Bên cạnh những lần siêu âm định kỳ và các xét nghiệm (double test, triple test) thì siêu âm hình thái là phương pháp đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe thai nhi cần thiết. Trong bài viết sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về siêu âm hình thái và các mốc siêu âm hình thái mẹ cần lưu ý.
Thế nào là siêu âm hình thái học?
Siêu âm hình thái học là kỹ thuật siêu âm cho phép quan sát hình ảnh của thai nhi trong bụng người mẹ, bao gồm cả hình dáng bên ngoài và các cơ quan nội tạng bên trong, qua đó giúp theo dõi sự hình thành và phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện một số dị tật (nếu có).
Siêu âm hình thái học có ý nghĩa rất quan trọng trong mỗi đợt khám thai, cụ thể:
- Theo dõi và ghi lại chuyển động/hình thái của thai nhi trong bụng mẹ
- Phát hiện những bất thường nếu có ở thai nhi
- Đánh giá bất thường ở bánh rau, nước ối…
Các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên thực hiện siêu âm hình thái học vào những mốc quan trọng để xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe thai nhi phù hợp. Các chỉ số phát triển được quan tâm khi siêu âm hình thái gồm có:
- Vòng đầu (Head circumference – HC)
- Đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal diameter – BPD)
- Vòng bụng (Abdominal circumference – ACC)
- Chiều dài xương đùi (Femur length – FL)
- Cân nặng thai nhi ước tính (Estimated Fetal Weight – EFW)…
Siêu âm hình thái học chỉ nhằm giúp phát hiện các bất thường về hình thái, là những gì nhìn thấy được, chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng.
Siêu âm tuần 20–24 – mốc siêu âm hình thái quan trọng nhất
Thời điểm từ tuần thứ 20–24 của thai kỳ được xem là thời điểm vàng thực hiện siêu âm hình thái để đánh giá cấu trúc và hình thái của thai nhi, tầm soát dị tật nếu có.
Việc phát hiện các bất thường về hình thái thai vào giai đoạn này là thuận lợi nhất. Nếu siêu âm sớm hơn thì hình thái học thai nhi chưa đầy đủ, còn ở thời điểm muộn hơn thì thai nhi lại quá lớn, khó khảo sát toàn diện do đó dễ bỏ sót các bất thường và nếu có bất thường thì việc chấm dứt thai kỳ cũng phải cân nhắc vì thai có thể sống sau sinh.
Ở giai đoạn này, các cơ quan bên trong thai nhi cơ bản đã hoàn thiện: cột sống, hộp sọ, cấu trúc não, tim, phổi, thận, tay và chân của thai nhi đều có thể được nhìn thấy. Siêu âm có thể phát hiện gần như toàn bộ các dị tật về hình thái thai như: sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng, dị dạng cấu trúc não, thoát vị màng não tủy, dị dạng chi…
Cụ thể bác sĩ sẽ kiểm tra:
Các bộ phận của thai nhi:
- Đầu: hình ảnh xương vòm sọ, chu vi và đường kính vòng đầu, cấu trúc não, hình dáng gương mặt; phát hiện những dị tật nếu ở phần đầu và mặt như bất thường về hình thái và cấu trúc não, sứt môi, vòm miệng có khe hở, mũi vòi voi, khối u ở vòm mặt
- Cột sống: kiểm tra bất thường ở cột sống như thoát vị cột sống, chẻ đôi đốt sống thể hở
- Ngực: Hình ảnh/vị trí/kích thước tim thai/các mạch máu lớn ở ngực bao gồm động mạch chủ và động mạch phổi. Siêu âm hình thái học giúp chẩn đoán những bất thường về kích thước của buồng tim, động mạch chủ, động mạch phổi, khối u ở tim, giãn tim toàn bộ, tràn dịch màng phổi,…
- Bụng: Hình ảnh và cấu trúc của cơ hoành, dạ dày, thận, bàng quang, số đo vòng bụng; chẩn đoán dị tật như teo thực quản, tắc tá tràng, tắc ruột non, tắc đại tràng, dị tật hậu môn trực tràng, thoát vị rốn, khe hở thành bụng, dị tật bàng quang, không có thận, ứ đài bể thận, thận đa nang…
- Tay chân: hình ảnh/số lượng tay chân, các ngón tay/ngón chân, chiều dài xương đùi, bất thường ở tứ chi như bị lùn, ngắn, vẹo, thiếu hoặc thừa ngón tay/ngón chân
Các chỉ số cần quan tâm khác khi siêu âm hình thái ở tuần 20-24
Ngoài các hình thái và cấu trúc của cơ quan thai nhi, siêu âm hình thái mốc này cũng đánh giá thêm tình trạng:
- Bánh rau: Vị trí thấp hay cao, chẩn đoán những dị tật ở bánh rau như khối u rau, bánh rau phụ, nhau tiền đạo, bánh rau dày, nhau bám thấp…
- Dây rốn: Dây rốn có đầy đủ 3 mạch máu gồm 2 động mạch và 1 tĩnh mạch
- Nước ối: Đánh giá màu sắc và lượng nước ối thông qua chỉ số ối; chẩn đoán những bất thường về nước ối như thiểu ối, đa ối, vách ngăn màng ối
- Đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non
- Kiểm tra khối u của tử cung hoặc phần phụ của mẹ
Siêu âm ở 30–32 tuần tuổi là 1 trong các mốc siêu âm hình thái quan trọng
Bước sang tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, tất cả các cấu trúc của cơ thể thai nhi đã hoàn thiện, do đó có thể chẩn đoán toàn bộ dị dạng về hình thái học thai nhi, đặc biệt là những dị dạng biểu hiện muộn như bất thường nhu mô não, cấu trúc tiểu não. Dị tật được phát hiện trong thời điểm này tuy không thể can thiệp được nhưng có thể có cách ứng phó phù hợp khi sinh như: chọn nơi sinh, phương pháp sinh và chuẩn bị cho việc chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ kịp thời sau đó.
Lần siêu âm này cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung, vốn là nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ.
Siêu âm hình thái tại mốc này còn đánh giá sự phát triển của thai nhi thông qua quan sát động mạch rốn, động mạch tử cung người mẹ hay các bệnh lý mạch máu thai nhi, mạch não, mạch gan…
Thay lời kết
Bên cạnh các mốc siêu âm hình thái quan trọng này, mẹ cũng cần nhớ những lần siêu âm quan trọng khác như lần siêu âm đầu tiên để nghe tim thai (tuần thứ 6–10) và siêu âm đo độ mờ da gáy chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down/hội chứng Edward tại tuần thai thứ 10–12. Việc theo dõi thai kỳ là vô cùng cần thiết để nắm được các chỉ số phát triển của thai nhi, đồng thời có các biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời trong trường hợp có bất thường. Để có 1 em bé khỏe mạnh, tất cả chị em nên khám và được tư vấn ngay từ khi quyết định mang thai nhằm chuẩn bị cho con nền tảng tốt nhất từ khi chưa chào đời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!