Vợ chồng giận nhau ai nên làm lành trước để giải quyết xung đột? Người có lỗi? Hay người khơi mào cuộc chiến? Nếu muốn hôn nhân lâu dài và bền vững, thì ai cũng nên là người chủ động giảng hoà.
Vợ chồng giận nhau ai nên làm lành trước?
Cho dù cả hai có hợp nhau đến dường nào thì chắc chắn sẽ có lúc một trong hai không đồng ý với quan điểm hay hành động của người còn lại. Và đây là lúc cuộc cãi vã bắt đầu, kéo theo sau đó là người phụ nữ hay có thắc mắc liệu vợ chồng giận nhau ai nên làm lành trước!?
Một số người cho rằng người đầu tiên nói xin lỗi và làm lành phải là người bắt đầu cuộc chiến (chưa cần biết là họ có lỗi hay không). Vì họ là người bắt đầu cuộc tranh cãi, do đó họ cũng nên có trách nhiệm kết thúc bằng cách nói xin lỗi. Mặt khắc, những ý kiến khác lại cho rằng người có lỗi phải luôn là người làm lành trước. Vì họ sai!
Tuy nhiên, theo một hướng lâu dài thì cả hai phương án luôn không phải là cách đúng và hợp lý. Cả hai cách đều cho thấy sự cứng đầu, cái “tôi” còn quá lớn của người suy nghĩ! Và điều này hoàn toàn không tốt cho hôn nhân bền vững.
Nếu một trong hai, hay thậm chí cả hai, đều không chịu xuống nước, đều không nói chuyện thì vấn đề sẽ càng nghiêm trọng, và tổn thương nhau và mối quan hệ nhiều hơn.
Vì lý do đó, có thể nói việc ai làm lành trước không quan trọng bằng việc cách nhìn nhận vấn đề và thái độ khi đưa ra hướng giải quyết. Dù là người có lỗi, hay hoàn toàn đúng, hay là người chủ động/bị động trong bất đồng này, bạn đều có quyền và nên là người chủ động làm lành.
Làm lành trước thực chất là gì?
Thực chất, làm lành trước không phải nói lên bạn là người có lỗi, nhận lỗi và bị mất giá, mất quyền lực hay tiếng nói trong nhà. Mà ở đây, nếu xử lý với thái độ đúng đắn thì còn giúp bạn thể hiện bản lĩnh cá nhân và tinh thần trách nhiệm hơn đối với chính cuộc sống của mình và cuộc sống hôn nhân của cả hai.
Làm lành trước ở đây có thể hiểu là tôi nhận thức được vấn đề giữa hai vợ chồng. Sau một thời gian suy ngẫm tôi tự nhận thấy có trách nhiệm phải trao đổi để giải quyết các cốt lõi bất đồng giữa cả hai, để hiểu nhau hơn và điều chỉnh về sau nhằm tránh trường hợp tương tự.
Làm thế nào để làm lành đúng cách khi vợ chồng giận nhau?
Như đã thảo luận ở trên, việc vợ chồng giận nhau ai nên làm lành trước không thực sự là vấn đề, mà vấn đề là cách cả hai giao tiếp với nhau như thế nào. Việc chủ động xin lỗi, hay làm lành, hay đề nghị thảo luận vấn đề vừa xảy ra một cách đúng đắn là tiền đề cho mối quan hệ bền vững.
Vợ chồng giận nhau ai nên làm lành trước nếu chồng có lỗi?
Trong trường hợp bạn đã suy xét cẩn trọng và nhận thấy nguyên nhân của cuộc cãi vã phần nhiều là từ chồng, thì có thể tham khảo cách xử lý như sau:
- Đầu tiên, cần nhắc lại rằng việc bạn đang không có lỗi mà làm lành trước không có nghĩa là bạn nhận lỗi. Ở đây, bạn là người chủ động muốn trao đổi và tìm hướng giải quyết vấn đề của cả hai.
- Hãy đề nghị anh ấy một thời gian và thời điểm thích hợp để cả hai nói chuyện.
- Chuẩn bị trước nếu là người hay mất bình tĩnh. Trao đổi thẳng thắn, với giọng bình thường nhất có thể và theo hướng xây dựng. Tuy có thể anh ấy là người có lỗi, nhưng hãy tường thuật lại hay nói về cảm xúc của mình khi anh ấy nói/hành động như vậy. Cho anh ấy hiểu vì sao bạn lại thấy hành động/hành vi đó là không phù hợp đối với tiêu chuẩn bản thân.
- Tuyệt đối không chỉ trích cá nhân, tự áp đặt và gọi chồng bằng những từ như “Anh tệ lắm khi làm/nói như thế!”
- Chủ động dừng cuộc nói chuyện nếu một trong hai, hay cả hai mất bình tĩnh và đề nghị một thời gian khác để cùng ngồi lại.
Mình là người phần nhiều có lỗi!
Nếu bạn là người có lỗi, và sẵn sàng xin lỗi thì có thể tham khảo cách làm lành như sau:
- Lời xin lỗi cần phải thành thật và thừa nhận những sai lầm của bản thân.
Nên thẳng thắn nói ra những điểm khiến đối phương không vui qua hành động và lời nói của mình.
- Đưa ra đề nghị làm thế nào để giúp đối phương cảm thấy thoải mái hơn.
- Và hãy luôn nhớ, chìa khóa ở đây là chịu trách nhiệm về hành vi của bạn.
Đồng thời, nếu lúc vợ chồng giận nhau, tuy là lỗi phần nhiều về bạn, nhưng chàng cũng có những lời nói hay hành động khiến bạn không vui, thì bạn hoàn toàn có quyền trao đổi. Tuy nhiên, hãy trình bày theo hướng xây dựng, nói lên cảm xúc của bạn khi anh ấy nói/hành động như thế. Tuyệt đối không đả kích hay có tư tưởng “Vì anh vậy nên tôi mới như thế!”, hay quá xuống nước vì mình đang có lỗi. Hãy nhớ! Bạn đang muốn giả quyết vấn đề và mong một kết quả tốt đẹp.
Vợ chồng giận nhau trong đời sống hôn nhân là điều không thể tránh khỏi. Nhưng hãy để những hờn giận là sợi dây mà qua đó cả hai hiểu nhau hơn và gắn kết hơn bạn nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!