Quá trình mang thai đòi hỏi mẹ bầu có một chế độ ăn uống giàu dưỡng chất và vẫn cân bằng. Hẳn là chị em nhận được rất nhiều lời khuyên nên ăn những loại thực phẩm nào, rau gì, hoa quả gì trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, mẹ có biết bầu không nên ăn rau gì không? Những loại rau bà bầu không được ăn là những loại nào? Thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho mẹ, đặc biệt là trong 3 tháng mới mang bầu – giai đoạn nhạy cảm nhất!
Bà bầu không nên ăn rau gì trong quá trình mang thai?
Phụ nữ có thai không nên ăn rau gì để ảnh hưởng đến quá trình mang thai? Chị em hãy “điểm mặt” những loại rau sau đây để tránh ăn, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé trong 9 tháng 10 ngày quan trọng. Bạn hãy đặc biệt chú ý tránh những loại rau này khi đang trong tam cá nguyệt thứ nhất, vì 3 tháng này là giai đoạn mẹ dễ sảy thai nhất.
Rau ngót chứa papaverin không tốt cho việc mang thai
Món canh rau ngót nấu với thịt băm thật hấp dẫn, đặc biệt là vào mùa hè khi ăn kèm với cơm và ít cà muối phải không các mẹ? Rau ngót chứa nhiều vitamin C, chất xơ cùng nhiều axit amin khác, thế nhưng nó lại chứa một chất gọi là papaverin – chất này không hề có lợi cho các mẹ mang thai.
Dược thư Việt Nam 2002 khuyến cáo: “Không dùng papaverin cho người có thai”. Rau ngót chứa thành phần papaverin, do đó những phụ nữ mang thai có tiền sử đẻ non, sảy thai, thụ tinh trong ống nghiệm tốt nhất nên hạn chế ăn rau ngót ở mức tối đa. Những người có sức khoẻ bình thường khi bầu vẫn có thể ăn rau ngót nhưng không nên vượt quá 30 gam/ngày.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau sinh, hoặc sau sảy thai, nạo phá thai, thường uống nước rau ngót tươi để chữa sót nhau. Do đó, nếu mẹ mang thai bầu 3 tháng cuối hay bầu tháng thứ 9 ăn rau ngót quá số lượng cho phép vẫn có nguy cơ thai bị dị tật, thai lưu.
Rau ngải cứu vì nếu ăn nhiều có thể gây sảy thai
Ngải cứu là món rau quen thuộc với nhiều người, đặc biệt hấp dẫn trong những món như: trứng rán ngải cứu, lẩu gà ăn kèm ngải cứu, canh ngải cứu nấu với thịt băm… Nhưng việc ăn nhiều ngải cứu đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ thực sự là không nên. Theo lương y Nguyễn Minh Phúc, Chủ tịch Hội đông y Vũng Tàu, trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ, nếu bà bầu ăn nhiều ngải cứu sẽ dẫn đến ra máu nhiều, co tử cung và sảy thai.
Lượng rau ngải cứu nếu mẹ có sức khoẻ bình thường nên ăn chỉ nên rơi vào khoảng 3-5 ngọn mỗi lần, và mỗi tuần ăn không quá 3 lần.
Những mẹ có tiền sử sảy thai và sinh non không nên ăn nhiều ngải cứu trong tam cá nguyệt đầu tiên. Ai mắc bệnh viêm gan thì tuyệt đối tránh vì có thể trúng độc từ tinh dầu trong ngải cứu. Chị em nào mắc chứng rối loạn đường ruột cấp tính cũng nên tránh xa loại rau này.
Bầu không nên ăn rau gì? – Rau sam gây kích thích mạnh đến tử cung
Là loại cây có tính hàn cao, rau sam thường được sử dụng làm các món canh thanh nhiệt, giải độc, trừ giun. Tuy nhiên, với mẹ bầu thì rau sam lại là gây kích thích tử cung, khiến tử cung co bóp mạnh dễ dẫn đến sảy thai. Chị em cần cẩn trọng khi ăn loại rau này lúc mang bầu.
Rau chùm ngây chứa alpha-sitosterol làm co trơn tử cung
Đối với người bình thường, ăn rau chùm ngây rất tốt vì chúng chứa tới hơn 90 loại dưỡng chất. Chỉ riêng phần lá và hoa của chùm ngây đã chứa hàm lượng vitamin C cao gấp 7 lần một quả cam, lượng canxi cao cao gấp 4 lần và protein gấp đôi so với sữa. Rau chùm ngây cũng cung cấp hàm lượng vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và lượng kali gấp 3 lần so với chuối. Bên cạnh đó, rau chùm ngây còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, kháng sinh, chống viêm nhiễm… có khả năng ngăn ngừa khối u, giúp đào thải độc tố, bảo vệ gan và đặc biệt là khả năng chống lại căn bệnh tiểu đường.
Tuy vậy, chất alpha-sitosterol chứa trong rau chùm ngây (có cấu trúc tương tự estrogen với chức năng ngăn ngừa mang thai) có tác dụng khiến tử cung co trơn. Từ đó, nếu sử dụng một lượng nhỏ rau chùm ngây, bạn vẫn sẽ có nguy cơ sảy thai rất cao. Bà bầu hãy tuyệt đối tránh ăn loại rau này khi mang thai!
Bầu không nên ăn rau răm
Đây quả là tin không vui đối với những mẹ bầu yêu thích món rau gia vị này. Đối với người Việt chúng ta, rau răm thường được dùng kèm trong các món ăn để làm tăng thêm mùi vị, giúp món ăn trở nên ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, rau răm còn có tác dụng làm ấm bụng, tiêu thực và tán hàn. Những món có rau răm thường thấy là: trứng vịt lộn ăn kèm rau răm, gỏi thịt gà trộn rau răm, miến lươn kèm hành và rau răm…
Mặc dù món rau gia vị này hấp dẫn là thế, nhưng việc ăn nhiều rau răm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến việc thiếu máu ở thai phụ. Ngoài ra, rau răm còn chứa chất gây ra tình trạng co bóp tử cung, dễ dẫn đến sảy thai ở bà bầu. Vì vậy, hãy cố gắng tránh việc ăn rau răm hết mức có thể khi đang trong tam cá nguyệt đầu tiên mẹ nhé.
Lời kết
Qua bài viết này mẹ đã nắm được 1 số loại rau cần tránh ăn khi mang bầu rồi. Hãy cố gắng hạn chế tối đa việc ăn những loại rau kể trên hoặc ăn với lượng vừa phải theo khuyến cáo để quá trình mang thai của mẹ được diễn ra an toàn. Mẹ cùng theo dõi thêm các bài viết khác trên trang của theAsianparent Vietnam để biết thêm những loại thực phẩm khác (thịt, hoa quả, đồ uống…) cần tránh nhé!
Xem thêm:
- Bà bầu nên tránh ăn gì trong 3 tháng đầu và cách để hạn chế ốm nghén
- Mẹ bầu ăn rau củ muối chua có gây ảnh hưởng đến thai nhi không?
- Những món rau siêu bổ cho bà bầu và thai nhi!
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!