Quá trình mang thai có thể xuất các biểu hiện của thai chết lưu nhưng nhiều mẹ lại không biết, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khi phát hiện trễ. Cùng tìm hiểu về các biểu hiện của thai chết lưu ngay sau đây để phát hiện sớm và xử lý kịp thời mẹ nhé.
Thai chết lưu là gì?
Hoàn toàn khác với hiện tượng sảy thai (thai bị đẩy ra ngoài tử cung trước khi nó được phát triển để tồn tại – xảy ra trước tuần 20 của thai kỳ), thai chết lưu là hiện tượng em bé chết trong bụng mẹ sau 20 tuần mang thai. Đa số các trường hợp thai chết lưu thường diễn ra trước khi phụ nữ chuyển dạ, tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thậm chí là trong khi sinh.
Biểu hiện của thai chết lưu mà đôi khi bạn không biết
1. Không cảm nhận được thai máy
Mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi (hay còn gọi là thai máy) từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Thai máy sẽ được cảm nhận rõ nhất khi mẹ nằm nghiêng về một bên. Chuyển động của em bé chính là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển khỏe mạnh. Vì vậy nếu đột nhiên không thấy dấu hiệu gì của thai trong một thời gian dài, mẹ nên đi bệnh viện để kiểm tra ngày, có thể thai đang gặp phải một vài bất thường nào đó, trong đó bao gồm cả thai chết lưu.
2. Tử cung ngừng phát triển
Thai nhi càng phát triển thì tử cung người mẹ cũng lớn dần theo. Vì vậy khi kiểm tra định kỳ tại các phòng khám sản phụ khoa, nếu bác sĩ đo thấy kích thước tử cung mẹ không tăng lên thì chắc chắn là thai đã gặp trục trặc nào đó, trong đó không loại trừ trường hợp thai chết lưu.
3. Không nghe được tim thai
Khám thai định kỳ là việc làm vô cùng quan trọng với các mẹ bầu. Ngoài đo kích thước tử cung, khi khám thai, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nhịp tim của thai nhi. Nếu đo liên tục mà vẫn không nghe thấy tim thai, mẹ sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân, trong đó không thể loại trừ thai đã bị chết lưu.
4. Mất cảm giác nghén
Một trong những biểu hiện của thai chết lưu là mẹ đột nhiên bị mất các cảm giác ốm nghén như buồn nôn, nôn, người mẹ không còn khó chịu, mệt mỏi và ngực cũng trở nên mềm mại chứ không căng tức như lúc đầu, đồng thời có tiết sữa non,…
5. Các dấu hiệu bất thường khác
- Âm đạo ra máu đen hoặc tiết dịch bất thường
- Chuột rút ở bụng hoặc lưng
- Đau bụng từ nhẹ đến nặng
- Cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội
- Mặt, bàn chân hoặc bàn tay sưng lên đột ngột
- Sốt hoặc ớn lạnh trong người
Thai chết lưu không được phát hiện sớm sẽ ra sao?
Khi thai bị chết lưu nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ ối bất ngờ dù chưa có dấu hiệu sảy thai hay chuyển dạ. Màng ối khi bị rách sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm trùng cấp tính rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của thai phụ.
Vì vậy, thai chết lưu không được phát hiện và xử lý sớm mà để quá lâu trong dạ con (3-4 tuần trở lên) có thể khiến người mẹ bị rối loạn đông máu dẫn đến băng huyết nặng, nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng.
Mẹ bầu cần làm gì khi nghi ngờ thai chết lưu?
Thai lưu là vấn đề không ai mong muốn gặp phải nên khi nghi ngờ mình đã bị thai chết lưu, mẹ bầu cần hết sức bình tĩnh và đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra nguyên nhân. Nếu xác định mẹ đã bị thai chết lưu, bác sĩ sẽ đề xuất phương án lấy thai ra ngoài một cách an toàn trong thời gian sớm nhất có thể nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho mẹ bầu. Tuyệt đối không tự ý xử lý thai lưu tại nhà vì sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến mất mạng.
Làm gì để lần mang thai tiếp theo được suôn sẻ hơn?
Sau khi thai chết lưu, mẹ nên thực hiện một số xét nghiệm để biết chính xác nguyên nhân thai mất, và hỏi ý kiến bác sĩ về những biện pháp phù hợp để giúp việc mang thai lần tới diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn. Cụ thể những loại xét nghiệm có thể kể đến là:
- Chọc ối: Dịch ối sẽ cho mẹ biết thông tin di truyền của trẻ để kiểm tra xem thai có gặp bất thường về bộ gen hay không
- Giải phẫu tử thi: Kiểm tra các cơ quan của thai nhi để tìm ra dấu hiệu dị tật bẩm sinh
- Xét nghiệm gen: Phương pháp này cũng được thực hiện nhằm kiểm tra bất thường bộ gen của thai nhi
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem mẹ có bị nhiễm trùng không, có bị rối loạn tuyến giáp hay mắc bệnh lupus ban đỏ không
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm về tiền sử gia đình cùng các vấn đề mẹ gặp phải trong suốt quá trình mang thai để đưa ra kết luận chính xác nhất về nguyên nhân thai chết lưu.
Kết luận
Vừa rồi là những biểu hiện của thai chết lưu cũng như hướng giải quyết cho mẹ khi nghi ngờ mình bị thai lưu. Thai lưu nếu để lâu không được xử lý sẽ rất nguy hiểm nên mẹ hay theo dõi thật kỹ cơ thể mình khi mang thai, nếu thấy dấu hiệu bất thường gì thì đến gặp bác sĩ ngay nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!