Từng có thời gian du học Mỹ nên cách dạy con của hotmom 8x – MC Minh Trang khá đặc biệt. Một số tuyệt chiêu xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 của bà mẹ nổi tiếng này cũng được nhiều bậc phụ huynh áp dụng.
Tuổi lên 2 – một cột mốc quan trọng
2 tuổi đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Lúc này, hàng loạt thay đổi về tâm lý, thể chất khiến con bắt đầu có những suy nghĩ và hành động “khó chiều” hay còn gọi là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Bạn sẽ thấy trẻ thích làm ngược lại lời người lớn để thể hiện sự độc lập và “quyền lực” của mình. “Không”, “Của con”, “Không muốn”… trở thành những câu cửa miệng của bé.
Tâm trạng trẻ cũng thay đổi thường xuyên, lúc nắng lúc mưa và con hay có những hành động như đấm, đá, cắn, la hét, ăn vạ… khiến bố mẹ đau đầu. Tuổi khủng hoảng của con cũng chính là thời kỳ khủng hoảng của bố mẹ. Làm thế nào để có thể cùng con vượt qua giai đoạn này một cách bình yên, nhẹ nhàng?
Biểu hiện của giai đoạn khủng hoảng là trẻ hay quấy khóc, ăn vạ…
Bà mẹ 8x Minh Trang – một MC quen mặt của đài VTV4 cũng từng chia sẻ thời kỳ “sống chung với lũ” khi con gái bước vào giai đoạn khủng hoảng 2 tuổi. Thời gian đầu không quen, chị cho biết mình rất dễ dàng nổi cáu nhưng dần dần sau đó, hotmom này đã tìm được cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 theo quy trình 6 bước.
1. Bày tỏ sự đồng cảm với con
Một trong những biểu hiện quen thuộc của giai đoạn khủng hoảng này đó là con hay ăn vạ, khóc lóc và để bắt con nín ngay dường như là điều không thể. Đa số các bà mẹ sẽ quát tháo, cáu gắt “Nín ngay lập tức” nhưng cách này vô tình lại khiến con càng ức chế và khóc to hơn, mẹ cũng mệt mỏi theo.
Vậy nên, cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 nên bắt đầu bằng việc bố mẹ bày tỏ sự đồng cảm với con để con cảm thấy được xoa dịu và nguôi ngoai. Chẳng hạn, nếu con khóc vì ngã đau, thay vì nói “Ngã tí mà kêu đau”, “Con đi đứng kiểu gì đấy?”, bố mẹ có thể bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi thăm con đau ở đâu.
Hoặc trong trường hợp bạn không rõ nguyên nhân con gào khóc, hãy ôm con thật chặt và sau đó sẽ hỏi con rằng, con đã thấy ổn hơn chưa, có thể nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì hay không… Đôi khi con trẻ sẽ có những tâm lý như lo lắng, bất an hay nỗi sợ mà bạn chưa thể nắm bắt được và một cái ôm sẽ giúp con cảm thấy yên tâm hơn.
Thay vì quát mắng, bố mẹ nên nhẹ nhàng an ủi và tìm hiểu vấn đề của con
2. Tìm hiểu, gọi tên vấn đề của con
Sau bước 1, hai mẹ con đã có thể trò chuyện cùng nhau, con cũng sẵn sàng chia sẻ với mẹ. Đây là lúc hai mẹ con sẽ gọi tên vấn đề mà con đang gặp phải. Ví dụ, con nói “Con không thích đội mũ”, mẹ có thể hỏi lại “Mẹ hiểu rồi, vậy là con không thích đội mũ dù trời đang rất nắng và mẹ con mình còn phải đi bộ một đoạn rất xa đúng không?”.
Theo bà mẹ 8x Minh Trang, cách đặt câu hỏi ngược này rất hiệu quả, vừa để con thấy rằng mình được lắng nghe đồng thời, “câu giờ” để cơn giận dữ của con dần lắng xuống.
3. Lắng nghe nhu cầu cũng như cách giải quyết của con
Bước thứ 3 trong cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 đó chính là lắng nghe nhu cầu và cách giải quyết của con, mẹ khoan đưa ra ý kiến chủ quan quá vội. Bởi vì, vấn đề của con, con là người biết rõ nhất. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ rất thích thể hiện chính kiến của mình và không nên ngăn cấm điều đó.
4. Đưa ra các lựa chọn cho con
Nhiều bà mẹ thường xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 bằng cách ép con vào một lựa chọn hoặc một khuôn khổ nào đấy nhưng thực tế, cách làm này dễ khiến con ức chế hơn và lâu dần sẽ kiềm hãm năng lực phản biện của trẻ. Mẹ có thể đưa ra nhiều lựa chọn để con vừa có thể tự do chọn mà vẫn nằm trong ý muốn của mẹ.
Bà mẹ 8x chỉ ra một ví dụ cụ thể, khi con gái không chịu đi tất, chị đã đưa ra 2 phương án cho con có thể chọn là một đôi Hello Kitty hồng hoặc ếch xanh và gợi ý “Hay đôi Kitty hồng này đi, mẹ cũng vào thay đôi tất hồng, thế là 2 mẹ con đi tất sinh đôi nhé”.
Làm bạn cùng con để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 một cách nhẹ nhàng
5. Hỗ trợ con giải quyết vấn đề nếu con cần
Sau khi đã tìm được phương án để xử lý khủng hoảng tuổi lên 2, bạn nên để con tự giải quyết vấn đề và chỉ đứng sau, hỗ trợ nếu con cần. Có thể, trẻ sẽ làm hơi lâu nhưng sẽ rèn được tính tự lập cho con ngay từ nhỏ.
6. Kết thúc khủng hoảng
Bố mẹ hỏi con về những gì con tự nhận ra, từ từ giải thích thêm để con hiểu vì sao mình nên và không nên làm như vậy. Đây là lúc trẻ đã bình tĩnh lại nên có thể lắng nghe mẹ nhiều hơn. Sau đó có thể “tổng kết” bằng một cái ôm, hôn…
Nhìn chung, để xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 và “chế ngự” những trận gào khóc, ăn vạ… của con, điều cần nhất chính là sự kiên nhẫn, bình tĩnh của bố mẹ, không quát mắng, không cấm đoán, thay vào đó là “làm bạn với con”, chia sẻ cùng con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng hơn.
Xem thêm:
Trẻ 2 tuổi hay quấy khóc – nguyên nhân và giải pháp!
Để trẻ trải qua “khủng hoảng tuổi lên 2” một cách nhẹ nhàng nhất
Giai đoạn ẩm ương mang tên “khủng hoảng tuổi lên 2” khi nào mới kết thúc?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!