Dưới đây là những cách cai sữa cho con khi mang bầu đơn giản, dễ thực hiện mà các mẹ có bé thứ 2 nên nắm vững để đảm bảo sức khỏe cho cả 3 mẹ con.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại nhiều lợi ích mà còn gắn kết tình mẹ con. Tuy nhiên, có những trường hợp bất khả kháng mẹ phải cai sữa cho con. Ví dụ như mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe, mẹ đang mang bầu… Những cách cai sữa cho con khi mang bầu sau đây là chìa khóa giúp mẹ.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Tại sao phải cai sữa cho con khi mang bầu?
Thực ra, mẹ đang có bầu vẫn có thể nuôi con lớn bằng sữa mẹ. Đây còn gọi là hình thức nuôi bú song song. Tuy nhiên, có một vài lý do buộc mẹ phải cai sữa cho con khi mang bầu. Có những nguyên nhân thường gặp phải cai sữa cho con khi mang bầu
Khi sức khỏe mẹ không đảm bảo, mẹ buộc lòng cai sữa cho con khi mang bầu
Những lý do khiến mẹ không thể nuôi bú song song phổ biến
Đầu tiên là khi sức khỏe của người mẹ yếu, không cho phép vừa cho con bú vừa mang thai. Dinh dưỡng của mẹ không đủ phân bố cho nguồn sữa nuôi bé lớn, cho thai nhi và cho chính bản thân mẹ. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng mẹ bị kiệt sức do nuôi bú song song thiếu hợp lý. Chưa kể tình trạng vừa dưỡng thai vừa chăm bé lớn dễ khiến cả hai bé đều suy dinh dưỡng.
Cho con bú trong giai đoạn mang thai sẽ kích thích tuyến vú. Điều này có thể gây ra những cơn co thắt tử cung nhẹ, dẫn đến gây sẩy thai sanh non. Đối với những mẹ có tiền căn động thai, dọa sanh non lại càng nguy hiểm hơn.
Bé lớn đã bước vào giai đoạn ăn dặm. Nhờ đó bé có thể bổ sung dưỡng chất từ các nguồn thực phẩm khác. Lúc này, bé đã không phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ.
Tuy nhiên việc cai sữa đột ngột cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Vì vậy các mẹ hãy tập bé cai sữa dần dần. Các mẹ cũng nên nhờ người thân trong gia đình giúp bé nhanh thích nghi với việc ngưng sữa.
Mẹ có thể nhờ chồng hoặc ông bà chăm sóc bé trong thời gian mang thai
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Khi đang cho con bú nhưng lại phát hiện mình mang thai, nhiều mẹ băn khoăn không biết có nên tiếp tục cho con bú không. Khi cho con bú, cơ thể mẹ sẽ tiết ra hormone oxytocin, đây là loại hormone xuất hiện trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, gây ra các cơn co thắt khiến mẹ cảm thấy một vài cơn co thắt mạnh hơn bình thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc cho con bú khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, gây ảnh hưởng tới thai nhi hoặc gây chuyển dạ. Vì vậy, nếu mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh thì việc cho con bú trong khi mang thai không phải là vấn đề gì lớn.
Ngược lại, trong trường hợp nếu đang mang đa thai (thai đôi, thai ba,…), đã từng bị sảy thai, sinh non, một số chuyên gia có thể khuyên người mẹ thận trọng đối với việc cho con bú khi đang mang thai. Bên cạnh đó, việc ốm nghén khi mang thai có thể khiến mẹ không có đủ dinh dưỡng để vừa cho con bú, vừa nuôi dưỡng em bé trong bụng nên mẹ cần trao đổi với bác sĩ để có lựa chọn tốt nhất nếu việc ốm nghén nghiêm trọng và kéo dài.
Cách cai sữa cho con bú khi mang thai an toàn và hiệu quả
Trước hết mẹ nên ngừng việc kích thích sản xuất sữa. Nếu bé đang bú trực tiếp từ mẹ, bạn có thể trì hoãn các thời gian cho bú. Nếu bạn đang dùng máy hút sữa, có thể giảm dần các lần hút sữa. Trong tình trạng ngực căng tức do sữa, mẹ có thể vắt ra một ít sữa bằng tay. Bạn cũng có thể chườm đá lạnh để giảm đau cho ngực.
– Mẹ cũng có thể chườm bắp cải xanh lạnh trong áo ngực và thay chúng 2 giờ/1 lần. Bắp cải xanh sẽ giúp giảm tiết sữa.
– Để bé dần quên sữa mẹ, bạn có thể cho bé bú bình (sữa bò hoặc sữa công thức).
– Một cách khác để giảm lượng sữa tiết ra chính là dùng cây trà xô thơm. Trong trà của cây xô thơm có chứa estrogen tự nhiên sẽ làm giảm lượng sữa tiết ra.
– Thuốc tránh thai có chứa estrogen cũng làm giảm lượng sữa của mẹ. Tuy nhiên bạn nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất trước khi sử dụng.
Trà xô thơm làm giảm lượng sữa của mẹ
Bên cạnh các biện pháp trên, cũng có một số ít phương pháp cai sữa không khiến các bé lớn “bị sốc” khi đột nhiên không được bú mẹ.
– Hãy cho bé uống sữa công thức từng chút một để xem phản ứng của bé. Mẹ có thể kết hợp giữa lượng sữa mẹ và sữa bột. Sau có thể tăng dần lượng sữa bột và giảm lượng sữa mẹ.
– Mẹ nên tăng cường chế độ ăn dặm cho bé. Đồng thời tập cho bé uống nước khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm.
Các lưu ý quan trọng mẹ cần nhớ
– Chắc chắn bé sẽ khó lòng quên ngay sữa mẹ được cho nên sẽ có lúc bé đòi bú. Mẹ đừng từ chối bé vì càng bị từ chối bé càng muốn làm cho bằng được. Bạn hãy cho bé bú nhưng hãy tạo ra các tình hướng khiến bé phân tâm. Từ đó đó bé sẽ dần bú ít và sớm ngưng bú.
– Khi ngừng cho bé bú, mẹ phải đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu bé dưới 1 tuổi, hãy cho bé uống sữa công thức. Các mẹ không nên cho bé bú sữa bò khi bé chưa tròn 1 tuổi.
– Để cai sữa cho bé cần một thời gian lâu dài, vì thế các mẹ cần phải kiên nhẫn. Mẹ càng nóng vội thì càng hỏng việc. Trẻ sẽ có những biểu hiện quấy khóc, ương bướng. Vì thế mẹ cần phải tạo điều kiện gần gũi, an ủi, vỗ về… bé.
– Hãy nhờ người thân trong gia đình giúp đỡ. Trẻ bú mẹ thường rất bện hơi mẹ. Nếu có ai đó khác chơi và chăm sóc bé, bé sẽ dần quen với việc quấn lấy mẹ. Kể cả việc bú sữa mẹ.
Mẹ nên tập cho bé lớn cai sữa từ từ hơn là đột ngột ngừng bú hẳn
Tạm kết
Nuôi con bằng sữa mẹ luôn mang lại cảm xúc tuyệt vời cho cả mẹ lẫn con. Không bà mẹ nào muốn dừng cho con bú khi con còn quá nhỏ. Tuy nhiên, mẹ buộc phải cai sữa cho con khi mang bầu để bảo toàn sức khỏe mẹ, con và cả thai nhi.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!