Bệnh lõm xương ức ở trẻ em có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn sơ sinh hoặc khi trẻ đã lớn hơn. Dấu hiệu dễ nhận thấy là vết lõm ở lồng ngực. Bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện kịp thời.
Bệnh lõm xương ức ở trẻ em là bệnh gì?
Lõm ngực hay còn gọi là ngực phễu có tên tiếng anh là Pectus Excavatum (PE) là một căn bệnh gây biến dạng lồng ngực, gây ra những tác hại lên các bộ phận bên trong lồng ngực và các vấn đề về thẩm mỹ đối với trẻ ngay từ khi chào đời.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này: do xương ức bị đè ép trong quá trình hình thành bào thai, do dính chặt xương ức với cơ hoành, do bệnh loạn sản sụn, do rối loạn cấu tạo bào thai, …
Bệnh có 3 mức độ nặng nhẹ khác nhau như sau:
- Độ 1: “phễu” sâu không quá 2 cm
- Độ 2: “phễu” sâu hơn 2 cm
- Độ 3: “phễu” sâu hơn 4 cm
Đáng lưu ý là khi trẻ bị “phễu” độ 3 sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn thân nói chung và đặc biệt là chiều cao, rất chóng mệt mỏi, xanh xao, khó thở, tim đập nhanh.
Các dấu hiệu của bệnh cha mẹ cần chú ý
Đối với các trường hợp nhẹ bố mẹ có thể không thấy các dấu hiệu đáng ngờ nào nhưng nếu trường hợp nặng, thì lõm ngực sẽ đè lên phổi và tim.
Dấu hiệu bệnh dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra hoặc càng lớn vết lõm ở lồng ngực trông càng bất thường. Một số cha mẹ chủ quan nghĩ rằng con mình quá gầy nên chỉ phát hiện bệnh khi đã quá muộn.
Bác sĩ.CKII. Phan Văn Tiếp (nguyên trưởng khoa Chỉnh hình nhi) khuyên rằng:
Các bậc cha mẹ cần để ý đến con cái, khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng ngực nên đưa bé đến khám, hình ảnh lồi hoặc lõm bất thường ở vùng ngực cần được khám và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi để có những can thiệp kịp thời.
Bệnh lõm xương ức có thể gây ra biến chứng gì đối với trẻ?
Theo TS. BS. Nguyễn Công Hựu, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm tim mạch bệnh viện E, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại:
- Khung lồng ngực bị biến dạng sẽ tác động đến các tạng bên trong.
- Những trưởng hợp lõm nhẹ thường ít bị ảnh hưởng.
- Khi trẻ bị lõm ngực nặng, tình trạng chèn ép gây ảnh hưởng đến chức năng 2 cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể là tim mạch và hô hấp. Bệ
- Bệnh nhi lõm ngực bẩm sinh kém phát triển thể chất, trẻ khó có thể phát triển để có một cơ thể cường tráng.
- Các biểu hiện lâm sàng khác có thể gặp trong những trường hợp bị lõm nặng: trẻ nhanh mệt khi chơi các môn thể thao hay các hoạt động có tính chất gắng sức; hay mệt mỏi, hồi hộp.
- Bệnh còn ảnh hưởng về mặt tâm lý
Cách điều trị đối với bệnh lõm xương ức ở trẻ em
Lõm ngực có thể được phẫu thuật để điều trị, nhưng phẫu thuật thường dành cho những trẻ có dấu hiệu và triệu chứng từ trung bình đến nặng.
Những người có dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể được điều trị bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu và một số bài tập có thể cải thiện tư thế và tăng mức độ mà ngực có thể mở rộng.
Nếu trẻ có lõm ngực từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật với hai loại phẫu thuật phổ biến nhất là:
Phẫu thuật với đường rạch nhỏ
Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (minimally invasive surgery) với các vết mổ nhỏ được rạch ở mỗi bên ngực, dưới mỗi cánh tay. Các dụng cụ phẫu thuật và camera nhỏ được đưa vào cơ thể thông qua các vết mổ. Một thanh kim loại cong được luồn dưới đoạn xương ức bị lõm và dùng để nâng xương ức về vị trí bình thường.
Phẫu thuật với đường rạch lớn
Một vết mổ ở giữa ngực cho phép bác sĩ phẫu thuật xem trực tiếp xương ức. Sụn bị biến dạng gắn giữa xương sườn và xương ức sẽ bị loại bỏ, nhưng giữ lại màng sụn và cố định xương ức vào vị trí bình thường với sự hỗ trợ của thanh kim loại hoặc lưới hỗ trợ.
Phẫu thuật này còn được gọi là Phẫu thuật Ravitch, điểm hạn chế của phẫu thuật này để lại sẹo lớn và thẩm mỹ sau sửa không đẹp.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, để đạt được kết quả tốt nhất của phẫu thuật thì trẻ cần được phẫu thuật được thực hiện trước hoặc xung quanh tuổi dậy thì, hoặc sớm hơn tùy vào tình trạng bệnh của trẻ và sự ảnh hưởng của bệnh đối với trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!