Sức mạnh của sự tổn thương có tồn tại không khi hầu như bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều mang bên mình tấm khiên bảo vệ sự yếu đuối và mong manh bên trong? Nỗi sợ hãi bị từ chối và bỏ rơi trong tình yêu chưa bao giờ là một điều dễ dàng để chấp nhận và đối diện. Nhưng có một sự thật chúng ta cần biết, sức mạnh của sự tổn thương cũng đem lại nhiều lợi ích và gắn kết mối quan hệ mạnh mẽ hơn.
Sự dễ bị tổn thương trong tình yêu là gì?
Sự tổn thương cũng là một phần quan trọng cho mọi mối quan hệ lành mạnh và viên mãn. Nhưng hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi phải phơi bày sự mong manh của mình trước người khác. Nhưng trái ngược với những gì bạn thường nghĩ, sự dễ bị tổn thương là thước đo của sức mạnh và lòng can đảm chứ không phải sự yếu đuối.
Tác giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng Brené Brown đã định nghĩa sự dễ bị tổn thương là rủi ro về mặt cảm xúc và là một điều bất định mà không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong các mối quan hệ tình cảm, sự dễ bị tổn thương chính là khi bạn nói lời yêu với đối phương trước, là khi bạn cũng có những lỗi lầm, khi bạn là người đề nghị một cuộc trị liệu lúc mối quan hệ có rạn nứt hay khi bạn là người đầy dũng cảm để thẳng thắn nói với đối phương điều bạn cần.
Theo nhà tâm lý học Lee Land thì sự dễ bị tổn thương thường liên quan đến việc chúng ta phải phơi bày những góc khuất của bản thân theo cách có thể khiến chúng ta thấy bị bẽ mặt, xấu hổ, tự chỉ trích hoặc những cảm xúc khó chịu khác.
Mặc dù rất rủi ro, nhưng sức mạnh của sự tổn thương cũng đem lại cho chúng ta phần thưởng xứng đáng. Việc cởi mở những cảm xúc và sự dễ bị tổn thương có thể khiến mọi người cải thiện sự gắn kết trong mối quan hệ và phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn.
Tại sao mọi người thường gặp khó khăn với việc bộc lộ sự dễ bị tổn thương?
Trong các mối quan hệ tình cảm, chúng ta thường lo sợ rằng nếu chúng ta quá thành thật bộc lộ cho đối phương biết những nỗi sợ hãi, bất an, nhu cầu, sai lầm và cả những khuyết điểm thì có thể khiến họ thay đổi suy nghĩ về chúng ta. Chúng ta sợ sẽ bị chế giễu hoặc bị cảm thấy chúng ta không đáng để được yêu. Tất cả những khía cạnh như sợ bị phán xét, bị hiểu lầm hay bị bỏ rơi đều rất đáng sợ với hầu hết mọi người.
Sự dễ bị tổn thương liên quan đến việc chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thầm kín nhất với người khác theo cách mà có thể dẫn chúng ta đến việc bị chối bỏ. Tất cả chúng ta dù ít hay nhiều cũng đều từng trải qua những cảm xúc đau khổ trong tình yêu. Vì vậy, nỗi đau khổ của việc mất kết nối về cảm xúc có thể khiến mọi người cố gắng để bảo vệ chính mình bằng cách che giấu cảm xúc thật bên trong.
Thông thường, mức độ thoải mái khi bộc lộ sự dễ bị tổn thương liên quan đến cách chúng ta được nuôi dưỡng và những trải nghiệm trong quá khứ. Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc có xu hướng khuyến khích bộc lộ cảm xúc thật thì đứa trẻ lớn lên sẽ dễ dàng kết nối với người khác hơn theo cách tương tự. Nhưng nếu việc bộc lộ sự dễ bị tổn thương ở những năm tháng đầu đời đã đem tới nhiều đau khổ thì bạn sẽ có xu hướng gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng cõi lòng mình.
Làm thế nào mở lòng và chấp nhận việc bị tổn thương?
Nếu bạn gặp khó khăn với việc bộc lộ sự dễ bị tổn thương trong tình yêu thì yên tâm là bạn không đơn độc đâu. Các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên có ích để giúp bạn mở rộng cõi lòng, không chỉ trong các mối quan hệ tình cảm mà còn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
1. Tìm kiếm những người dám bộc lộ sự yếu đuối và học hỏi từ họ
Xung quanh bạn chắc chắn không thiếu những con người can đảm – người mà dám bộc lộ sự dễ bị tổn thương và mong manh của mình. Đó có thể là người đồng nghiệp đã chia sẻ về việc mình bị sẩy thai trên Instagram. Đó cũng có thể là người bạn dũng cảm để nhờ sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh khi công việc rơi vào bế tắc. Khi ở bên những người như vậy, bạn có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về con người thật của họ. Và từ từ, tấm khiên chắn bảo vệ của bạn cũng sẽ được buông xuống.
Khi dành thời gian để ở bên cạnh và lắng nghe những người cởi mở về cảm xúc và sự yếu đuối của mình, bạn không chỉ cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp gỡ bỏ lớp bảo vệ giữa từng cá nhân để cho phép chúng ta chia sẻ và mở rộng cõi lòng với nhau.
2. Hãy thư giãn
Những người gặp khó khăn trong việc bộc lộ sự yếu đuối với người bạn yêu rất có khả năng đã từng trải qua sự đau khổ trước đây. Vì vậy, bạn có thể từ từ bắt đầu thực hành bằng nhiều cách đơn giản mỗi ngày cho đến khi bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái để chia sẻ những điều lớn lao hơn.
Bạn càng thực hành nhiều thì bạn càng thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận rủi ro của việc bị tổn thương trong tình yêu
3. Dành thời gian để hiểu rõ cảm xúc của chính mình
Khi bạn có thói quen luôn tránh né hoặc kìm nén những cảm xúc khó chịu, bạn bắt đầu đánh mất khả năng nhận biết cảm xúc thực sự bên trong. Hãy viết nhật ký, thiền định, nói chuyện với chuyên gia tâm lý hoặc dùng bất cứ cách nào để có thể khiến bạn hiểu rõ chính mình và giúp đời sống cảm xúc sâu sắc hơn.
Bằng cách bồi đắp sự sẵn sàng để đương đầu với những cảm xúc mạnh mẽ, chúng ta có thể học được cách chia sẻ những cảm xúc dễ bị tổn thương theo cách giúp thúc đẩy sự gần gũi và kết nối giữa mọi người với nhau. Liệu pháp này có thể tạo ra môi trường cho phép mọi người thử nghiệm bộc lộ những cảm xúc yếu đuối nhưng theo một cách an toàn và lành mạnh.
4. Trân trọng cảm xúc của đối phương
Mâu thuẫn trong mối quan hệ xuất phát khi một trong hai lấy hết can đảm để bộc lộ mặt yếu đuối và dễ tổn thương và người còn lại phòng thủ hoặc ngay lập tức đưa ra giải pháp thay vì thực sự lắng nghe đối phương. Hành động vội vàng này có thể làm tổn thương cảm xúc của người còn lại. Thay vào đó, đầu tiên bạn cần xác thực vấn đề. Sau đó, hãy giải quyết nó. Điều này có thể gây nhầm lẫn cho người nghe bởi họ nghĩ họ đang giúp đỡ trong khi họ đang gây tổn thương cho đối phương.
Để xác thực cảm xúc của đối tác, bạn cần chấp nhận những trải nghiệm của họ – ngay cả khi bạn không đồng tình với góc nhìn của đối phương. Sau đó, hãy nhẹ nhàng giải thích cho đối phương hiểu về quan điểm của bạn và bắt đầu cuộc trò chuyện về cách giải quyết vấn đề.
5. Mẹo thực hành để cải thiện mối quan hệ tốt hơn
Khi cần phàn nàn một vấn đề nào đó thì mọi người có xu hướng đưa ra những lời chỉ trích như: “Anh lúc nào cũng về nhà muộn nên bữa cơm đã nguội ngắt. Anh đúng là kẻ ích kỷ.” Nhưng cách xử sự tốt hơn chính là nêu lên điều đó như một mong muốn ở người ấy của bạn thay vì công kích đối phương.
Các chuyên gia gợi ý rằng chúng ta nên dùng mẫu câu như sau để cải thiện mối quan hệ. Đó là: “Tôi cảm thấy __ về __, và tôi cần __ “. Dù bạn muốn chỉ trích đối phương, hãy thay đổi cách nói để đối phương cảm thấy dễ chịu hơn. Ví dụ cho tình huống ở trên, câu hợp lý nhất bạn nên sử dụng là: “Em thấy cô đơn và không vui khi anh cứ về nhà trễ, nên em cần anh cố gắng để về nhà kịp cho bữa tối thường xuyên hơn. Nếu hôm nào anh không về được, em cũng cần anh gọi điện và thông báo cho em biết.”
Sự tổn thương giúp cải thiện mối quan hệ theo cách tích cực
Khi một ai đó mở lòng với chúng ta, có đôi khi ta cũng thấy vinh dự khi được lắng nghe họ giãi bày những khó khăn, khúc mắc hoặc đau khổ. Có lúc chúng ta thầm ngưỡng mộ vì họ đủ can đảm để trải lòng với với người khác những cảm xúc không mấy dễ chịu. Nhưng nhờ vậy, mọi người cảm thấy gắn kết với nhau mạnh mẽ hơn.
Nỗi đau đớn và sợ hãi bị phán xét, bị bỏ rơi không dễ để đối mặt. Nhưng khi chúng ta can đảm chấp nhận để mở rộng cõi lòng cho người khác thì chúng ta cũng sẵn sàng để chào đón một cuộc sống với nhiều niềm vui và cảm xúc tuyệt vời. Nếu cứ sợ bị tổn thương và đóng cửa trái tim thì chúng ta cũng sẽ không biết đến mùi vị của hạnh phúc phải không?
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!