Bị lạnh bụng sau sinh thường do hệ miễn dịch và tuần hoàn của người phụ nữ bị suy giảm. Các món ăn bổ khí, huyết và chế độ vận động phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Vì sao mẹ bị lạnh bụng sau sinh?
Những tuần đầu tiên sau công cuộc sinh nở, cơ thể của mọi người phụ nữ đều có những thay đổi ít nhiều. Điều này phụ thuộc vào cách thức sinh con của mỗi mẹ (sinh theo phương pháp tự nhiên hay sinh mổ) và các yếu tố mang tính cá nhân khác.
Trong đó về mặt thể chất, các mẹ sẽ ra sản dịch màu đỏ tươi trong 2-3 tuần đầu. Tử cung đau nhức từng đợt , mệt mỏi, đau nhức.
Hệ bài tiết chưa hoạt động trở lại khiến các mẹ khó tiểu tiện, đặc biệt là ngày đầu tiên. Một số mẹ còn gặp phải tình trạng bí tiểu và táo bón nặng.
Nhìn chung quá trình sinh nở khiến mẹ sau sinh mất đi một lượng máu khá lớn và bị hao tổn khá nhiều sức lực, dẫn đến lượng máu trong cơ thể tuần hoàn không tốt.
Sự yếu kém của hệ tuần hoàn làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch, từ đó khiến mẹ bỉm sữa dễ bị lạnh bụng sau sinh.
Mẹ bỉm sữa nên làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
Bị lạnh bụng và lạnh người thường liên quan đến hệ tuần hoàn cũng như khả năng miễn dịch của cơ thể.
Thông thường quá trình hồi phục của phụ nữ sau sinh nở phải mất đến 2-3 tháng hay thậm chí cả năm trời.
Cách tốt nhất để các mẹ có thể cải thiện được tình trạng này là cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng (tăng cường các món bổ huyết) và cải thiện sức đề kháng thông qua các bài tập vận động vừa sức.
Chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ bị lạnh bụng sau sinh
Về dinh dưỡng, ngoài các món ăn lợi sữa và chế độ ăn uống nên chú ý dùng các món bổ khí, huyết, giàu sắt.
Cụ thể, mẹ sau sinh nên tăng cường ăn những món như:
- Canh gà với các loại hạt sen, táo tàu, …
- Súp gà nấu gừng
- Gà kho sả
- Súp hải sâm
- Chè bạch quả
Các món giàu sắt giúp cải thiện hệ tuần hoàn mà mẹ có thể bổ sung thêm vào bữa ăn hàng ngày như:
- Trứng các loại (trứng gà, trứng vịt).
- Gan (bò, lợn, gà, vịt, ngan) và các nội tạng khác (tim, thận).
- Thịt các loại: bò, lợn, gà, vịt.
- Cá, thủy sản: bao gồm cua biển, tôm, cá thu, trai, hàu, cá mòi, cá cơm.
- Các loại rau lá màu xanh như cần tây, rau đay, rau dền các loại, xương xông, lá lốt, rau ngót, rau bí, rau cải xanh, cải soong.
- Quả chín: đu đủ, táo tây, hồng xiêm, lê,…
- Đậu đỗ như đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh.
Cùng với các thực phẩm trên, mẹ nên ăn thêm các loại hoa quả giàu vitamin C để cơ thể hấp thụ sắt được tốt hơn.
Tuyệt đối không uống nước lạnh, nước có đá
Đồ uống để lạnh hoặc có đá không được khuyến khích trong chế độ ăn hàng ngày của mẹ sau sinh.
Bởi đồ lạnh mang tính hàn, được xem là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh của phụ nữ mới sinh con. Hàn tà có tính ngưng trệ, khi xâm nhập vào cơ thể làm mất đi sự ôn chiếu của dương khí và làm cho khí huyết lưu thông khó khăn.
Mẹ mới sinh có nguy cơ dễ mắc một số bệnh do ăn đồ lạnh như đau dạ dày, lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng nát, …
Chính vì vậy, nếu muốn cải thiện tình trạng lạnh bụng sau sinh, chị em nên tuyệt đối nói không với các loại đồ uống, thức ăn lạnh hoặc để qua đêm.
Vận động sau sinh để cải thiện sức đề kháng, giúp phòng tránh lạnh bụng
Sau sinh nở, phụ nữ chưa nên vận động với cường độ nặng nhưng quan tâm đến những vận động thích hợp lại là điều rất cần thiết vì có thể giúp cải thiện khí chất, hệ tuần hoàn, nhờ đó mà cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Chị em nên bắt đầu bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, sau đó nâng dần lên thành các buổi đi bộ hoặc bài tập yoga, …
Tuy nhiên nếu mẹ bị lạnh bụng kéo dài, kèm theo sốt, ra máu, … thì cần đi khám điều trị nguyên nhân chứ không nên tự chẩn bệnh hay tự dùng thuốc mà nguy hiểm tới tính mạng.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!