Trẻ sơ sinh trớ sữa là hiện tượng phổ biến trong những tháng đầu đời. Các hướng dẫn từ bác sĩ nhi khoa dưới đây sẽ giúp mẹ xử lý vấn đề này một cách an toàn và hiệu quả.
Lần đầu làm mẹ lúng túng – Cớ sao trẻ sơ sinh lại hay bị ọc sữa đến vậy?
Mẹ biết đấy, trong 3 tháng đầu đời, dung tích dạ dày của trẻ rất nhỏ (chỉ tương đương với 1 quả bóng bàn mà thôi). Ngày đầu tiên mới sinh, thể tích dạ dày bé chỉ chứa được nhiều nhất là 5ml sữa.
Theo độ tuổi, dạ dày con mới giãn dần ra và chứa được nhiều sữa hơn.
Ngoài ra, dạ dày của bé sơ sinh lại ở vị trí nằm ngang. Những khi bú mẹ (bình), con thường nuốt sữa cùng với khí vào trong bụng. Điều này làm trẻ dễ bị đầy hơi.
Vì vậy, nếu ăn xong bé không được vỗ ợ hơi và đặt nằm đúng tư thế thì con hoàn toàn có thể bị trớ, ọc sữa.
Chăm sóc bé sơ sinh – Mẹ cần phân biệt con bị ọc sữa sinh lý hay bệnh lý?
Trẻ sơ sinh trớ sữa sinh lý xảy ra trong trường hợp con bú quá no, đầy hơi và nằm sai cách sau khi ăn (Chẳng hạn mẹ đặt đầu bé quá thấp).
Còn ọc sữa bệnh lý là khi trẻ gặp vấn đề các bệnh về đường tiêu hóa như hẹp dạ dày, tá tràng, trào ngược thực quản v.v. cùng với các biểu hiện như ọc, trớ sữa ra nhiều, thường xuyên, bé ăn kém, có thể bị sốt, ho, khò khè, tiêu chảy, chướng bụng, …
Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh trớ sữa mẹ cần nắm vững những điều này
Việc xử lý cũng như phòng tránh ọc, trớ sữa ở trẻ sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mẹ cho con ăn sữa như thế nào.
Trường hợp bé bú sữa mẹ
Để tránh trẻ sơ sinh trớ sữa mẹ cần đảm bảo con ngậm đúng khớp vú
Nếu con ăn sữa mẹ hoàn toàn, mẹ nên chú ý rằng:
- Tư thế ngồi cho con bú là tốt nhất (nằm bú bé dễ nuốt nhiều khí vào bụng).
- Tránh sữa chảy quá mạnh, con bú không kịp gây ra ọc sữa bằng cách dùng 2 ngón tay ấn vào quầng vú mẹ để giảm bớt tốc độ của dòng sữa hoặc rút núm vú ra để con được nghỉ bú trong chốc lát.
- Đảm bảo con ngậm đúng khớp vú.
Với các bé bú bình
Khi cho trẻ sơ sinh ăn sữa từ bình, mẹ cần lưu ý:
- Nghiêng bình sữa để đảm bảo sữa luôn ngập đầu núm vú cao su.
- Nếu con bị ọc thường xuyên thì mẹ cần chia lượng sữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
Đừng quên vỗ ợ hơi cho trẻ
Mẹ cũng cần lưu ý rằng, dù ăn sữa mẹ hay sữa bình thì con cần được vỗ ợ hơi giữa các cữ bú và sau khi đã ăn no (thông thường bú bình cần thời gian vỗ ợ hơi nhiều hơn bú mẹ).
Đặt con nằm đúng tư thế
Trẻ cần được đặt nằm đúng tư thế
Bé đã ăn no, được vỗ ợ hơi sẽ giúp con dễ chịu. Lúc này, nếu muốn đặt trẻ xuống mẹ nên lưu ý về tư thế nằm của trẻ. Con nên được gối cao đầu so với thân và đầu nghiêng sang một bên.
Xử lý khi con bị ọc sữa nghiêm trọng
Có những trẻ sơ sinh trớ sữa đến mức sữa lên cả mũi, ra đờm hoặc thậm chí là trẻ bị tím tái thì mẹ cần mau chóng cấp cứu cho trẻ ngay lập tức.
Cách cấp cứu khi trẻ sơ sinh trớ sữa đến tím tái
1. Lau sạch sữa trên miệng trẻ.
2. Đặt con nằm sấp (đầu thấp hơn thân), một tay giữ cằm và cổ trẻ, tay kia khum lại và vỗ 5 cái ở chính giữa 2 xương bả vai của trẻ.
3. Nếu con vẫn còn tím tái thì đặt em bé nằm ngửa ra. Đầu thấp hơn thân, để mặt con nghiêng sang một bên. Dùng ngón tay trỏ và giữa ấn vào vị trí chính giữa ngực 5 lần.
4. Thấy sữa chảy ra, mẹ cần lấy khăn lau sạch cho trẻ. Nếu con khóc to và thở mạnh ra thì nghĩa là trẻ đã thở được. Lúc này nên đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng của trẻ.
5. Trường hợp mặt con vẫn tím tái, mẹ tiếp tục thực hiện vỗ lưng 5 cái và ấn ngực 5 cái xen kẽ như trên rồi nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Theo The Asianparent Thái Lan và tư vấn từ bác sĩ khoa Sơ sinh của bệnh viện Từ Dũ
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!