Bệnh viêm gan B là bệnh lý khá phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó có trẻ sơ sinh. Thông thường, nguyên nhân dẫn đến viêm gan B ở trẻ sơ sinh là do lây nhiễm từ người mẹ hoặc người bị mắc bệnh. Theo đó, do cơ địa còn yếu và hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên việc điều trị bệnh của trẻ gặp rất nhiều khó khăn.
Bệnh Viêm Gan B – Theo dõi trẻ khi có các dấu hiệu này!
Những dấu hiệu xuất hiện virus viêm gan B và diễn biến của bệnh cũng rất phức tạp nên nếu chủ quan sẽ rất khó điều trị, thậm chí dẫn đến mãn tính và có nguy cơ khiến trẻ bị xơ gan, ung thư gan. Không chỉ vậy, do trẻ còn quá nhỏ không thể diễn tả sự mệt mỏi bằng lời được nên bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bên ngoài để xác định tình trạng bệnh.
Vàng da, vàng mắt
Đây là hai dấu hiệu dễ nhận biết nhất bệnh viêm gan B ở trẻ bởi lúc này các chức năng lọc thải chất độc của gan đã bị suy giảm. Đồng thời, lượng billirubin trong gan quá cao sẽ tan trong máu và thể hiện ra bằng các sắc tố bên ngoài da. Theo đó, khi thấy trẻ xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt thì bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cũng như được điều trị kịp thời.
Sốt
Khi mắc viêm gan B, các kháng thể trong cơ thể trẻ sẽ hoạt động để chống lại virus. Từ đó, dẫn đến những cơn sốt nhẹ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì triệu chứng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, cũng không nên chủ quan với những cơn sốt của trẻ vì khi kéo dài nó có thể gây co giật, làm ảnh hưởng trầm trọng đến hệ thần kinh. Không chỉ vậy, sốt còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.
Trẻ sơ sinh thường xuyên quấy khóc
Một số biểu hiện khác của bệnh viêm gan B ở trẻ là thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lười bú,… làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự vận động của các cơ quan trong cơ thể. Vì thế mà trẻ thường xuyên quấy khóc, thậm chí cả đêm cũng không ngủ được vì khó chịu. Đây cũng là triệu chứng rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm vì nó có thể khiến sức khỏe của trẻ suy kiệt.
Rối loạn hệ tiêu hóa
Gan là cơ quan góp phần vào sự tiết mật và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nên khi bị viêm gan B, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, trẻ sẽ thường xuyên có cảm giác đau bụng kèm theo các hiện tượng như nôn ói, đi ngoài phân lỏng,… Theo đó, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hấp thụ các dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể khiến bé luôn mệt mỏi và yếu ớt.
Viêm gan B lây truyền qua 3 đường là máu, mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục không an toàn. Với việc truyền từ mẹ sang con cũng tùy theo thời điểm người mẹ bị mắc bệnh mà khả năng lây cho con cao hay thấp.
Mẹ mắc bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ truyền bệnh sang con là 1%, ở ba tháng giữa thai kỳ là 10% và ở những tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ này sẽ tăng lên 60-70%. Dù sinh thường hay sinh mổ, người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và điều trị cho mẹ góp phần rất quan trọng trong việc phòng bệnh cho con.
Khi người mẹ mang virus viêm gan B phải xem virus có phát triển hay không, bệnh đang ở giai đoạn nào. Người mẹ có HbsAg dương tính, thai tháng thứ 5 phải xét nghiệm AbsAg + và định lượng virus bao nhiêu (ADN HBV) có dương tính hay không.
Trường hợp dương tính ở thể hoạt động, mẹ cần uống thuốc bắt đầu thai tháng thứ 6 và kéo dài sau sinh 1 – 2 tháng. Con cần tiêm ngay sau sinh vaccine viêm gan B và kháng thể. Tỷ lệ lây truyền cho con sẽ rất thấp khi thực hiện các biện pháp này.
Các bà mẹ mắc viêm gan B vẫn có thể cho con bú bình thường. Trường hợp bị nứt đầu ti, chảy máu hay bị tổn thương vú nên tránh cho con bú trực tiếp vì trường hợp vú có tổn thương trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh. Khi đó, các mẹ nên vắt sữa ra bình cho con ti.
Bệnh viêm gan B có thuốc chữa không?
Bệnh viêm gan B không thể chữa khỏi nhưng có thuốc để khống chế siêu vi. Thuốc có thể giảm sự hủy hoại của gan và nguy cơ ung thư gan. Nó cũng giúp gan tự chữa lành. Bác sĩ sẽ báo cho bạn biết có cần uống thuốc hay không. Đó là lý do tại sao việc gặp bác sĩ đều đặn là điều quan trọng.
Nếu cần uống thuốc, bác sĩ sẽ giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa gan. Vị này sẽ giải thích loại thuốc nào có sẵn và loại nào tốt nhất. Bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa thường xuyên một khi bắt đầu dùng thuốc và điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn. Nếu gặp trở ngại trong việc uống thuốc, đừng ngưng thuốc; hãy nói chuyện với bác sĩ trước.
Nếu dùng các loại thuốc thiên nhiên như dược thảo hoặc cổ truyền, hãy nói cho bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa biết, vì có vài loại có thể ảnh hưởng đến gan của bạn hoặc khiến thuốc điều trị đang dùng mất tác dụng. Các bác sĩ có thể khuyên loại dược thảo hoặc thuốc cổ truyền nào nên tránh.
-Ele Luong-
Các bài viết liên quan:
Mùa cúm rồi lại dịch viêm đường hô hấp, để phòng tránh mẹ nhớ tăng cường sức đề kháng cho trẻ theo 7 cách cần thiết này
Viêm tiểu phế quản – Cha mẹ hết sức lưu ý khi giao mùa
Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!