Bung nút nhầy bao lâu thì đẻ? Bung nút nhầy là một trong những dấu hiệu chuyển dạ cho thấy mẹ bầu đang sắp đến thời điểm vượt cạn. Thời điểm từ lúc bung nút nhầy đến khi đẻ sẽ khác nhau tuỳ thể trạng của thai phụ.
- Bung nút nhầy bao lâu thì đẻ?
- Dấu hiệu bung nút nhầy mẹ cần biết
- Dấu hiệu chuyển dạ
Bung nút nhầy bao lâu thì đẻ?
Nút nhầy là khối chất nằm ở cổ tử cung, là hàng rào ngăn chặn vi trùng, vi khuẩn và các nguồn bệnh khác đi vào tử cung, qua đó bảo vệ thai nhi khỏi mọi nhiễm trùng bên ngoài. Nút nhầy cổ tử cung còn được xem như là những niêm mạc tử cung có bề dày lớn giúp bảo vệ thai nhi cũng như màng ối trong buồng tử cung của người mẹ. Vào tuần 37 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu có thể thấy cơ thể tiết loại chất nhầy màu hồng hoặc đỏ, hiện tượng này được gọi là hiện tượng bung hay bong nút nhầy. Hiện tượng bung nút nhầy xuất hiện là để chuẩn bị cho việc ra đời của thai nhi.
Bung nút nhầy là một trong những hiện tượng chuyển dạ (Nguồn: phunuvagiadinh.vn)
Tuy nhiên, thời điểm từ khi bung nút nhầy đến thời gian thực sự chuyển dạ là không giống nhau ở các thai phụ. Theo BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, vài trường hợp mất nút nhầy sau đó chuyển dạ chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, tuy nhiên, ở một số khác, thời gian từ lúc bung nút nhầy đến lúc sắp sinh thật sự có thể xuất hiện 1-2 tuần. Ngoài ra, nếu dịch nhầy chứa nhiều máu thì có thể là dấu hiệu của chuyển dạ nguy hiểm, mẹ bầu cần phải đến bệnh viện ngay để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Xem thêm:
Bung nút nhầy cổ tử cung có phải là dấu hiệu sắp sinh?
Dấu hiệu bung nút nhầy mẹ cần biết
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn chuyển dạ, mẹ bầu cần phân biệt được biểu hiện của chất nhầy để biết đâu là dấu hiệu bung nút nhầy thực sự.
– Khi chưa bung nút nhầy: Nồng độ hormone trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến lượng dịch âm đạo ở tử cung. Khi cơ thể bung nút nhầy, dịch âm đạo thường ít hơn với màu trắng đục và trong suốt, đặc biệt dịch này thường lỏng và hơi có cảm giác dính.
– Khi cổ tử cung thực sự bung nút nhầy: Lúc này dịch âm đạo tiết ra với lượng rất nhiều, màu sắc từ trong suốt sang vàng, xanh lá cây, đôi khi có màu hồng nhạt và có lẫn một ít vệt máu. Độ kết dính thường đặc và keo hơn, có thể trông giống như dịch tiết ra từ mũi khi bị nghẹt mũi hoặc nhìn giống thạch. Một số trường hợp bị bong nút nhầy toàn bộ thì có thể quan sát được trực tiếp nút nhầy cổ tử cung bị bong ra có độ dài khoảng 4cm – 5cm.
Bên cạnh đó, còn có 1 số lưu ý về nút nhầy âm đạo mà mẹ cần theo dõi trong quá trình mang thai để kịp thời xử lý:
1. Nếu dịch âm đạo có màu vàng hay xanh lá cây, kèm theo mùi khó chịu bất thường thì có thể nghĩ đến một vấn đề nhiễm trùng âm đạo đã xảy ra bên trong cơ thể của sản phụ.
2. Nút nhấy có thể bong sớm nếu cổ tử cung của người phụ nữ phát triển không toàn vẹn hoặc sản phụ gặp phải tình trạng sinh non.
3. Đối với tình trạng cổ tử cung người sản phụ không toàn vẹn thì bung nút nhầy thường diễn ra ở tuần 14 – 20 với triệu chứng tiết dịch âm đạo kèm theo đau bụng vùng hạ vị và những dấu hiệu của co thắt tử cung.
4. Nếu bung nút nhầy kèm đau bụng lâm râm và rỉ nước ối trước thời điểm tuần thai thứ 37 thì mẹ cần lưu ý đến tình trạng chuyển dạ sớm, tránh nhầm với sảy thai. Nếu dịch âm đạo có vệt máu và lượng máu chảy ra cũng nhiều hơn thường ngày thì mới có nguy cơ sảy thai.
Thai phụ cần phân biệt hiện tượng sinh non và sảy thai (Nguồn: Unsplash)
Xem thêm:
Nhiều mẹ cứ nghĩ ra chất nhầy màu trắng trong là mang thai, đúng hay sai?
Dấu hiệu chuyển dạ
Trên thực tế, nhiều bác sĩ cho rằng bung nút nhầy không hoàn toàn là dấu hiệu chuyển dạ vì nút nhầy có thể bị bung ra bởi các nguyên nhân khác. Một số trường hợp sau khi được thăm khám âm đạo thì nút nhầy cổ tử cung cũng sẽ có nguy cơ bị bong ra, hoặc quan hệ tình dục cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra. Cụ thể:
- Nếu bung nút nhầy cổ tử cung trước tuần thai thứ 36, sản phụ nên đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe thai nhi, cũng như theo dõi tình trạng bung nút nhầy trong thời gian tiếp theo.
- Nếu bong nút nhầy cổ tử cung sau thời điểm tuần thứ 37 của thai kỳ mà không có thêm những triệu chứng khác thì thai phụ cần theo dõi quá trình chuyển dạ sắp xảy ra với các dấu hiệu như những cơn co thắt tử cung, dịch âm đạo cũng được tăng tiết hơn….
Thai phụ cần quan sát các hiện tượng chuyển dạ sau khi bung nút nhầy để kịp thời nhập viện (Nguồn: Unsplash)
Bung nút nhầy bao lâu thì đẻ? Vì nhiều nguyên nhân nên không thể xác định thời gian cụ thể. Sản phụ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu chuyển dạ kể từ lúc bung nút nhầy để có thể có những chẩn đoán tiếp theo.
Nguồn thông tin: 8 DẤU HIỆU SẮP SINH (CHUYỂN DẠ) MẸ CẦN GHI NHỚ ĐỂ ĐÓN CON YÊU – Bệnh viện Tâm Anh
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!