Tranh cãi là điều hết sức bình thường ở hầu như tất cả các gia đình, chỉ cần luôn ghi nhớ 5 nguyên tắc khi vợ chồng cãi nhau để giữ hạnh phúc gia đình.
1. Vợ chồng không cãi nhau trước mặt con cái
Chứng kiến bố mẹ cãi nhau để lại nhiều di chứng tâm lý cho con trẻ
Đây là nguyên tắc số một khi vợ chồng cãi nhau. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng 2 vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường, chốc lát hoặc chậm nhất là ngày mai lại vui vẻ ngay thôi, chẳng để lại hậu quả gì. Nhưng thực tế, đối với 2 người lớn việc to tiếng có thể là phúc bốc đồng, nhưng với con trẻ đó là những ký ức tiêu cực không thể nào quên. Bố mẹ có thể ngay tối đó ôm nhau xin lỗi nhưng trẻ con sẽ chẳng hiểu được điều đó, với các con những lời nặng nề, dữ dội khi tranh cãi của bố mẹ có nghĩa là bố mẹ ghét nhau, gia đình không hạnh phúc. Vì thế, hãy lập ra nguyên tắc với cả 2 vợ chồng: không cãi nhau trước mặt con, dù lý do tranh cãi là gì.
2. Chú ý cách xưng hô
Tất nhiên lúc nóng giận thì chẳng ai còn có thể nhớ nổi người kia là anh yêu hay em yêu của mình được nữa. Nhưng từng lời nói ra lúc này sẽ mang tính tiêu cực và nhạy cảm lên gấp nhiều lần, bao gồm cả việc xưng hô. Thông thường các cặp đôi sẽ chuyển sang anh – tôi/ cô – tôi khi hừng hực khí thế “chiến đấu” với người kia. Tuy vậy cũng không ít trường hợp “giận quá mất khôn” hoặc không để ý, chỉ muốn mắng nhiếc mà chuyển thành xưng hô “mày – tao”. Dù kết quả cãi nhau thắng thua hay huề thế nào đi nữa thì cách xưng hô đậm tính nặng nề này đã gây ra một vết thương khó lành cho cuộc hôn nhân của cả 2.
3. Không “động chạm” đến bố mẹ
Cãi nhau gay gắt cách mấy cũng đừng nói những lời quá khó nghe
Chúng ta đều là người lớn độc lập và trưởng thành, vợ chồng cãi nhau là việc của vợ và chồng, không có một tí dính dáng gì đến gia đình hai bên cả. Cho dù mối quan hệ nhà chồng – nàng dâu hay con rể – nhà vợ có tệ đến mức nào, cũng đừng làm tổn thương nhau bằng những kiểu lời lẽ như “Mẹ tôi nói không sai mà, cô/anh là loại….”, “Anh/cô chỉ biết nghe lời mẹ của mình mà thôi”…
Vì nó như thêm 1 lần khẳng định cả hai không phù hợp để sống chung và giảm hẳn mức độ liên kết của 2 người. “Động chạm” phụ huynh cũng là điều cấm kỵ giữa 2 vợ chồng vì chẳng ai chịu đựng được người khác nói điều không hay về bố mẹ mình, dù đúng hay sai đi nữa.
4. Vợ chồng cãi nhau tuyệt đối không moi móc quá khứ
Tính hiếu thắng của con người luôn tồn tại khiến chúng ta không chấp nhận thua cuộc, thậm chí ở rất nhiều người, họ bất chấp không cần biết nói gì, chỉ cần làm đối phương khó chịu, xấu hổ là đắc ý.
Khi cãi nhau với vợ/chồng, chưa cần biết lý do là gì, nhưng để thoả mãn cái tôi và cảm giác chiến thắng trong cuộc chiến, một số người lại đem chuyện quá khứ ra nói, nhắc lại điều người kia đã làm không đúng với mình, trách móc. Đây là điều sai lầm bởi nó sẽ khiến đối phương, dù sau cuộc cãi nhau, vẫn có ấn tượng rằng bạn là người “thù dai”, tiểu tiết, tình cảm vợ chồng vì thế bị mai một.
5. Không nhắc đến 2 từ “ly dị”
Kết quả của một cuộc cãi vả nóng giận không nên là quyết định ly dị
Cũng như nguyên tắc không nói chia tay khi cãi nhau với người yêu, “ly dị” là hai từ không bao giờ nên nói ra lúc nóng giận. Vợ chồng cãi nhau dù lý do có to tát đến đâu cũng đừng đem ly hôn hay ly thân ra làm giải pháp cho cuộc chiến. Thứ nhất, lời nói ra lúc nóng giận thường không phải là mong muốn của chúng ta, nhưng ly dị lại là quyết định hệ trọng, liệu có coi như lời nói thoáng qua được hay không? Thứ hai, có nhiều người rất trân trọng cuộc hôn nhân, dù có cãi nhau họ vẫn không nghĩ đến việc kết thúc, nếu người kia nói ra lời ly dị dễ dàng, họ có thể bị bất ngờ chuyển sang nghi ngờ và dần mất lòng tin vào vợ/chồng mình.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!