Bé 6 tháng ăn được những gì là thắc mắc của nhiều bà mẹ. Khi bé 6 tháng tuổi đã sẵn sàng cho việc ăn dặm, các loại thực phẩm bé có thể ăn được bao gồm sữa, trái cây, các loại thịt và rau củ,… Tuy nhiên không phải thực phẩm nào bé cũng có thể hấp thu và tiêu hóa tốt. Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn loại thực phẩm nào mẹ nên và chưa nên cho bé ăn 6 tháng ăn dặm.
Bé 6 tháng ăn được những gì?
Thực phẩm rất đa dạng và phong phú. Chính vì thế nhiều mẹ thường lúng túng trong việc chọn thức ăn khi bắt đầu cho bé ăn dặm. Bởi trẻ dưới 1 tuổi có hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện nên cần thời gian để làm quen với các loại thực phẩm. Dưới đây là các loại thực phẩm phù hợp cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm, mẹ có thể tham khảo.
1. Bột ăn dặm
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn bột ngọt pha loãng với nước. Thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hoá của trẻ thích nghi với việc tiêu hoá thức ăn. Sau khi trẻ quen dần, mẹ có thể chuyển qua bột mặn cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn cho bé. Tuy nhiên bột mặn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên có thể khiến khó tiêu hoá đối với trẻ 6 tháng tuổi. Vì thế mẹ nên cẩn trọng khi cho trẻ dùng bột mặn trong giai đoạn này. Nếu nghiêm trọng có thể khiến bé bị chướng bụng hoặc viêm đường ruột.
Trong đó, các loại bột bé có thể ăn được gồm: bột gạo lứt, bột gạo, ngũ cốc hoặc bột ăn dặm đóng gói sẵn bán ngoài thị trường. Để đảm bảo dinh dưỡng cho bé, mẹ có thể chế biến thêm các loại bột tại nhà để nấu cho bé ăn là tốt nhất.
Cho bé ăn bột ăn dặm sẽ giúp hệ tiêu hoá thích nghi với thực phẩm
2. Yến mạch
Yến mạch là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và dễ ăn. Đặc biệt yến mạch giúp bé 6 tháng tuổi phát triển trí não và tốt cho hệ tiêu hoá. Các mẹ nên cho bé ăn yến mạch vào buổi sáng vì đó là thời điểm bé hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.
Với trẻ mới ăn dặm, mẹ nên chọn yến mạch cán dẹp sẽ giúp bé dễ ăn và bổ dưỡng hơn. Cách chế biến yến mạch cho bé cũng đơn giản, mẹ có thể nấu cháo rồi nghiền nhuyễn cho bé ăn.
Yến mạch thơm ngon rất được các bé yêu thích
3. Đậu và ngũ cốc
Từ xưa đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng là thực phẩm được dân gian sử dụng cho trẻ tập ăn. Đậu chính là thực phẩm lành tính, chứa nhiều protein rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Chỉ cần mẹ hấp chín đậu sau đó nghiền nhuyễn mịn là có ngay bữa ăn bổ dưỡng cho bé. Lưu ý, mẹ nên dùng đậu đã được xát vỏ sẽ tốt hơn cho dạ dày của bé.
4. Các loại thịt và cá
Bé 6 tháng cần một lượng sắt để hỗ trợ cho quá trình phát triển toàn diện. Vì thế bên cạnh cho bé bú sữa mẹ nên bổ sung thêm các loại thịt để cung cấp dưỡng chất cho bé. Trong đó các loại thịt bé có thể ăn được ở giai đoạn này bao gồm: thịt nạc heo, thịt ức gà, thịt nạc bò, thịt cá trắng,…
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không nên cho bé 6 tháng tuổi ăn quá nhiều thịt. Bởi hàm lượng đạm cao trong thịt có thể ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá non nớt của trẻ. Ngoài ra, mỗi ngày chỉ nên cho bé ăn lượng thịt dưới 10gr, khoảng 1 – 2 thìa cà phê. Thịt cũng cần được sơ chế sạch sẽ và nấu nhuyễn mịn để bé dễ tiêu hoá.
Một số loại thịt cho bé ăn dặm
5. Rau củ quả và trái cây
Các loại rau củ quả như cà rốt, khoai lang, bí đỏ, rau xanh,… giúp cung cấp lượng chất xơ dồi dào cho bé. Trong đó khoai lang nghiền nhuyễn luôn là món ăn dặm được nhiều mẹ chọn. Bởi vị ngọt tự nhiên cùng màu sắc bắt mắt giúp bé ăn ngon và tiêu hoá tốt.
Bé 6 tháng tuổi có thể ăn các loại trái cây mềm như chuối, bơ, đu đủ,… Tuy nhiên mẹ nên xay nhuyễn hoặc nghiền mịn cho bé ăn bởi bé không thể tự nhai được. Ngoài ra, mẹ có thể trộn trái cây xay nhuyễn với bột ăn dặm cho bé ăn để bổ sung vitamin và chất khoáng cho bé.
Trái cây và rau củ quả là thực phẩm không thể thiếu cho bé 6 tháng tuổi
Những thực phẩm không nên cho bé 6 tháng tuổi ăn
Bên cạnh những thực phẩm bé 6 tháng tuổi dùng được, mẹ cũng cần lưu ý thực phẩm mẹ chưa nên cho bé ăn ở giai đoạn này. Việc này sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ và hệ tiêu hoá của bé thật tốt.
- Lòng trắng trứng gà: Trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể bé. Nhưng một số bé mới 6 tháng có thể bị dị ứng với lòng trắng trứng. Vì vậy, mẹ cần cẩn thận khi cho bé ăn trứng. Nếu phát hiện con bị dị ứng, thì ngưng cho bé ăn lòng trắng trứng ngay. Sau đó đợi đến 8-10 tháng mới nên cho bé thử lại hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ.
- Cẩn thận với một số loại đậu: Đậu là thực phẩm giàu đạm thực vật. Tuy nhiên không phải bé nào cũng có khả năng thích ứng với các loại đậu. Do đó, khi cho bé ăn đậu mẹ nên quan sát xem bé có biểu hiện dị ứng với loại đậu nào hay không. Nếu bị dị ứng thì loại bỏ loại đậu đó ra khỏi thực đơn ăn dặm và đợi khi bé lớn hơn hãy thử lại.
- Không nêm gia vị mắm, muối khi chế biến: Lượng gia vị tự nhiên có trong thực phẩm như rau củ, thịt đã đủ cho nhu cầu của bé. Vì vậy, mẹ không cần nêm thêm gia vị đường hay mắm muối vào thức ăn của bé. Điều này sẽ giúp bé làm quen với vị tự nhiên của thực phẩm dễ hơn và tốt cho hệ tiêu hoá.
Một số lưu ý khi cho bé 6 tháng ăn dặm
Mẹ nên kết hợp nhiều loại thức ăn với nhau và thay đổi món ăn thường xuyên. Điều này giúp bé thích nghi với việc ăn dặm và hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng. Quan trọng nhất là mẹ cần chú ý vệ sinh sạch các thực phẩm khi chế biến. Tránh cho bé ăn thực phẩm không vệ sinh gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá của con.
Bên cạnh đó, khi cho bé tập ăn mẹ nên cho bé ăn từ từ từng chút một. Không nên cho bé ăn quá nhiều hoặc lạm dụng một loại thực phẩm liên tục. Chỉ cần cho bé ăn dặm 2 bữa/ ngày là đã đủ cho một ngày của bé. Ngoài ra mẹ nên kết hợp ăn dặm với việc cho bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Cũng như thường xuyên kiểm tra khả năng tiêu hóa của bé khi cho bé ăn thức ăn mới.
Nên cho bé ăn chậm, đút từ từ từng chút một
Kết luận
Trong những năm tháng đầu đời của bé, việc nuôi dạy trẻ là điều vất vả đối với ba mẹ. Mong rằng, những thông tin trên đây đã giúp mẹ giải đáp vấn đề bé 6 tháng tuổi ăn được những gì. Chúc các mẹ thành công, nuôi con khỏe – chăm con ngoan nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!