Thực đơn cho bé ăn dặm gồm những gì? Bé ăn dặm đi ngoài như thế nào là bình thường? Liều lượng cho bé ăn ra sao để phân tốt? … Ăn dặm thực sự là một trong những thử thách của mẹ bỉm sữa có con từ 6 tháng tuổi trở lên.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Bé ăn dặm đi ngoài như thế nào là bình thường?
Hệ tiêu hoá của bé ăn dặm có gì đặc biệt?
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hoá rất non nớt, gần như chỉ hấp thu duy nhất sữa mẹ. Tuy nhiên, quá trình phát triển không ngừng của trẻ cần được bổ sung liên tục nhiều chất dinh dưỡng trong khi sữa mẹ càng vơi dần. Hành trình ăn dặm bắt đầu từ đây.
Trong thời gian đầu tập ăn dặm, nhiều mẹ sẽ không khỏi xót xa khi thấy con mình khó chịu sau khi ăn dặm. Hệ tiêu hoá của bé cần thời gian để tập thích nghi với những “món ăn” mới, những dưỡng chất mới.
Trong thời gian này, bé đi ngoài thường xuyên và bất thường hơn. Mẹ cần quan sát, theo dõi kỹ phân của bé để kiểm soát, điều chỉnh quá trình ăn dặm của con.
Bé ăn dặm đi ngoài như thế nào khi bắt đầu ăn dặm?
Giai đoạn này, bé sẽ có hiện tượng ra phân sống: ăn gì, đi ngoài ra nấy. Do chưa kịp “làm quen” với các chất đạm, tinh bột, … , hệ tiêu hóa chưa thể hấp thu hết, thậm chí không hấp thu được để chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể.
Hoặc do mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, ăn quá nhiều, hệ tiêu hoá bị bệnh, … gây tổn thương niêm mạc đường hô tiêu hoá dẫn đến tình trạng kém hấp thu.
Những thực phẩm trong quá trình ăn dặm sẽ ảnh hưởng lớn đến phân bé. Ví dụ: bé ăn cà rốt nghiền, phân bé có màu cam sáng, bé ăn nhiều đạm, nhiều sữa thì phân có mùi hôi tanh hơn.
Mẹ cũng có thể thấy trong phân bé có các thực phẩm giàu chất xơ (nho, đậu, ..) nguyên vẹn. Theo thời gian, bé lớn hơn, hệ tiêu hoá sẽ xử lý chất xơ tốt hơn.
Phân bé sẽ từ từ cứng hơn và thành khuôn, như dạng của người lớn. Khi làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau, bé đi ngoài ra phân đặc, sẫm màu và nặng mùi hơn.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Khi chuyển từ bú sữa hoàn toàn sang ăn dặm, thói quen đi ngoài của trẻ cũng sẽ thay đổi so với trước. Số lần đi ngoài sẽ giảm đi, khoảng 1 – 2 lần/ngày hoặc cũng có ngày không đi lần nào. Ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm, trẻ thường có hiện tượng phân sống, phân sẽ lợn cợn thức ăn. Độ rắn hay lỏng, màu sắc phân của bé khi ăn dặm cũng phụ thuộc vào đồ ăn hôm trước của trẻ. Không những vậy, phân trẻ cũng sẽ đặc hơn và bắt đầu nặng mùi hơn trước.
Các vấn đề đi ngoài bé thường gặp khi ăn dặm
Bé ăn dặm đi ngoài nhiều lần
Khi thuần bú mẹ, bé đi ngoài khoảng 5 – 7 lần một ngày. Phân thường có màu vàng, mùi hơi chua, dạng lỏng. Bắt đầu ăn dặm, bé sẽ đi ngoài nhiều lần.
Màu sắc phân có sự thay đổi, có mùi, đôi khi lẫn với thức ăn. Tuy nhiên, khi bé đi ngoài nhiều hơn 10 lần trong ngày, phân lỏng và tiêu chảy, đó là điều bất thường.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do mẹ cho bé ăn dặm quá sớm hoặc sai cách. Liều lượng và chế độ ăn không phù hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Lời khuyên: mẹ nên cân bằng các nhóm dinh dưỡng để cơ thể bé hấp thu đầy đủ dưỡng chất. Trong quá trình chế biến, mẹ cũng chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nữa nhé!
Nếu bé bị tiêu chảy trên 7 ngày, toé nước, bé có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột và tiêu chảy cấp. Lúc này, mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện. .
Bé ăn dặm đi ngoài ra phân có mùi chua
Chưa tiêu hoá hết lượng đường trong thức ăn sẽ khiến phân có mùi chua. Đường ruột bị mất cân bằng hệ vi sinh, rối loạn tiêu hoá cũng là nguyên nhân khiến phân có mùi chua.
Lời khuyên: Mẹ nên thay đổi thành phần và cách chế biến thức ăn. Không cho bé ăn quá nhiều tinh bột, cân bằng 4 nhóm: tinh bột, đạm, vitamin và chất xơ.
Nếu phân bé có mùi chua kết hợp tiêu chảy, sút cân, mẹ nên sử dụng men vi sinh, kẽm hoặc đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra.
Bé ăn dặm bị táo bón
Ngược với tình trạng tiêu chảy, nhiều bé lại bị táo bón. Bác sĩ Nam cho biết trường hợp trẻ ăn dặm nhưng đi ngoài không đều đặn hàng ngày, 2-3 ngày mới đi một lần, trẻ phải rặn nhiều thì có thể trẻ đang bị táo bón. Đây là hiện tượng bình thường và dễ gặp ở giai đoạn này do hệ tiêu hóa trẻ chưa thích nghi, hoặc nguyên nhân cũng có thể do chế độ ăn quá nhiều, các thực phẩm khó tiêu và thiếu chất xơ.
Mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú thêm sữa mẹ, bổ sung thêm rau xanh, vào thực đơn mỗi bữa của trẻ. Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn sữa chua và sử dụng men tiêu hóa nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong thời kì ăn dặm.Bé không đi ngoài 2-3 ngày, kèm theo mất nước, mệt mỏi. Nguyên nhân là do mẹ cho ăn liều lượng nhiều hoặc thực phẩm khó tiêu khiến bé bị đầy bụng.
Bé đi ngoài phân đổi màu khi ăn dặm
Bình thường, phân bé có màu nâu hoặc vàng. Nhưng đôi khi phân bé sẽ có màu xanh, trắng hoặc đen. Màu phân bé khác lạ phụ thuộc khá nhiều vào chế độ dinh dưỡng.
Ăn thực phẩm nhiều chất sắt, bé sẽ đi ngoài ra phân xanh hoặc đen. Nếu phân xanh lẫn chất nhầy dù mẹ không bổ sung chất sắt, bé có thể bị rối loạn tiêu hoá hoặc sổ mũi. Hoặc phân bé có màu trắng nhạt, bé đang có dấu hiệu bị bệnh gan.
Mẹ nên theo dõi bé sát sao quá trình bé ăn dặm đi ngoài như thế nào. Nếu có vấn đề khác thường, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kịp thời điều trị nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!