thể cho bé bú trong quá trình mang thai.
Mặc dù vậy, nếu mẹ thuộc về nhóm bà mẹ mang thai từng có tiền sử sảy thai, sinh non, bị các bệnh lý về tử cung hoặc các nguy cơ thai kỳ khác, … thì bạn nên tạm thời ngừng cho bé bú hoặc cai sữa hoàn toàn cho bé sẽ tốt hơn cho cả sức khỏe của mẹ và bé.
Ngoài ra, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, khoa Hậu sản M – BV Từ Dũ cũng giải thích thêm:
“Người mẹ mang thai cho con bú có một số bất lợi: thứ nhất ảnh hưởng sức khỏe của người mẹ, người mẹ cho con bú ít có thời gian nghỉ ngơi, dinh dưỡng của mẹ phải phân bố cho nguồn sữa nuôi bé, cho thai và cho chính bản thân mẹ, ngoài ra động tác bú mẹ kích thích gò tử cung và phần nào ảnh hưởng đến thai.
Tuy nhiên việc cai sữa đột ngột cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Vì vậy nếu người mẹ quyết định dưỡng thai thì hãy tập bé cai sữa dần, bé đã ăn được là yếu tố thuận lợi cho việc cai sữa.
Như vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia nhi khoa, nếu mẹ đã nhận thấy mình đang mang thai và cần phải cai sữa cho trẻ thì nên cai sữa cho con một cách từ từ. Tránh làm đột ngột mà có thể ảnh hưởng tới tinh thần và sức khỏe.
Trong trường hợp cho phép, mẹ có thể tham khảo về cách để bé lớn tiếp tục được bú sữa mẹ cho đến khi con chuyển sang lứa tuổi ăn dặm là tốt nhất.
Cách cai sữa cho bé khi mẹ có bầu
Nhìn chung nguyên tắc để cai sữa cho trẻ là nên cắt dần các cữ sữa cho đến khi bé ngừng bú. Với trường hợp bé đã ăn dặm, mẹ chỉ việc tăng lượng thức ăn mỗi bữa của bé lên. Còn nếu bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi và chưa ăn dặm, mẹ nên tập cho bé ăn thêm sữa ngoài song song với việc cắt giảm lượng sữa mẹ.
Cắt dần cữ sữa
Sau khi đã chọn được thời điểm cai sữa, mẹ hãy bắt đầu giảm dần cữ bú của con. Ví dụ, bình thường, bé đang bú vào ban ngày có 4 lần, ban đêm thì 1 lần, lúc này, mẹ có thể cắt cữ bú đêm và giảm một cữ bú ngày. Sau vài tuần bé đã quen với việc này, mẹ lại tiếp tục cắt thêm 2 cữ bú nữa. Sau một tuần, mẹ cắt nốt cữ bú còn lại để hoàn thành việc cai sữa.
Tập cho bé bú sữa ngoài
Trẻ thích ti mẹ hơn nên chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho mẹ trong việc làm quen với núm cao su và sẽ càng phản kháng hơn khi mẹ cho bé bú bình, vì bé ngửi thấy mùi của mẹ và càng muốn ti mẹ hơn.
Nên chọn núm vú bình sữa càng giống đầu ti và quầng vú mẹ thì càng tốt. Sử dụng núm vú cao su có độ rộng, tránh núm vú quá ngắn hay hẹp khiến bé khó mút.
Để trẻ làm quen với bú bình tốt hơn và nhanh hơn thì mẹ hãy nhờ người nhà cho trẻ bú bình trong những lần đầu. Ban đầu hãy cho sữa mẹ vào bình để bé làm quen với bú bình, sau đó mới dần dần thay bằng sữa bột cho bé.
Những lần đầu cho bé làm quen với sữa bột, mẹ nên pha ít sữa để tránh lãng phí vì bé có thể không chịu bú. Thêm vào đó, mẹ hãy cố gắng chọn mua loại sữa hợp với khẩu vị của trẻ và con hấp thụ tốt.
Tăng lượng thức ăn dặm cho trẻ
Mẹ có thể thay dần một số cữ sữa ban ngày bằng các bữa ăn dặm như cơm, cháo hay món ăn mà bé thích. Chẳng hạn lịch của một trẻ với chế độ dinh dưỡng chính là thức ăn dặm như sau:
- Sáng: Ăn dặm
- 10-10 rưỡi: 1 cữ sữa
- Trưa: Ăn dặm
- 15 giờ: 1 cữ sữa+hoa quả hoặc đồ ăn nhẹ như bánh ăn dặm, sữa chua, …
- Chiều tối: Ăn dặm
- Tối muộn: 1 cữ sữa
Khi bé đã ăn được nhiều hơn và thực sự quen với các bữa ăn dặm, mẹ lại dần thay thế các cữ sữa mẹ bằng sữa ngoài cho đến khi con không còn muốn bú sữa mẹ nữa.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!