Đôi khi bố mẹ không thể ngờ được rằng, chính các cư xử của mình đã làm trẻ hư từ lúc nào không hay.
Bác sĩ tâm lý Nhật Bản, Koh Shichida, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành tâm lý gia đình và đã tư vấn cho hàng nghìn ông bố bà mẹ về cách nuôi dạy con đã đúc kết lại rằng:
“Không có một công thức chuẩn nào cho việc nuôi dạy con cái. Nếu bố mẹ thực sự dùng tình yêu thương để dạy dỗ con, trẻ sẽ đáp lại một cách tích cực và có trách nhiệm với chính bản thân mình. Con cái chính là một phần của bố mẹ bởi mọi hành vi và cách cư xử của trẻ như tấm gương phản chiếu người lớn chúng ta”.
Các nhà tâm lý cũng liệt kê về 8 thói quen rất phổ biến mà đôi khi bố mẹ cứ nghĩ là bình thường, nhỏ nhặt nhưng lại vô tình làm trẻ hư hỏng.
1. Chuyên gia “bán than” trước mặt con
Hôm nay mình làm việc chẳng ra gì, sao mình mặc cái áo này trông béo quá, cô bạn thân hôm đi họp lớp trông trẻ trung hơn mình bao nhiêu, … Đã bao giờ bạn để ý, những khi tan làm, trong bữa cơm hay ngồi nói chuyện với chồng con, những câu than phiền về chính bản thân mình, đồng nghiệp hay người khác cứ luôn kéo dài bất tận?
Đây chính là tiềm ẩn để các con cũng thích “xoi mói”, tự ti về mình trong tương lai nhiều hơn. Một khi con không hài lòng với bản thân hay công việc mình đã bỏ bao công sức ra làm thì trẻ thường ít khi nhận thấy giá trị của mình trong xã hội.
Thế nên thay vì những lời chỉ trích, bố mẹ có thể thay bằng những câu chuyện, biểu hiện cảm xúc vui vẻ trong những tình huống tích cực. Một bữa ăn ngon, buổi tập thể dục đầy năng lượng, công việc đã hoàn thành đúng thời hạn, …. Những điều rất đơn giản nhưng lại giúp trẻ luôn có suy nghĩ tích cực về cuộc sống cũng như bản thân. Đó chính là nền tảng đầu tiên cho những thành công sau này trong việc học hành và công việc của con.
2. Giải quyết cảm xúc bằng ăn uống
Trẻ hư vì học từ chính bố mẹ
Ăn để dễ chịu, cho bớt căng thẳng, buồn chán, thất vọng. Bố mẹ đang ngầm gửi đến con thông điệp không lành mạnh về cách xử lý vấn đề.
Vì vậy, bố mẹ hãy thử thay đổi bằng cách cho trẻ thấy cách giải quyết xì trét hiệu quả bằng các cách khác như trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc, đi dạo thư giãn, … Những điều này sẽ cho trẻ thấy cách đương đầu với khó khăn một cách tích cực mà không cần rao giảng quá nhiều.
3. Lúc nào cũng dán chặt vào màn hình
Bố mẹ có đang say sưa với điện thoại, máy tính, email hay buôn bán với bạn bè mà quên mất mình đang dành thời gian bên con. Đừng trách trẻ mê chơi game hay máy tính mà bố mẹ thì chưa xem xét lại bản thân mình.
Một quy tắc cần được đặt ra trong gia đình về việc này. Thời gian nào mọi người được phép sử dụng các thiết bị điện tử và thời gian nào cả nhà cần trọn vẹn nâng niu, trò chuyện và trao đổi với nhau. Đây cũng là cách để thắt chặt tình cảm giữa bố mẹ và con cái, nhất là khi trẻ đến tuổi đi học và bắt đầu có thế giới của riêng mình.
4. Quan tâm quá nhiều về vấn đề vật chất
Trẻ hư vì học từ chính bố mẹ
Tập trung khen ngợi trẻ quá nhiều về những bộ quần áo con mặc, kiểu tóc của con, … dễ khiến trẻ ngầm hiểu rằng giá trị của con được thể hiện qua những thứ đó.
Đẹp không phải là tội nhưng mọi thứ nên ở mức vừa. Bố mẹ đừng quên khen ngợi những khi con biết giúp làm việc nhà hay đơn giản như chia sẻ đồ chơi với bạn.
Sẽ không có gì tốt hơn khi những em bé xinh xắn dễ thương lại có tinh thần trách nhiệm, chăm chỉ và biết nghĩ đến người khác.
5. Làm một ly để thấy khá hơn
Trở về nhà sau một ngày vất vả, việc đầu tiên mà con thấy bố (thường hơn mẹ) làm một ly để tinh thần phấn chấn hơn.
Trẻ học rất nhanh. Con sẽ thẩm thấu thói quen này từ bố mẹ và hiểu rằng những đồ uống có cồn đó là cách giải trí phù hợp mà ai cũng nên có.
Nếu không muốn gặp cảnh con nhậu nhẹt với bạn ngay từ khi cấp 2, 3 thì tốt nhất là bố mẹ cần thận trọng với hành vi này của mình.
6. Con nhà người ta luôn là nhất
Trẻ hư vì học từ chính bố mẹ
So sánh là cách tốt nhất để giết chết thiện cảm của trẻ với một đứa trẻ khác.
Xin đừng để con phải nghe thấy những lời kiểu như “Thằng A nó giỏi thật. Còn Tít nhà mình giờ vẫn chưa viết chữ nào cho nên hồn”.
Đó là cách khủng khiếp nhất để bảo rằng con quá ngu dốt, yếu kém và bố mẹ không cảm thấy tự hào khi có một đứa con như này.
Vậy nên xin bố mẹ hãy thận trọng trước khi thốt ra bất kỳ lời so sánh nào để không rạch vết thương lòng cho trẻ tới tận sau này.
7. Đá thúng, đụng nia với nhau trước mặt con
Trẻ hư vì học cách bạo lực từ bố mẹ
Với hành vi này, trẻ sẽ học từ bố mẹ cách giải quyết vấn đề bằng giận dữ và bạo lực. Dần dần, vào giai đoạn trưởng thành, con sẽ dễ trở nên cáu kỉnh, thích động chân động tay hay trút tức giận lên người khác.
Kiểm soát cảm xúc không phải là điều dễ dàng ngay cả với người lớn chúng ta. Hãy cứ thẳng thắn thừa nhận điều đó với con và cho con thấy bố mẹ nỗ lực như thế nào để biến một cuộc cãi vã thành một cuộc tranh luận tích cực.
8. “Buôn dưa lê, bán dưa táo” về thiên hạ
Lúc nào bố mẹ cũng thì thầm chuyện thiên hạ, lớn tiếng bình luận và chỉ trích người khác trước mặt con. Không còn gì nhanh hơn cách này để dạy con rằng “xã hội này toàn người chẳng ra gì”.
Đây là hành vi phổ biến nhất mà nhiều bố mẹ vô ý để diễn ra trước mặt con. Vậy nên, xin hãy dừng lại vài giây trước khi cất lời trước mặt con.
Cách thay đổi trẻ nhanh nhất chính là bố mẹ nên thay đổi từ bản thân mình trước. Các cụ xưa có câu “Sinh con rồi mới sinh cha” cũng là có ý như vậy. Nhờ con cái mà bố mẹ mới hoàn thiện mình hơn bởi trẻ chính là tấm gương phản chiếu chính xác và vô giá nhất trong cuộc đời bố mẹ.
Theo The Asianparent
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!