Cách làm tăng nước ối nhanh nhất các mẹ cần biết để khắc phục tình trạng thiếu nước ối kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bài viết sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về những nguyên nhân và mối nguy hiểm của thiếu nước ối.
- Thể tích nước ối bình thường
- Dấu hiệu và nguyên nhân gây thiếu ối
- Những nguy cơ mẹ bầu phải đối diện khi thiếu ối và
- Cách tăng nước ối nhanh nhất cho mẹ.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Thể tích nước ối bao nhiêu là bình thường?
Nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và sự phát triển của thai nhi, có tác dụng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn bên ngoài. Nước ối chứa các thành phần quan trọng là một môi trường giàu chất dinh dưỡng nuôi dưỡng phôi thai trong suốt thai kỳ, tham gia vào sự trao đổi chất của thai nhi như: chất dinh dưỡng, hormone, kháng thể chống nhiễm trùng, bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra, nó còn giúp mẹ bầu giảm được những cơn đau mỗi khi thai nhi đạp.
Bạn có thể chưa biết:
Đa ối tuần 36 là hiện tượng gì? Có nguy hiểm không? Có điều trị dứt điểm được không?
Uống nước đậu đen khi thiếu ối có tác dụng không? Hay chỉ gây bất lợi cho thai nhi?
Mỗi mẹ bầu có thể tích nước ối khác nhau và ở từng thời kỳ, lượng nước ối cũng tăng giảm khác nhau. Thời gian đầu thai kỳ, lượng nước ối sẽ khá ít. Đến khi thai nhi được 20 tuần tuổi, thể tích nước ối tầm khoảng 350ml. Đến 25 tuần tuổi thì lượng nước ối tăng lên khoảng 650ml. Và khi thai nhi được 34 tuần tuổi là thời điểm lượng nước ối đạt cao nhất khoảng 800ml. Tuy nhiên, những tuần cuối của thai kỳ, lượng nước ối sẽ giảm dần, chỉ còn khoảng 600ml.
Nước ối quá nhiều hay quá ít đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thai nhi, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, thậm chí còn đe dọa tới mạng sống của thai nhi. Việc theo dõi chỉ số nước ối rất quan trọng, có thể dự đoán được tình trạng sức khỏe của thai nhi từ đó chủ động can thiệp trong tình huống cần thiết.
Dấu hiệu thiếu nước ối
Có một số dấu hiệu có thể báo hiệu được tình trạng thiếu nước ối như chu vi vòng bụng tăng lên chậm trong khi mẹ cảm nhận về hoạt động của thai nhi rõ ràng hơn trước, có lúc thai máy, đạp có thể khiến bụng mẹ bầu đau hơn bình thường.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường không rõ ràng và khá dễ bị nhầm lần với các dấu hiệu khác của thai kỳ. Vì thế, để nhận biết được mẹ bầu có bị thiếu nước ối hay không thì cách nhanh và đơn giản nhất là siêu âm. Các bác sĩ có thể nghi ngờ vấn đề này nếu thai phụ bị rỉ dịch âm đạo, thai nhi nhỏ hơn so với tiêu chuẩn hoặc không cảm thấy em bé cử động nhiều hơn so với trước. Bên cạnh đó, họ cũng theo được dấu hiệu thiếu nước ối nếu mẹ bầu đã có tiền sử:
- Cao huyết áp mãn tính
- Tiền sản giật
- Tiểu đường
- Lupus
- Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung
- Đã quá ngày dự sinh mà vẫn chưa sinh.
Nguyên nhân gây thiếu nước ối
Mẹ bầu bị thiếu ối là do đâu? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Thiểu ối là khi thể tích nước ối đo được dưới 250 ml hoặc khi siêu âm kết luận chỉ số ối đo được trong bốn khoang ối là dưới 5 cm trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân thông thường gây ra thiểu ối bao gồm:
– Nhiễm trùng màng ối và bào thai, đặc biệt khi thai nhi bất sản ở hệ tiết niệu.
– Thai chậm tăng trưởng do các yếu tố từ người mẹ: hút thuốc lá, suy dinh dưỡng,v.v… dễ dẫn đến suy tuần hoàn thai, đưa đến thai nhi bị thiểu ối.
– Khoảng 30% trường hợp không tìm ra nguyên nhân thiểu ối.
Thiếu nước ối có nguy hiểm không?
Nước ối là môi trường giúp bé thoải mái vận động khi còn trong bụng mẹ, nhờ thế mà hệ cơ và xương của bé mới có thể phát triển tốt. Thiếu nước ối sẽ hạn chế các hoạt động của thai nhi. Sự co bóp của tử cung trong trạng thái thiếu nước ối sẽ tác động đến thai nhi khiến bé có nguy cơ bị khiếm khuyết sau khi chào đời. Ngoài ra, thai nhi còn bị suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng, thậm chí có thể chết lưu.
Thiếu nước ối cũng rất dễ dẫn đến khả năng mẹ bầu bị vỡ ối sớm, đẻ non. Tùy thuộc vào mức độ cũng như giai đoạn bà bầu bị thiếu nước ối mà những ảnh hưởng hay hậu quả cũng khác nhau. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là thiếu nước ối trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Ít nước ối trong 3 tháng đầu
Nếu mẹ bầu bị ít nước ối trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc vài tuần sau đó, khả năng sảy thai và thai chết lưu có thể xảy ra. Đồng thời, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng phổi của thai nhi. Khi phát hiện thiếu nước ối ở thời điểm này mẹ bầu nên đi khám ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân là từ mẹ hay từ thai nhi để có hướng xử lý thích hợp.
Ít nước ối ở 3 tháng giữa thai kỳ
Giống như ở tam cá nguyệt thứ nhất, những bà bầu có nước ối ít trong tam cá nguyệt thứ hai cũng thường có nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu khá cao. Thiếu ối xuất hiện ở giai đoạn này còn là dấu hiệu cho thấy thai nhi có bất thường về hệ tiêu hóa hoặc hệ tiết niệu.
Ít nước ối ở 3 tháng cuối thai kỳ
Thiếu nước ối ở tuần 32-36, thiếu nước ối ở tuần 37-40 đều nằm trong tam cá nguyệt thứ 3. Nước ối ít ở giai đoạn này có thể khiến bé khó xoay đầu, dẫn đến tình trạng ngôi thai bất thường khi sinh. Đặc biệt, thiếu nước ối do vỡ ối sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và tử cung.
Cách làm tăng nước ối nhanh nhất cho mẹ bầu
Làm thế nào để tăng nước ối nhanh nhất? Có khá nhiều cách làm tăng nước ối nhanh mà lại đơn giản. Mẹ đã biết ăn uống gì để tăng nước ối chưa?
Bạn có thể chưa biết:
Tình trạng thiểu ối 3 tháng cuối có nguy hiểm không? Làm sao để nhận biết và đề phòng?
Uống nhiều nước lọc
Uống thật nhiều nước lọc ấm hằng ngày, uống đủ ít nhất tầm 2-3 lít nước. Nên uống nước ấm sẽ tốt hơn là nước mát. Thời điểm thích hợp để uống nước là trước khi đi tắm, sau khi đi bộ về, sau khi đi tiểu tiện, trước khi đi ngủ (nếu không uống sữa) để bù lượng nước đã mất của cơ thể.
Uống nước dừa tươi là cách tăng nước ối 3 tháng cuối nhanh và hiệu quả
Uống gì để tăng nước ối nhanh? Nước dừa rất giàu khoáng chất nên việc uống nước dừa không chỉ là cách tăng nước ối nhanh nhất mà còn tốt cho sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Tuy nhiên, mẹ không nên uống nhiều nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ và ban đêm vì nước dừa chứa chất điện giải dễ làm mẹ bị choáng, run rẩy tay chân, lạnh bụng…. Khi uống dừa nên chọn quả tươi, dùng dao chặt mỏm, cho vào xíu muối rồi cắm ống hút uống trực tiếp.
Bổ sung các loại sữa hạt là cách làm tăng nước ối nhanh và hiệu quả
Sữa hạt không những bổ dưỡng, an toàn mà còn tăng ối hiệu quả. Các loại hạt dùng làm sữa uống tốt cho mẹ bầu là đậu nành, đậu xanh, đậu đen, gạo… Có thể đun trực tiếp, cho thêm chút đường sữa hoặc rang hạt lên trước khi đun để tăng thêm vị mà lại chống ngán.
Uống sữa tươi không đường
Sữa tươi không đường vừa cung cấp dưỡng chất cho cả 2 mẹ con, vừa là một trong những cách làm tăng nước ối nhanh nhất mà mẹ bầu nên áp dụng, vừa đơn giản, vừa tiện lợi, thích hợp cho những mẹ bận rộn hoặc “lười”
Bổ sung các loại trái cây mọng nước
Mẹ bầu có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước các loại trái cây mọng nước như cam, bưởi, chanh, nho, dâu, cà chua…vừa ngon miệng vừa dễ tăng nước ối
Rau củ quả
Bà bầu thiếu nước ối nên ăn gì? Bên cạnh các loại nước và trái cây, thì thực phẩm giúp tăng nước ối còn có các loại rau củ quả cũng là một trong những cách làm tăng nước ối nhanh nhất, hiệu quả nhất mà mẹ bầu nên áp dụng. Không chỉ tăng ối, rau củ quả còn giúp mẹ bầu tránh táo bón. Nước luộc rau củ quả cũng rất hữu ích khi vừa giúp tăng ối, vừa giúp các mẹ đổi món cho đỡ ngán nữa.
Tránh xa rượu và các thực phẩm làm mất nước
Một số loại thảo dược được cho là có tác dụng lợi tiểu có thể vô tình khiến mẹ bầu bị mất nước bởi càng đi vệ sinh nhiều thì nguy cơ mất nước càng cao. Vì vậy, chị em bầu nên cố gắng tránh xa những loại đồ uống lợi tiểu như trà từ cây bồ công anh, chè đặc, cà phê…
Ăn uống đã vậy, mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng. bên cạnh đó cần có chế độ vận động hợp lý vì những bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu trong tử cung và nhau thai. Đây cũng là cách làm tăng nước ối nhanh hơn.
Nếu tình trạng thiếu ối ở mức nguy hiểm, các bác sĩ có thể sẽ can thiệp bằng các biện pháp y học như truyền tĩnh mạch hoặc tiêm nước ối.
Nên làm gì để tăng nước ối lên đúng chuẩn?
Theo bác sĩ Nam, điều trị thiểu ối phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ:
- Trong 3 tháng đầu: thường là bệnh lý của thai nhi, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và xác định nguyên nhân.
- Trong 3 tháng giữa: thông thường là các dị tật bẩm sinh, đặc biệt là bệnh lý bất sản hệ niệu hoặc các dị tật bẩm sinh nặng, nếu cần thiết có thể chấm dứt thai kỳ.
- Trong 3 tháng cuối: nên nằm nghỉ, uống nhiều nước, ít nhát 3l nước/ngày hoặc nhập viện để truyền dịch nhằm tăng lưu lượng máu đến tử cung.
Trong suốt quá trình mang thai, mẹ tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có chiết xuất từ thảo dược sẽ kích thích cơ thể mẹ đi vệ sinh nhiều lần. Việc đi vệ sinh nhiều lần đối với người bình thường sẽ hoàn toàn không có vấn đề, nhưng khi mẹ mang thai nếu đi vệ sinh nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước từ đó lượng nước ối của thai nhi sẽ giảm lại và hạn chế quá trình phát triển của thai nhi.
Bên cạnh thuốc và thực phẩm chức năng thì mẹ không nên ăn các loại rau như cần tây, cải xoong, rau mùi tây và các loại thực phẩm có chiết xuất từ bồ công anh sẽ làm cơ thể mẹ nhanh bị mất nước hơn.
Thay lời kết
Khi bị chẩn đoán thiểu ối, mẹ nên tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày kết hợp với bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để lượng nước ối tăng lên, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Thiếu ối gây ra những hậu quả nặng nề cho thai nhi cũng như gây tâm lý lo sợ cho thai phụ, vì lẽ đó mẹ đừng bao giờ bỏ qua các buổi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bất kỳ tình trạng bất thường nào xảy đến trong thai kỳ. Chúc các mẹ có 1 thai kỳ an toàn và chuẩn bị sẵn sàng cho lần sinh nở sắp tới.
Nguồn tham khảo: Mẹ bầu nên ăn gì khi bị thiếu nước ối? – Bệnh viện phụ sản Hải Phòng
Xem thêm:
- Chỉ số nước ối ở bà bầu và những điều cần biết
- Thai nhi 20 tuầ. Bắt đầu quá trình nuốt nước ối và tạo phân su
- Những biến chứng thường gặp khi mang thai mẹ bầu nên lưu tâm