Biểu đồ tăng cân của bà bầu cần được theo dõi dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản là chỉ số cơ thể, mức độ tăng cân qua từng thời kỳ mang thai, trọng lượng của thai nhi, cách cân và chế độ dinh dưỡng thai kỳ. Từng nguyên tắc này nên được hiểu và thực hiện như thế nào để có thể giúp mẹ tăng cần hợp lý mà bé vẫn phát triển tốt, đúng chuẩn?
Biểu đồ tăng cân của bà bầu là vấn đề đau đầu muôn thuở khi mang thai
Dường như khi mang thai, người phụ nữ thường có 2 thái cực khá phổ biến là: Một, “Tôi phải ăn cật lực vì con” và những bà mẹ này thường tăng cân rất nhanh. Hai, “Mang thai những vẫn muốn dáng chuẩn, ăn ít để đẻ xong là về cân nặng ban đầu ngay”.
Nhưng như các chuyên gia sản khoa vẫn luôn đưa ra lời khuyên rằng, sự cân bằng vẫn là cách tốt nhất cho mọi bà mẹ. Nếu bạn tăng cân quá nhiều thì nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, khó sinh con, … hoàn toàn có thể xảy ra. Ngược lại, khi bạn tăng cân quá ít, thai nhi có xu hướng dễ bị nhẹ cân, sinh non và thậm chí gặp phải nhiều biến chứng trong thai kỳ.
Chính vì vậy mà để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé tốt nhất nhưng đồng thời mẹ vẫn không tăng cân quá nhiều, thai nhi đạt cân nặng “chuẩn” thì mẹ bầu cần hết sức chú ý về 5 vấn đề sau đây trong thai kỳ.
Bảng tăng cân của bà bầu cần dựa trên chỉ số BMI Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự tăng cân trong thai kỳ được ước tính dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body mass index) của người mẹ trước khi mang thai. Công thức tính BMI như sau:
Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao x chiều cao] (m)
Người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 – 24,9): mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 – 12 kg. Cụ thể, bảng tăng cân của mẹ bầu như sau:
- 3 tháng đầu (quý I): Tăng 1 kg
- Vào 3 tháng giữa (quý II): Tăng 4 – 5 kg
- 3 tháng cuối (quý III): Tăng 5 – 6 kg
Nếu người mẹ nhẹ cân (BMI: <18,5): Mức tăng cân nên đạt khoảng 25% so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 12,7 – 18,3 kg.
Trường hợp trước khi mang thai mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI từ 25 trở lên): mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7-11,3 kg.
Trường hợp người mẹ mang song thai: Nên tăng khoảng 16 -20,5 kg
Biểu đồ tăng cân của bà bầu qua từng giai đoạn mang thai
Mặc dù mẹ bầu có thể dựa trên chỉ số BMI nhưng quá trình tăng cân không phải lúc nào cũng diễn ra như một công thức chính xác tới từng gram. Tốc độ tăng cân của phụ nữ mang thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng trao đổi chất, mức độ vận động, chế độ dinh dưỡng. Các yếu tố này còn được xem xét dựa trên từng giai đoạn của 9 tháng mang thai, cụ thể như sau:
Trong tam cá nguyệt đầu tiên
Ở 3 tháng đầu tiên này, em bé của mẹ vẫn còn nhỏ xíu. Lúc này các dưỡng chất nên tập trung cho sự phân chia tế bào, hình thành hệ thần kinh và các bộ phận cơ thể. Điều đó có nghĩa là mẹ chỉ nên tăng nhiều nhất là từ 1-2kg mà thôi.
Với nhiều mẹ, tình trạng ốm nghén có thể khiến bạn còn bị giảm sút cân nặng. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, tăng cường các bữa phụ với các loại hạt, bánh quy ít đường hoặc các loại hoa quả.
Trong tam cá nguyệt thứ hai
Cân nặng của thai nhi đã tăng lên một cách rõ rệt. Em bé của mẹ đã gần như hoàn thiện các bộ phận của cơ thể. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu cần theo dõi chặt chẽ mức độ tăng cân của mình. Mức độ tăng cân hợp lý của bạn nên là mỗi tuần tăng thêm khoảng 450 gr. Và tổng cân nặng mẹ bầu tăng thêm trong 3 tháng giữa có thể từ 5-6,5kg nhưng không nên nhiều hơn thế.
Trong tam cá nguyệt thứ ba
3 tháng cuối gọi là giai đoạn tăng tốc của thai nhi. Một số phụ nữ có thể bị chững cân ở tháng cuối nhưng điều này không quan trọng bằng việc thai nhi được cung cấp đủ dinh dưỡng, nhờ đó mà bé sẽ tăng cân theo đúng chuẩn. Nguyên tắc quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ là không nên nạp quá nhiều tinh bột mà cần chú trọng với các thực phẩm giàu đạm, chất xơ và chất béo có lợi. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi tuần, cân nặng bà bầu có thể tăng 0,5 kg.
Cân nặng của mẹ bầu được phân bố như thế nào trong cơ thể?
Khi bạn có thai nghĩa là phần bụng (bao gồm tử cung) chiếm một trọng lượng đáng kể bởi đây là nơi em bé của bạn đang lớn lên. Một số mẹ thắc mắc rằng, cơ thể mình trông rất nhỏ gọn nhưng cân nặng của mình vẫn nhiều (so với cảm giác của mẹ). Câu trả lời nằm ở đây. Đó là cân nặng đến từ rất nhiều các thành phần khác của một bào thai trong cơ thể mẹ nữa. Chẳng hạn như:
- Em bé: 2,5-3,5kg
- Nhau thai: 0,5kg
- Nước ối: 1 kg
Ngoài bụng bầu, cân nặng mẹ tăng lên khi mang thai còn phân bổ đều trên cơ thể. Do đó mà việc đánh giá cân nặng của mẹ bầu không nên chỉ dựa trên việc quan sát hình dáng bên ngoài bằng mắt thường.
Làm thế nào để xác định chính xác bảng tăng cân của mẹ bầu?
Việc tăng cân trong quá trình mang thai đôi khi sẽ dao động nhiều nếu mẹ bầu không có cách xác định cân nặng cố định và chính xác. Vì lý do này mà các bác sĩ khuyên mẹ nên cân khi đi khám thai hoặc tự cân ở nhà theo nguyên tắc sau:
- Cân vào cùng một thời điểm trong ngày
- Mặc cùng một lớp quần áo
- Chỉ nên cần 1 tuần một lần chứ đừng ám ảnh mà cân hàng ngày
- Cân vào buổi sáng sau khi đi vệ sinh là tốt nhất
Mẹ bầu nên ăn bao nhiêu calo là vừa?
Chìa khóa để tăng cân khi mang thai khỏe mạnh là mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống cân bằng. Những quan niệm như “mang thai ăn phải ăn cho 2 người” là hoàn toàn không chính xác.
Thay vì tăng gấp đôi lượng calo cơ bản, mẹ bầu không cần thiết phải nhồi nhét lượng calo quá mức vào 3 tháng đầu. Tốt nhất là bạn nên ăn như bình thường nhưng tăng cường các thực phẩm giàu axit folic, canxi, sắt, …
Trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu nên bổ sung thêm khoảng 300 calo mỗi ngày. Đến ba tháng cuối của thai kỳ, bạn sẽ cần thêm khoảng 500 calo mỗi ngày so với lượng ă trước khi mang thai.
Một quy tắc quan trọng mẹ bầu luôn cần ghi nhớ là, thay vì chỉ ăn nhiều hơn, hãy tập trung vào việc ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Cách này sẽ cung cấp cho mẹ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển cơ xương và não bộ của thai nhi.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!