Ly hôn là dấu chấm hết của một cuộc hôn nhân, nhưng sai lầm sau ly hôn có thể vẫn kéo dài nhiều năm nữa. Hãy xem bạn có đang phạm phải những điều không tốt nào dưới đây hay không.
1. Coi chồng cũ là kẻ thù
Hầu hết phụ nữ thường cực chẳng đã mới ly hôn, nên họ dễ nhìn chồng cũ của mình bằng cái nhìn hận thù và cho rằng chính anh ta đã làm cuộc đời họ thành dang dở, bất hạnh…
Thực tế là dù có hận thù người ấy nhiều như thế nào đi chăng nữa thì chuyện cũng sẽ qua và hơn hết đó vẫn mãi là bố của con bạn.
2. Bôi xấu hình ảnh bố/mẹ với con cái
Xuất phát từ lòng căm hận, rất nhiều ông bố, bà mẹ biến con cái thành nạn nhân khi cố bôi xấu hình ảnh chồng/vợ cũ bằng những lời chửi rủa, chì chiết thậm tệ. Thậm chí, vì hận chồng cũ/vợ cũ mà nhiều người đã lôi con ra đánh cho hả giận.
Là người ở giữa và vô can trước sự đỗ vỡ của bố mẹ, đứa con sẽ là người đau khổ nhất khi thấy bố mẹ không ngừng gấu ó nhau. Ngay việc phải chọn ở với mẹ hay bố đã là một bi kịch quá lớn với lũ trẻ. Bạn đâu cần phải “xát muối” lên tuổi thơ của chúng nữa!
3. Sai lầm sau ly hôn là biến con thành người trung gian
Kể cả khi bạn không muốn giao tiếp với chồng/vợ cũ, cũng đừng lấy đứa con ra làm người đưa tin. Hãy cố gắng tự mình nói chuyện với đối phương, thay vì yêu cầu con chuyển lời. Trên thực tế, việc biến con thành trung gian khiến đứa trẻ stress vì không thể truyền tải đúng những lời nói, suy nghĩ của bố tới mẹ, và ngược lại. Đứa trẻ vốn đã bị căng thẳng bởi sự việc xảy ra, và bạn không cần phải làm trầm trọng hơn mọi thứ bằng cách khiến con cảm thấy như thể đang ở giữa hai làn đạn, và buộc phải đóng vai người đàm phán.
4. Bạn cấm con liên lạc với bố/mẹ đẻ của chúng
Đừng cấm con tương tác với bố/mẹ đẻ của mình, dù bạn có căm ghét đối phương và muốn làm tổn thương họ bằng cách ngăn cấm không cho họ gặp con, không cho họ đến dự các sự kiện quan trọng của con như sinh nhật, lễ tốt nghiệp… Đừng quên rằng không phải bạn hay đối phương, mà đứa trẻ chịu tổn thương nhiều nhất, vì chúng cần cả bố lẫn mẹ, việc thiếu ai cũng khiến bé mất mát. Tốt nhất là không nên có sự can thiệp vào mối quan hệ giữa trẻ và bố (mẹ) đẻ.
5. Sau ly hôn, đừng biến đàn ông/đàn bà thành kẻ thù
Sau nỗi đau ly hôn, nhiều người thường có cái nhìn sai lệnh về người khác phái. Phụ nữ thì cho rằng đàn ông trên thế gian đều đốn mạt như nhau, còn đàn ông thì cho rằng tất cả đàn bà chỉ mang đến cho họ sự bất hạnh.
Bạn nên nhớ rằng cuộc sống luôn có người nọ người kia, đừng quy tất cả “cá mè một lứa” như thế chỉ càng làm bạn bất hạnh hơn.
6. Bước vào mối quan hệ mới quá nhanh chóng
Trái ngược với sai lầm trên, sau ly hôn, nhiều người lại chọn cách lao ngay vào cuộc tình mới với hy vọng nó có thể giúp họ hàn gắn lại trái tim đang rỉ máu.
Đây là lẽ tự nhiên. Nhưng ngay sau khi ly hôn thường không phải là thời điểm lý tưởng để một người đang bị tổn thương vì tình bắt đầu một mối tình mới. Điều bạn cần lúc này là thời gian và mối quan tâm chân thật của người thân, bạn bè.
7. Tách biệt bạn bè và gia đình là sai lầm sau ly hôn
Khi đang trải qua một cuộc chia tay khó khăn, nhiều người sẽ có xu hướng chọn cuộc sống khép kín trước người thân và bạn bè chỉ vì họ sợ mọi người nhận thấy họ đang đau khổ.
Điều này hoàn toàn sai lầm. Dù ồn ào hay lặng lẽ thì mối quan tâm của những người thân yêu dành cho bạn lúc này đều rất thật. Dù họ có chạm phải nỗi đau của bạn thì đó cũng là điều tích cực để bạn biết rằng cuộc sống xung quanh vẫn đang tiếp diễn.
Theo Suckhoegiadinh
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!