Cách nhận biết cổ tử cung mở sớm hoặc cổ tử cung mổ khi sắp đến thời điểm chuyển dạ là mẹ cần theo dõi dịch nhầy âm đạo và các cơn gò.
Khi nào cổ tử cung mở?
Gần sát ngày dự sinh, cơ thể mẹ bầu sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Cổ tử cung mở và xóa là dấu mốc quan trọng báo hiệu mẹ bầu đã sẵn sàng lâm bồn.
Độ mở cổ tử cung được đo bằng cm và độ xóa cổ tử cung được đo bằng tỷ lệ %. Hiện tượng này xảy ra với các bà bầu khi quá trình chuyển dạ đang đến gần.
Quá trình cổ tử cung giãn nở thường kéo dài từ lúc mẹ có dấu hiệu chuyển dạ cho đến khi thai nhi chào đời. Khi độ chín của tử cung đạt mức cao nhất, cổ tử cung sẽ tự động rút ngắn lại để em bé có thể di chuyển đến gần âm đạo hơn, đây còn gọi là quá trình xóa cổ tử cung.
Cổ tử cung mở vào tuần thứ bao nhiêu? Điều này còn tùy thuộc vào thời điểm dự sinh, đặc điểm thể chất của mẹ và thai nhi.
Nhưng nói chung, vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu nên học cách theo dõi các cơn gò cũng như những dấu hiệu để nhận biết tử cung đang mở, kịp thời nhập viện đi sinh.
Cách nhận biết cổ tử cung mở, mẹ sắp sinh
Bong nút nhầy
Khi sắp chuyển dạ, cổ tử cung bắt đầu mỏng và giãn ra để có thể mở hoàn toàn cho đầu em bé chui ra. Sự kéo giãn này có thể làm rách các mạch máu nhỏ ở cổ tử cung khiến chất nhầy bị nhuốm chút máu thoát ra ngoài âm đạo, hiện tượng này gọi là bong nút nhầy.
Mẹ sẽ thấy một chút dịch nâu xen lẫn dịch nhầy xuất hiện. Tuy nhiên từ lúc bong nút nhầy cho đến khi cổ tử cung mở có thể phải mất vài ngày.
Xuất hiện các cơn co bóp chuyển dạ
Các cơn co tử cung có đau bụng tăng dần lên với những đặc điểm từ nhẹ đến mạnh, từ ngắn đến dài, từ thưa đến mau với tần số là 3 cơn co trong 10 phút, hoặc xảy ra cứ mỗi 5 – 10 phút, mỗi cơn co kéo dài trên 20 giây.
Những cơn co này sẽ tiến triển tăng dần lên theo quá trình chuyển dạ, cơn co gây đau. Co bóp càng lúc càng mạnh hơn, nhất là lúc bạn đi bộ. Bạn có thể cảm thấy co bóp khắp vùng bụng và lưng dưới của bạn. Xoa bóp hoặc đi lại đều không thể làm giảm đau được.
4 giai đoạn của quá trình cổ tử cung mở mẹ nên biết
Cổ tử cung mở bao nhiêu thì sinh còn tùy thuộc vào thời gian quá trình chuyển dạ xảy ra. Dấu hiệu cổ tử cung mở ban đầu chỉ khoảng 1 cm, và tăng dần độ rộng thêm 1 cm sau mỗi tiếng.
Giai đoạn cổ tử cung mở được 1 – 4 cm
Diễn ra song song với các cơn co thắt và xuất hiện với tần suất 15 – 20 phút/lần. Đây là giai đoạn chuyển dạ sớm hay chuyển dạ tiền kỳ.
Khi cổ tử cung mở được 4 – 7 cm
Đây gọi là giai đoạn chuyển dạ tích cực. Những cơn gò chuyển dạ diễn ra dồn dập hơn và kéo dài hơn giai đoạn chuyển dạ tiền kỳ từ 5 – 10 phút.
Mở từ 7 – 9 cm
Mẹ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Thai nhi đã di chuyển đến vị trí rất thấp và khiến mẹ đau dữ dội và mẹ có thể rặn sinh được rồi.
Mở 10 cm
Là lúc mẹ đã sẵn sàng để sinh em bé. Và việc duy nhất mẹ có thể làm lúc này là rặn và thở đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh giúp bé ra ngoài.
Dấu hiệu tử cung mở sớm mẹ cần đặc biệt cảnh giác
Cổ tử cung mở trước khi bắt đầu vào chuyển dạ gọi là cổ tử cung mở sớm. Hiện tượng này chỉ xảy ra với 2% thai phụ. Lúc này tử cung yếu nên không thể duy trì trạng thái đóng kín trong suốt giai đoạn mang thai và bắt đầu mở rộng ra trước thời điểm được cho phép. Điều này có thể khiến cho các bà bầu sinh sớm hoặc sảy thai.
Rất khó để nhận biết các dấu hiệu này, chúng trùng khớp với nhiều triệu chứng thai kỳ thông thường. Bà bầu chỉ biết khi bác sĩ thông báo trong lần khám thai gần nhất. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Đau lưng
- Cảm thấy áp lực nặng nề ở vùng khung chậu
- Xuất hiện cơn gò nhẹ, hơi đau gần giống như đau bụng kinh
- Âm đạo tiết dịch, càng ngày càng nhiều và loãng
- Chảy máu nhẹ
Hiện vẫn không có cách điều trị hiệu quả hiện tượng này. Chỉ có 3 biện pháp hỗ trợ: Nằm nghỉ, giảm gò, khâu eo tử cung.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!