Bệnh viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, có tỉ lệ tử vong cao, chiếm 10-15%, đặc biệt trong 7 ngày đầu. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Bệnh viêm não Nhật Bản đang vào cao điểm bùng phát, tỉ lệ mắc di chứng sau bệnh rất cao
- Dấu hiệu nhận biết viêm não Nhật Bản
- Cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản đang vào cao điểm bùng phát, tỉ lệ mắc di chứng sau bệnh rất cao
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 2 tháng qua, bệnh viện đã có 20 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đáng nói hơn, 70% trong số đó phải gánh chịu di chứng của bệnh về sau.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng đối tượng nguy cơ cao là trẻ em do hệ miễn dịch yếu. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong lên đến 25-30%, 50% người bệnh có di chứng tâm-thần kinh.
Bệnh diễn ra quanh năm nhưng hiện tại đang là mùa cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng trẻ em từ 2-8 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tấn công vào tổ chức não. Bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Virus sống trong các vật chủ trung gian là các loài gia súc như lợn, ngựa và chim.
Bệnh sẽ truyền từ các vật chủ này sang muỗi Culex khi muỗi đốt chúng, sau đó truyền virus viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi Culex thường hoạt động mạnh vào lúc chập tối, sống nhiều ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh này ở Việt Nam.
Một trong những đặc điểm khiến viêm não Nhật Bản trở thành căn bệnh nguy hiểm đó là tỉ lệ di chứng khi mắc bệnh khá cao. Nếu người bệnh bị co giật, thở máy thì dù cho có qua khỏ cũng có nguy cơ để lại các di chứng nặng nề. Người bệnh về sau có thể gặp các vấn đề liên quan đến vận động, suy nghĩ… phải tập phục hồi chức năng về sau, tốn thời gian và vất vả. Nặng hơn nữa là mất khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.
Đừng bỏ lỡ:
Dấu hiệu nhận biết viêm não Nhật Bản
Đến nay, bệnh viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu giải quyết các triệu chứng.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, giai đoạn ủ bệnh diễn ra từ 5-14 ngày, người bệnh sẽ không có triệu chứng gì.
- Vào giai đoạn khởi phát, bệnh khởi phát rất đột ngột với sốt cao, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân cũng có thể ứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng.
- Vào giai đoạn toàn phát, virus xâm nhập vào nhu mô não gây phá hủy các tế bào thần kinh, triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các dấu hiệu tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích, rối loạn ý thức, dần dần đi vào hôn mê sâu. Người bệnh thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu, những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
Bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm đài- bể thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần,… Không những vậy, những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.
Đừng bỏ lỡ:
Cách phòng ngừa bệnh
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, vì mức độ nghiêm trọng của bệnh và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc phòng bệnh dựa vào tiêm chủng vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất. Vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Đồng thời, giữ vệ sinh môi trường sống, tránh muỗi cắn cũng là một cách phòng chống bệnh.
TS Lâm nói về sai lầm khi tiêm vắc xin không đủ cho trẻ: “Các bà mẹ có con trên 2 tuổi bị mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ khi đủ 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm và chính nó đã khiến trẻ lớn tuổi mắc bệnh nhiều hơn. Cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ, cần tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi để duy trì lượng kháng thể bảo vệ trẻ hiệu quả”.
Lịch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản:
- Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng;
- Mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1;
- Mũi 3: 1 năm sau mũi 2.
- Tiêm nhắc lại 3 – 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
Bên cạnh việc cho trẻ tiêm vắc xin đúng và đủ liều theo quy định, hãy chú ý cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh để nâng cao thể trạng. Tránh muỗi đốt bằng cách giữ nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, nằm màn, diệt lăng quăng và xịt muỗi thường xuyên.
Nguồn thông tin: Hàng chục trẻ nhập viện do viêm não Nhật Bản, 70% bị di chứng nặng nề – Vietnamnet
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!