Hãy xem bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ thành công thông qua hướng dẫn chi tiết của các chuyên gia nhi khoa trong 12 tháng đầu đời của bé sơ sinh.
Với những ai lần đầu làm mẹ và hầu như kinh nghiệm nuôi con còn rất ít ỏi thì việc nuôi con bằng sữa mẹ quả thực không phải là điều dễ dàng. Làm thế nào để có nhiều sữa cho bé bú ngay từ những tuần đầu tiên? Cách hút và dự trữ sữa mẹ tốt nhất là như thế nào? Bé bú ít hay thậm chí vừa bú vừa ngủ, v.v. Tất cả những vấn đề rắc rối này sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây. Mẹ hãy cùng tìm hiểu và áp dụng ngay vào hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình nhé.
Tháng 1: Con cần biết ngậm khớp vú đúng cách
Ngậm khớp vú đúng là điều mấu chốt và quan trọng nhất trong những ngày đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ. Chỉ khi trẻ ngậm đúng khớp vú thì con mới có thể ăn đủ lượng sữa cần thiết theo nhu cầu và không gặp phải tình trạng sặc sữa hay bú mãi mà không no hoặc thậm chí trẻ còn không tăng cân. Các bước cơ bản để giúp bé bú đúng khớp cần được thực hiện như sau:
- Mẹ chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, người bé áp sát vào người mẹ (tiếp da càng tốt).
- Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẳn sàng để bú, bé sẽ há miệng rộng (lưỡi bé lè dài ra phía trước).
- Một bàn tay mẹ đỡ cổ bé, để đầu bé ngửa ra thoải mái, cằm bé tựa bầu vú mẹ (phần dưới).
- Bàn tay kia tạo thành chữ C, ngón tay cái ấn nhẹ phia trên để hướng đỉnh ti lên phía môi trên của bé.
- Đặt môi dưới của bé vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti) cho bé bắt đầu ngậm từ môi dưới.
- Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc.
Mẹ cần lưu ý rằng, nếu bé ngậm khớp vú đúng cách, tiếng nuốt sữa của con sẽ rất rõ ràng. Đồng thời khi trẻ đang mút, mẹ sẽ không nhìn thấy núm vú, mà chỉ thấy phần bên ngoài của quầng vú.
Mẹ có thể tham khảo thêm video hướng dẫn sau (nguồn: Bệnh viện Từ Dũ):
Tháng 2: Tìm hiểu về nguồn sữa của bà mẹ – bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ
Nguồn sữa của mẹ là bao nhiêu, liệu có đủ sữa cho con bú không là một trong những mối quan tâm phổ biến nhất của các bà mẹ cho con bú. Bởi vì không giống như trẻ bú bình hay cho con bú trực tiếp từ bình, bạn không thể biết được con bú được chính xác bao nhiêu sữa. Để đảm bảo việc nuôi con bằng sữa mẹ của bạn đang đi đúng hướng, việc theo dõi sát sao cân nặng của trẻ trong những tuần đầu tiên là điều vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, mẹ cần kết hợp dựa trên việc quan sát các dấu hiệu sau:
- Trẻ tăng cân đều đặn
- Số lần tè, ị của trẻ phù hợp theo tháng tuổi của trẻ
- Làn da con hồng hào
- Con ngủ ngon giấc, liền mạch, ít quấy khóc
Tháng 3: Bí quyết hút sữa mẹ cho bé
Hầu hết các mẹ sẽ được nghỉ 6 tháng ở nhà để nuôi con. Mặc dù vậy cũng có một số mẹ phải quay trở lại làm việc tại thời điểm này. Nếu bạn có kế hoạch tiếp tục cho con bú và cần hút sữa tại nơi làm việc hoặc ngay cả khi bạn ở nhà nhưng vẫn muốn chủ động hơn trong việc cho con ăn sữa mẹ, tìm hiểu về cách hút sữa là điều cần thiết.
Gợi ý cho mẹ là bạn có thể thuê hoặc mua máy hút sữa đôi (tiết kiệm công sức và thời gian hơn rất nhiều so với máy đơn). Ngoài ra các quy tắc để việc hút sữa thành công mà mẹ nên ghi nhớ là:
- Hút sữa theo một thời gian biểu cố định
- Luôn uống nước hoặc các loại chất lỏng trước khi hút sữa từ 15-20 phút
- Mát xa bầu ngực để sữa về dồi dào
- Thư giãn đầu óc, nghĩ đến hình ảnh con bú mẹ để sữa về nhiều hơn
Tháng 4: Đảm bảo nguồn sữa mẹ an toàn là bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mẹ sẽ ảnh hưởng phần lớn đến chất lượng sữa mẹ. Trong công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ hiện đại, bạn không cần phải kiêng khem quá khắt khe như các bà mẹ truyền thống xưa kia. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là mẹ có thể ăn hay uống bất kỳ thứ gì một cách thoải mái trong khi cho bé bú.
Để đảm bảo an toàn và bé có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ, bạn cần chú ý đến việc tránh các loại thực phẩm và đồ uống có hại như sau:
- Các loại đồ uống có cồn như rượu, bia
- Thực phẩm sống, tái
- Đồ ăn quá chua, lên men như nem chua, dưa muối chua
- Các thực phẩm được chế biến quá nhiều gia vị như đường, dầu mỡ, ớt, …
Tháng 5: Cân bằng giữa việc cho bé bú và giấc ngủ của con
Vào tháng thứ năm, bạn có thể cảm thấy kiệt sức và đếm ngược ngày cho đến khi bé có thể ngủ xuyên đêm. Nhưng bạn cần lưu ý rằng “ngủ xuyên đêm” ở độ tuổi này có nghĩa là trẻ có thể ngủ liền mạch 4-6 tiếng/ giấc (chứ không phải 9-10 tiếng như trẻ lớn). Trẻ 5 tháng tuổi hoàn toàn có thể ngủ được giấc dài nếu biết cách luyện tập thực sự.
Nhiều mẹ lần tưởng rằng, bé bú mẹ nhanh đói hơn bé ăn sữa công thức nên sẽ cho bé bú vào bất kỳ thời điểm nào khi bé đòi. Nhưng trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên không hoàn toàn như vậy. Đôi khi con thức dậy vì thói quen cần được ngậm ti mẹ nhiều hơn là vì đói thực sự.
Chính vì vậy, mẹ có thể tập giãn bữa dần dần cho bé. Cắt bớt bữa đêm cho đến khi bé ngủ được giấc dài hơn và không quấy khóc chỉ vì muốn được mẹ cho ngậm mút. Con ngủ được giấc đêm dài hơn, không bú vặt sẽ là nền tảng tốt cho việc bắt đầu ăn dặm vào tháng thứ 6 của trẻ.
Tháng 6: Bắt đầu giới thiệu thức ăn dặm
Mặc dù em bé của mẹ đã sẵn sàng để thử các loại thức ăn dặm nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên từ bỏ việc cho con bú. Sữa mẹ vẫn là phần quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của bé ở độ tuổi này. Vì vậy hãy đảm bảo bé đã được bú đủ lượng sữa trong tháng đầu tiên ăn dặm.
Trẻ 6 tháng vẫn cần duy trì 800-1200ml sữa/ngày và 1 bữa ăn dặm. Đồ ăn dặm của trẻ nên bắt đầu bằng các loại ngũ cốc được nghiền nhuyễn và mịn, dần dần thêm rau củ quả và cuối cùng là chất đạm. Nguyên tắc ăn dặm mà mẹ cần ghi nhớ là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc và tăng dần độ cứng của thức ăn. Mẹ nên cho bé thử từng loại thức ăn cho đến khi đảm bảo được rằng bé không bị dị ứng với thực phẩm đó.
Tháng 7: Cho con bú và tránh thai
Bạn chưa sẵn sàng để mang thai lần kế tiếp? Vậy thì mẹ nên cẩn trọng với việc áp dụng phương pháp tránh thai nhờ nuôi con bằng sữa mẹ. Các chuyên gia cho biết, tránh thai theo cách này không hề đảm bảo an toàn cho phụ nữ.
Bạn vẫn hoàn toàn có thể mang thai ngay cả khi đang cho con bú. Do đó tốt nhất bạn cần tham khảo các cách khác như uống thuốc tránh thai (tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê viên tránh thai phù hợp với người đang cho con bú), dùng bao cao su, đặt vòng, …
Tháng 8: Cách xử lý khi bị tắc tia sữa – bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ
Tắc tia sữa có thể là một vấn đề gây ra nhiều đau đớn và nguy hiểm đối với phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tắc tuyến sữa như bé bú không theo khung giờ đều đặn, sữa mẹ về quá nhiều và mẹ không hút sữa ra, người mẹ bị căng thẳng, .. Nếu mẹ có các dấu hiệu như đau tức bầu ngực, sốt, … thì cần đi khám để có hướng điều trị phù hợp.
Tháng 9: Làm thế nào khi bé thích cắn ti mẹ?
Những chiếc răng sữa bé nhỏ của con ở tháng này hoàn toàn có thể trở nên sắc bén đến mức khiến mẹ thấy đau đớn. Khi bé có biểu hiện cắn ti mẹ, hãy dừng cho con bú và bỏ ngực ra khỏi miệng con. Nói với bé rằng “Con không được cắn mẹ” và yêu cầu bé chờ đến giờ bú tiếp theo. Nghe có vẻ nghiêm khắc nhưng đây là cách phù hợp để giúp bé hiểu rằng con không nên làm như vậy.
Tháng 10: Trẻ không còn hứng thú với việc bú mẹ
Em bé đang trong độ tuổi chập chững tập đi của bạn có thể bị phân tâm bởi môi trường xung quanh khi bú mẹ. Những tiếng động ồn áo, ánh sáng ban ngày, … tất cả đều có thể khiến trẻ bị phân tâm và bú mẹ theo kiểu nữa vời bởi đây là khoảng thời gian trẻ đang rất tò mò và háo hức với thế giới xung quanh.
Theo các chuyên gia, điều này là hoàn toàn bình thường ở tuổi này. Các bà mẹ có thể là cảm thấy khó chịu với kiểu ăn này của trẻ nhưng xin đừng lầm tưởng là bé đã sẵn sàng cai sữa. Mẹo dành cho mẹ là mẹ nên cho bé bú trong phòng yên tĩnh, kéo bớt rèm cửa lại và đặt một chiếc khăn xô bắt mắt lên vai mẹ để bé có thể ngắm nhìn trong lúc bú.
Tháng 11: Cân bằng sữa mẹ và ăn dặm – bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ
Bây giờ em bé của bạn đang khám phá tất cả các loại thực ăn mới. Lượng sữa mẹ có thể đang giảm dần so với lượng thức ăn dặm con nạp vào cơ thể. Bé vẫn bú từ 800-100ml sữa/ngày hoặc ít hơn nhưng nên tối thiểu 4 bữa sữa/ngày là tốt hơn cả.
Tháng 12: Xác định thời điểm cai sữa phù hợp
Khi trẻ bước sang tháng thứ 12, việc cai sữa sẽ phụ thuộc vào cả mẹ và bé. Nếu trẻ đã sẵn sàng thì hãy tôn trọng nhu cầu của bé. Còn không, chẳng có lý do gì để mẹ không nên tiếp tục cho bé bú cả. Một em bé được duy trì ăn sữa mẹ từ 12-24 tháng tuổi sẽ giúp trẻ nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời như tăng cường sức đề kháng cho trẻ, con nhanh hồi phục hơn trong trường hợp trẻ bị bệnh, … “Khi con uống sữa mẹ cũng có nghĩa là bé sẽ nhận được tất cả các lợi ích miễn dịch”, một chuyên gia giải thích.
Vậy nên mẹ hãy cứ vững tin trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình mẹ nhé!
Theo Parents
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!