Các mẹ mang thai lần đầu thường lo lắng bầu mấy tháng thì nghén vì e dè các triệu chứng ốm nghén khó chịu. Ốm nghén là triệu chứng phổ biến trong thời gian mang thai, cũng là dấu hiệu mang thai sớm. Tuỳ thuộc vào cơ địa, sức khoẻ mẹ bầu và giới tính thai nhi mà biểu hiện của việc ốm nghén và thời gian xuất hiện ốm nghén của từng mẹ cũng khác nhau.
Ốm nghén có biểu hiện gì?
Buồn nôn, nôn khan thường gặp ở mẹ bầu
Theo nhiều nghiên cứu, cứ 10 mẹ có bầu thì 8 mẹ sẽ có các biểu hiện của việc ốm nghén. Ốm nghén hay nghén là thuật ngữ chỉ tình trạng bà bầu cảm thấy khó chịu, đầy hơi ở bụng. Trong một số thời điểm của thai kỳ, mẹ bầu thường có cảm giác buồn nôn và nôn, dị ứng với mùi đồ ăn và một số mùi lạ. Cảm giác nghén thường này xuất hiện nhiều lần trong một ngày.
Bầu mấy tháng thì nghén?
Đa số bà bầu xuất hiện các triệu chứng nghén rõ rệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Khi mới thụ tinh và hình thành phôi thai, hormone gonadotropin, hormone thai kỳ được phóng thích ồ ạt từ nhau thai. Các nghiên cứu cho rằng việc gia tăng hormone này gây ra buồn nôn, nôn khan.
Những cơn buồn nôn có thể bắt đầu sớm nhất vào khoảng tháng thứ 1 đến tháng thứ 2 của thai kỳ, phổ biến đối với nhiều phụ nữ có cơ địa nhạy cảm, sức khoẻ yếu hay mang thai lần đầu. Việc thần kinh nhạy cảm hoặc sức khoẻ yếu có thể gây ra phản xạ mạnh với những thay đổi bên trong cơ thể như có thêm một “mầm sống” trong bụng. Khứu giác và vị giác của mẹ khi mang thai cũng thay đổi khiến mẹ dị ứng, sợ các mùi đồ ăn, mùi lạ.
Tuy nhiên, mẹ bầu 2 tháng trở lên, hoặc bầu 3 tháng mới nghén cũng không quá hiếm. Việc ốm nghén trễ có thể diễn ra sau khi phôi thai đả ổn định trong tử cung. Tuỳ theo nhiều yếu tố mà quá trình diễn ra này nhanh hay muộn.
Số ít mẹ đến gần sinh vẫn còn nghén
Ốm nghén khi nào hết?
Biểu hiện nghén có thể khiến nhiều mẹ e dè và sợ hãi khi bước vào thai kỳ, nhưng tin vui cho các mẹ bầu là thông thường ốm nghén không kéo dài quá lâu. Đối với hầu hết phụ nữ, tình trạng này sẽ biến mất ở khoảng tháng thứ 3 sau khi mang bầu. Một số ít sản phụ do thể trạng sức khoẻ hoặc vấn đề tiêu hoá, ăn uống có thể bị ốm nghén nặng kéo dài vài tháng. Tuy vậy vẫn có vài trường hợp bầu nghén kéo dài suốt thai kỳ cho đến khi sinh.
Bầu ốm nghén có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, nếu mẹ bầu có các biểu hiện ốm nghén nhẹ thì cùng đừng quá lo lắng. Tình trạng buồn nôn và nôn khi mang thai thường không gây hại cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Một số ý kiến còn cho rằng mẹ ốm nghén chứng tỏ trẻ sinh ra thông minh.
Tuy nhiên, nếu có biểu hiện nghén nặng hơn như nôn ói kéo dài thường xuyên, mệt mỏi, chán ăn, sức khoẻ sa sút, mẹ bầu cần phải tìm cách khắc phục. Bởi việc nôn ói lười ăn tuy không tác động trực tiếp vào thai nhi nhưng có thể gây mất nước, rối loạn điện giải. Mất nước quá mức có thể dẫn đến rối loạn ở tuyến giáp, gan và nước ối. Mệt mỏi, không ăn uống được có thể làm mẹ bầu bị suy nhược, chứng nghén càng nặng hơn, thai nhi thiếu dinh dưỡng, nhẹ cân.
Mẹ bầu cần được ăn đủ dinh dưỡng
Mẹ bầu nên làm gì khi ốm nghén?
Một số biện pháp tự nhiên mẹ bầu có thể áp dụng nếu cảm thấy không thoải mái khi bị nghén:
Ăn món mứt chua và ô mai
Các món mứt chua và ô mai có hương vị mạnh, tác động đến gai vị giác làm giảm cảm giác tanh hay nhạt miệng, hạn chế buồn nôn. Mẹ bầu có thể nhâm nhi các món ô mai ít đường như món ăn vặt kích thích vị giác, khiến mẹ thèm ăn hơn. Một số trái cây chua làm nước ép cũng có thể giúp bổ sung vitamin C và ngăn việc nôn khan. Tuy nhiên chú ý không ăn, uống chua nếu mẹ có tiền sử bệnh dạ dày, bụng đói hoặc thường xuyên ợ nóng.
Uống trà gừng mật ong, trà thảo mộc
Trà gừng mật ong với chanh có thể giúp tiêu hoá tốt
Việc bổ sung nước là cực kỳ cần thiết khi bị nghén. Nếu mẹ bầu không uống nổi nước lọc nhiều, có thể đổi vị bằng nước trà thảo mộc, trà gừng mật ong, vừa thơm ngon vừa tốt cho hệ tiêu hoá. Trà gừng mật ong làm ấm bụng, giảm nôn ói và mật ong còn bổ sung chất dinh dưỡng cho mẹ bầu.
Ăn bữa nhỏ, nhiều bữa
Việc ăn quá no cũng có thể khiến mẹ bầu dễ nghén hơn. Dù mệt mỏi cách mấy cũng không nên nhịn ăn. Hãy giảm nỗi ám ảnh với đồ ăn bằng cách ăn ít từng chút một, ăn nhiều bữa nhỏ để vừa đủ dinh dưỡng vừa giúp tiêu hoá tốt hơn.
Thực phẩm dễ ăn, phong phú
Tuy ăn bữa nhỏ, mẹ bầu cũng nên có chế độ ăn đa dạng nhóm thực phẩm cần thiết như đạm thịt, cá, đậu, rau xanh. Nếu dị ứng mùi vị của món nào có thể tìm thực phẩm thay thế có cùng độ dinh dưỡng. Như nếu sợ mùi tanh của cá có thể ăn tôm, sò kèm trái bơ, các loại hạt, đậu để cung cấp đủ chất béo tốt và đạm cho cơ thể.
Vận động nhẹ nhàng
Có thể mẹ bầu kiệt sức sau khi nôn ói liên tục, cũng không nên nằm hay ngồi quá lâu. Đứng lên đi dạo hay tập yoga có thể giúp máu huyết lưu thông, trao đổi chất tốt hơn và hệ tiêu hoá ổn định hơn.
Sử dụng thuốc trị ốm nghén
Nếu nghén quá nặng và không có biện pháp khắc phục, mẹ bầu có thể đến thăm khám ở cơ sở y tế uy tín để được kê đơn thuốc trị ốm nghén. Tuy nhiên nên có sự hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ kỹ lưỡng, không lạm dụng hay sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Với việc biết rõ bầu mấy tháng thì nghén, khi nào hết và cách hạn chế, các mẹ bầu sẽ sẵn sàng đón nhận thai kỳ mà không cần phải sợ hãi, ảnh hưởng đến thai nhi.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!