Trẻ em như búp trên cành. Muốn con phát triển đúng cách và đúng hướng, cần quan tâm tới con. Cùng tìm hiểu các kỹ năng cho trẻ mầm non nào!
Mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Từ vẻ ngoài, tính cách đến hiểu biết và kỹ năng. Mặc dù mỗi bé đều có kỹ năng riêng song cũng phải có những kỹ năng chung nhất định để sống trong một môi trường tập thể.
Chưa kể, mầm non là môi trường mới đối với con. Việc định hướng cho con cũng vô cùng quan trọng. Cùng TheAsianparent tìm hiểu các kỹ năng cho trẻ mầm non để hướng dẫn bé nhé.
Tự ăn
Một trong những kỹ năng bé cần thuần thục từ sớm
Tự ăn là một trong những kỹ năng đầu tiên bé cần thuần thục. Trẻ nên học cách tự ăn ngay từ nhỏ. Không nên dựa dẫm người khác. Điều này sẽ thúc đẩy tính tự lập và bản năng sinh tồn trong người bé.
Sau khi trẻ đã được 1 tuổi, ngồi vững và biết cầm nắm, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn, cầm thức ăn để ăn. Biết ăn được cái gì, không ăn được cái gì.
Ban đầu thường khá khó khăn. Thông thường phải đến khi 3-4 tuổi, trẻ mới có thể ngồi ăn mà không cần người hỗ trợ, biết tự lấy cốc nước uống,….
Hầu hết các bé sẽ học được kỹ năng này khi đi nhà trẻ, nên bố mẹ không cần quá lo lắng hoặc ép buộc bé. Song, cũng nên hướng bé dần dần thuần thục kỹ năng này.
Ứng xử
Ứng xử với trẻ cần khôn khéo
Kỹ năng giao tiếp ứng xử là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho bé nhất để có thể tự tin, được yêu mến và hòa nhập được với xã hội.
Chẳng hạn như : Chào hỏi, kính trên nhường dưới, nên và không nên làm gì khi ở trong đám đông hoặc trong những tình huống cụ thể, nói cảm ơn và xin lỗi…
Hãy là tấm gương để bé học tập. Ngoài ra, cũng đừng quá gây áp lực mỗi khi bé quên hoặc phạm sai lầm. Vì trẻ còn nhỏ, khả năng nhận thức còn hạn chế nên bố mẹ hãy từ từ dạy, nhắc nhở bé.
Hãy nhớ, mỗi hành vi của bạn đều được bé tiếp thu và bắt chước. Việc quát tháo không giúp giải quyết gì cả. Thay vào đó, hãy mềm mỏng và khéo léo với con.
Nói thật
Nói thật là điều cần thiết với trẻ!
Trẻ em vốn không biết nói dối. Nhưng trẻ học được cách nói dối rất dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế, những lời nói dối vô hại không phải là xấu và ai cũng từng nói dối.
Nói dối để tự bảo vệ bản thân, để người khác quý mến mình,…có vô số lý do để nói dối. Nhưng trẻ còn quá nhỏ để hiểu lời nói dối nào là xấu, lời nói nào không.
Do vậy để tránh cho trẻ có được thói quen này, bạn nên khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc bản thân. Thừa nhận lỗi của mình và khen ngợi khi trẻ đã thừa nhận bản thân nói dối hoặc làm sai, đồng thời là tấm gương để trẻ học hỏi theo.
Việc nói thật cũng giúp cho con học được tính tự giác, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình và không làm tổn thương người khác.
Sắp xếp đồ đạc
Kỹ năng này sẽ giúp trẻ có được thói quen ngăn nắp, gọn gàng ngay từ nhỏ. Đây cũng là một phẩm chất tốt không phải ai cũng có. Bố mẹ nên đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, đúng nơi quy định. Tất cả mọi thành viên trong gia đình, bao gồm cả bé cũng phải tuân theo luật lệ.
Với trẻ em, bạn nên nhắc nhở trẻ sau khi chơi thì xếp đồ chơi lại, quần áo mặc xong phải cho vị trí thường để không vứt lung tung. Nhiều gia đình thường cả nể về vấn đề này.
Rằng con còn bé, chưa cần thiết phải sai bảo. Song, khoa học đã chứng minh rằng, việc bảo con làm từ bé là điều cần thiết.
Tự chăm sóc bản thân
Trẻ cần tự chăm sóc bản thân, không quá ỉ lại vào người khác
Trẻ mầm non cần phải được chăm sóc, hỗ trợ rất nhiều từ người lớn. Tuy nhiên, bạn có thể không biết rằng, nếu cho cơ hội các bé hoàn toàn có thể tự làm được.
Chẳng hạn như tự lấy nước uống, tự lấy đồ ăn trong tủ lạnh, tự đánh răng, tự đi ngủ không cần bố mẹ ở bên, tự đi giày dép, tự đội mũ khi ra ngoài nắng,…
Vượt qua khó khăn
Có rất nhiều thứ trẻ có thể tự vượt qua được mà không cần người khác giúp đỡ. Nếu bạn tiến đến hỗ trợ ngay, trẻ sẽ có thói quen ỷ lại và khó tự lập sau này. Nếu trẻ vấp ngã, hãy khuyến khích trẻ tự đứng lên.
Trẻ cãi nhau với bạn, đừng vội bênh vực con mà hãy tìm hiểu nguyên nhân. Dạy trẻ nói ra suy nghĩ, cảm xúc và hỏi bé các cách để làm lành với bạn rồi sau đó mới gợi ý cho trẻ cách đúng đắn.
Giúp đỡ và chia sẻ
Đây là một kỹ năng sống cần thiết cho bé. Nếu một đứa trẻ không biết cách giúp đỡ và chia sẻ với người khác thì khi lớn lên sẽ rất cô đơn, khó hòa nhập.
Dạy kỹ năng này cho bé rất đơn giản. Bạn chỉ cần là một tấm gương tốt, bởi vì trẻ em thường bắt chước theo bố mẹ. Trẻ mầm non có thể giúp đỡ bố mẹ bằng nhiều cách, chẳng hạn như tự ăn, tự cho bát đĩa vào bồn rửa sau khi ăn, tự mặc quần áo, giúp thu dọn đồ,…
Khi chơi với bạn bè hoặc anh chị em khác, nếu trẻ tranh giành đồ chơi thì hãy nhắc nhở và chia đều sao cho công bằng. Khi thấy người khó khăn hoặc yếu thế, hãy gợi ý trẻ giúp đỡ bằng nhiều cách.
Càng sớm chia sẻ và giúp đỡ người khác bao nhiêu, trẻ sẽ càng trở nên vui vẻ và hoàn thiện bất nhiêu.
Phòng ngừa nguy hiểm
Những tiết giảng kỹ năng sống cần thường xuyên được tổ chức
Đây là một kỹ năng sống cần thiết cho bé, vô cùng quan trọng trong một xã hội phức tạp như ngày nay. Bạn nên dạy trẻ khu vực nào, đồ vật, con vật nào, tình huống nào là nguy hiểm nên tránh xa. Không nên đi với người lạ, không nhận bất kì vật gì của người lạ.
Đặc biệt, đối với những người xa lạ ngoài bố mẹ, trẻ nên biết cách tự bảo vệ bản thân. Không cho họ sờ vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể. Biết về mách bố mẹ và cô giáo nếu có người sàm sỡ mình.
Học hỏi
Bản thân mỗi đứa trẻ đều luôn ham thích học hỏi và khám phá mọi thứ xung quanh. Bạn chỉ cần tạo cơ hội và môi trường tốt. Trẻ sẽ tự rèn luyện kỹ năng đó. Hãy dạy trẻ cách đặt câu hỏi cho mọi vấn đề (tại sao?cái gì?), cách giải quyết vấn đề (làm sao? làm như thế nào?).
Nếu có thể, hãy mua sách về để trẻ tập đọc, tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhiều hơn,… Môi trường internet cũng có rất nhiều thứ để học hỏi. Ví dụ như những ứng dụng và những video hướng dẫn từ các chuyên gia có uy tín.
Trồng cây và chăm sóc động vật
Trồng cây, chăm sóc động vật tạo cho con thói quen tốt
Con người và thiên nhiên cần phải sống hòa hợp với nhau, không thể tách rời. Một đứa trẻ biết yêu thiên nhiên, có lòng bảo vệ môi trường thì tâm hồn cũng sẽ đẹp.
Những kỹ năng như trồng cây hay chăm sóc vật nuôi là đơn giản nhất và phổ biến nhất được nhiều gia đình thực hiện.
Kỹ năng này không chỉ giúp bồi dưỡng cảm xúc tích cực. Nó còn giúp trẻ học cách tư duy, học cách tự lập và cả học cách chăm sóc người khác nữa.
Lời kết
Các kỹ năng cho trẻ mầm non là rất cần thiết. Trẻ con như trang giấy trắng vậy. Cùng con phát triển và hướng dẫn cho con là điều cha mẹ nên làm. Quan trọng nhất là hãy hỗ trợ con đúng lúc, đúng chỗ và khuyến khích con.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!