Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp vào mùa lạnh. Khi trẻ mắc bệnh này, mẹ có thể chăm sóc, điều trị tại nhà cho bé. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt cao không dứt, thở gấp, da tái xanh… mẹ nên đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay. Cùng tìm hiểu trong bài viết này, để được hướng dẫn cụ thể cách điều trị và phòng chống bệnh tái nhiễm lại nhé!
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh gây viêm và tắc nghẽn trong tiểu phế quản (đường hô hấp nhỏ) của phổi. Thông thường, những tháng mùa đông là thời gian cao điểm của căn bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng viêm tiểu phế quản thường là do virus xâm nhập
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh thường là do virus. Trong đó, có tới khoảng 30-50% là do virus hợp bào hô hấp (virus VRS- Respiratoire Syncytial). Virus cúm và á cúm là nguyên nhân gây bệnh cho ~25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, Virus Adeno chiếm ~ 10% gây bệnh.
Những trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao. Vì trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ. Những trẻ từng nhiễm virus trước đó như: viêm amidan, viêm mũi họng, viêm VA… cũng nguy cơ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Ngoài ra, trẻ bị bệnh tim, bệnh phổi bẩm sinh, hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc, bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao.
Những triệu chứng báo hiệu viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có những triệu chứng dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản:
- Ho, sốt nhẹ
- Thở nhanh, thở hụt hơi
- Khò khè, cánh mũi phập phồng
- Da tái xanh do thiếu oxy
- Trẻ mệt mỏi, không chịu bú mẹ
- Co rút liên sườn
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có gây nguy hiểm cho trẻ hay không?
Tất cả trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Phải kể đến như: rối loạn chức năng hô hấp, suy hô hấp cấp, viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi và thậm chí là tử vong.
Thông thường, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh sẽ có biến chứng nặng hơn ở những trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tim bẩm sinh,… Viêm tiểu phế quản tái nhiễm nhiều lần còn là nguyên nhân gây ra hen phế quản về sau.
Bệnh sẽ gây biến chứng nguy hiểm nếu phụ huynh không can thiệp sớm
Hướng dẫn cách điều trị bệnh viêm tiểu phế quản
Để điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, chủ yếu chúng ta cần điều trị các triệu chứng bệnh. Mẹ có thể điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà bằng các cách dưới đây:
- Thông thoáng đường hô hấp của trẻ bằng cách hút dịch mũi họng thường xuyên.
- Làm loãng đờm, dịu ho bằng cách cho trẻ uống nước đầy đủ và bú mẹ thường xuyên.
- Dùng dung dịch nước muối 0,9% để sát khuẩn mũi, họng cho trẻ.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu trẻ có triệu chứng).
- Có thể cho trẻ uống thuốc trị ho, long đờm nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh.
Trên đây là một số cách cải thiện tình trạng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh tại nhà. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đi bệnh viện nếu trẻ có một số dấu hiệu sau:
- Trẻ vẫn sốt cao dù đã dùng thuốc giảm sốt
- Trẻ bỏ bú, bị nôn
- Thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực
- Da tím tái
Nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu tình trạng trẻ chuyển biến xấu
Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ
Tình trạng viêm tiểu phế quản ở trẻ sinh có thể tái lại nhiều lần nên mẹ cần chú ý các phòng tránh. Ngay từ khi mang thai, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, để trẻ sinh đủ tháng, đủ cân nặng và có sức đề kháng tốt. Ngoài ra, sau sinh mẹ cần chú ý:
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Thường xuyên sát khuẩn vùng mũi, họng bằng dung dịch nước muối 0,9%.
- Người lớn nên vệ sinh tay sạch sẽ khi bế hoặc là cho trẻ bú. Vì virus gây bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp.
- Phòng ngủ của trẻ cần thông thoáng, không khí trong lành. Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn.
- Nên cho bé bú sữa mẹ đến khi trẻ được 2 tuổi. Trong thời gian bé ăn dặm cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, giúp tăng cường sức đề kháng.
- Thường xuyên giặt chăn, gối của trẻ và phơi nắng thật khô.
- Không nên để trẻ tiếp xúc quá gần với chó, mèo. Lông chó mèo có thể khiến trẻ dị ứng, nhiễm khuẩn.
- Tránh để trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị viêm đường hô hấp.
- Vệ sinh cơ thể, nhất là khu vực tai, mũi, họng cho bé hằng ngày.
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh, giao mùa.
Nên cho mẹ mặc đủ ấm, không quá lạnh hoặc quá nóng
Tạm kết
Như vậy, triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh không thể xem nhẹ. Phụ huynh cần theo dõi biểu hiện của bé và đưa bé đi bệnh viện nếu tình trạng chuyển biến xấu. Đồng thời lưu ý chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày của bé, để hạn chế nguy cơ tái nhiễm viêm tiểu phế quản nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!