Trẻ em cũng là đối tượng của trầm cảm nhưng ít được chú ý. Chưa kể, các biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ còn rất dễ bị hiểu lầm đó là những cảm xúc vu vơ, nhất thời và chóng qua. Đâu là cách nhận biết trẻ bị trầm cảm?
Nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ, dưới đây là một số nguyên nhân chính.
Mâu thuẫn với gia đình
Lúc này trẻ bị hụt hẫng và có xu hướng nghĩ là do lỗi của mình. Chẳng hạn như cha mẹ ly dị trẻ sẽ nghĩ là vì mình mà cha mẹ ly dị, “Tại sao mẹ (cha) lại sống với em mà không sống với mình?”, “Mẹ vì mình nên phải ly dị với cha!”. Bên cạnh đó, khi cha mẹ ly thân trẻ sẽ sống với một trong hai người vì thế thiếu vắng tình cảm của gia đình, dẫn đến hụt hẫng tinh thần ở trẻ.
Trong gia đình có người thân mất hay thú cưng chết, và trẻ luôn cảm thấy lo lắng và cho rằng mình có lỗi.
Trẻ bị bạn bè bắt nạt tuy nhiên không thể nói với ai, cha mẹ cũng không quam tâm hỏi han khiến cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và thường hay sợ đám đông.
Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình hỗn loạn
Gia đình hỗn loạn hay bạo lực gia đình đều có thể đẩy con cái vào căn bệnh trầm cảm ở trẻ em.
Trẻ em bị bỏ rơi
Những đứa trẻ bị bỏ rơi đều mang trong mình những tổn thương rất lớn. Thiếu vắng đi tình thương và sự quan tâm của cha mẹ, bé rất dễ rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực như trầm cảm.
Áp lực học tập
Cha mẹ luôn muốn con học giỏi, thông minh. Vì thế hay đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi không đạt được kết quả tốt như điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng. Thậm chí phạt trẻ.
Áp lực còn ở trong trường học, chẳng hạn giáo viên yêu cầu bé tả cây cau; nhưng trong khi bé ở thành phố nên không thể biết cây cau thế nào để làm bài, từ đó dễ dẫn đến căng thẳng từ việc học.
Thất bại trong học tập hay thi cử mặc dù trước đó trẻ học rất giỏi.
Thay đổi môi trường sống đột ngột
Bố mẹ chuyển nhà hay chuyển trường tuy nhiên không cho bé biết. Trong trường hợp này nhiều bé cho rằng do mình học dở không bằng chị (em) bạn bè nên bị chuyển trường. Đồng thời, với việc lạ chỗ ở trẻ rất sợ khi ngủ.
Đa phần cha mẹ tự quyết định và áp đặt cho trẻ, không hỏi xem thái độ, ý kiến là bé có đồng ý, có muốn đi hay không. Bé cảm thấy mình không có quyền quyết định, ba mẹ không tôn trọng mình.
Do di truyền
Cha hay mẹ hoặc trong gia đình có người từng bị trầm cảm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ảnh hưởng theo.
Các biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ không nên chủ quan
Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở mức nguy hiểm chính là nguy cơ tự tử. Mặc dù tương đối hiếm trẻ dưới 12 tuổi tự tử do bốc đồng khi quá buồn bã hoặc tức giận. Nhưng không có nghĩa điều này không xảy ra. Đặc biệt là ở những trẻ có tiền sử bạo lực gia đình, bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục. Một số cách nhận biết trẻ bị trầm cảm như:
Khí sắc trầm
Trẻ có cảm giác buồn chán không rõ rệt, không giải thích được nguyên nhân, hay cáu kỉnh, giảm hứng thú trong học tập, công việc được giao phó, và cả trong các sinh hoạt nhóm hay đoàn thể.
Tư duy
Khó tập trung chú ý, khó tiếp thu trong học tập, kết quả học giảm sút. Quá trình này có thể diễn ra từ từ hoặc nhanh chóng, đây cũng là lý do quan trọng mà các bậc cha mẹ đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh hoặc tư vấn tâm lý. Một số khác lại cảm thấy hưng phấn, thấy khả năng của mình vượt trội, trẻ chăm chỉ học tập, kết quả ban đầu tốt nhưng sau đó kết quả lại bị giảm sút một cách rõ rệt.
Các hoạt động xã hội
Trẻ thu mình, tự cô lập không muốn giao tiếp hay tham gia các hoạt động đoàn thể, phàn nàn không có bạn thân hoặc khó chia sẻ với bạn. Trẻ thờ ơ, ít quan tâm đến các hoạt động diễn ra xung quanh, đối với những người xung quanh, có thể ngay cả với những người thân thiết nhất. Các biểu hiện thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ tình trạng kém nhiệt tình đến thờ ơ. Một số khác lại gia nhập nhóm bạn để chia sẻ, đồng cảm, một số lao vào học tập nhưng một số lại từ chối làm mọi việc.
Rối loạn ăn uống
Có nhiều thay đổi về chế độ ăn uống, sinh hoạt. Thường nổi bật là cảm giác chán ăn, không có hứng thú trong ăn uống, mất cảm giác ngon miệng, hậu quả là trẻ bị giảm cân. Tuy nhiên có trường hợp ăn nhiều hơn bình thường hay ăn vô độ dẫn đến tăng cân. Thậm chí sử dụng các chất kích thích.
Rối loạn giấc ngủ
Trẻ ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, trong nhiều trường hợp trẻ thường xuyên gặp ác mộng. Có thể biểu hiện tình trạng trẻ nằm nhiều nhưng lại mất ngủ, thường phàn nàn khó vào giấc ngủ hay chất lượng giấc ngủ giảm sút, hay bị thức giấc lúc nửa đêm, dậy sớm…
Rối loạn hành vi
Đi kèm với các triệu chứng về cảm xúc, cơ thể là các biểu hiện rối loạn hành vi. Như quậy phá, hành vi chống đối xã hội, chống đối bố mẹ, trốn học, trộm cắp, lập băng đảng hay nhóm bạn xấu. Trẻ có thể hay khóc hoặc không thể hiện cảm xúc.
Phòng ngừa bệnh trầm cảm ở trẻ em
Để tránh cho con mình rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ. Đặc biệt là về đời sống tinh thần, mối quan hệ bạn bè, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống của con em mình. Đặc biệt không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè.
Khi nắm rõ cách nhận biết trẻ bị trầm cảm ở trẻ nêu trên, phụ huynh nên đặc biệt lưu tâm. Vì đó có thể cho thấy trẻ có nguy cơ tự tử. Khi gia đình thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh trầm cảm thì tốt nhất nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời, tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!