Các bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng tuổi cần tập trung vào kĩ năng ngồi vững vàng, trườn lấy đồ và bắt đầu bò linh hoạt.
Kĩ năng phát triển thể chất của bé 7-9 tháng tuổi
Vào những tháng này, bé thường rất thích thú khi được ra ngoài chơi thường xuyên. Con tỏ vẻ quan tâm đặc biệt khi ở môi trường mới. Từ nằm chơi nhiều, giờ đây con đã chuyển sang hoạt động ngồi chơi là chính.
Một em bé phát triển thể chất tốt, đạt được các mốc phát triển quan trọng phù hợp với lứa tuổi 7-9 tháng cần:
– Cổ cứng cáp, di chuyển linh hoạt, vườn người theo các hướng để lấy đồ.
– Bé có thẻ tự chống tay ngồi dậy hoặc ngồi được nếu có sự trợ giúp.
– Tự cầm đồ cho vào miệng gặm, mút
– Trườn người về phía trước để lấy đồ.
– Bắt đầu co chân để tập bò (một số bé có thể chậm hơn mốc này từ vài tuần đến 1-2 tháng).
Ảnh: Bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng
Những lưu ý trước khi cho bé vận động
Giờ đây bé 7-9 tháng đã di chuyển linh hoạt. Phạm vi hoạt động của con cũng rộng hơn. Do đó, để các bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng tuổi diễn ra thuận lợi, cha mẹ cần lưu ý những điều sau.
Chuẩn bị không gian an toàn cho bé
Dùng thảm, miếng lót sàn, ngăn chia không gian để con không bị cấm đoán, hạn chế những khi nằm hay ngồi chơi.
Đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh
Giai đoạn này con học hỏi thông qua sờ, tiếp xúc, cầm nắm. Bé thường bỏ đồ chơi vào miệng và gặm nhấm. Do đó, cần chú ý vệ sinh thảm chơi, sàn nhà thường xuyên. Rửa sạch và phơi khô ráo đồ chơi của bé. Dọn hết những thứ đồ nhỏ, sắc nhọn và cứng xung quanh khu vực ngồi, nằm chơi của con.
Ảnh: Bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng
4 bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng tuổi giúp bé cứng cáp
Sau khi bé ngủ dậy tỉnh táo, cách bữa sữa hoặc bữa ăn dặm của con từ 15-20 phút, bố mẹ có thể tập cho bé các bài vận động như sau.
1. Ngồi vận động tại chỗ, tập kiểm soát cân bằng của cơ thể
Mục đích của bài tập: Giúp con học được cách giữ thăng bẳng. Nghiêng người di chuyển theo các hướng linh hoạt. Khi xương đã cứng cáp, từ ngồi bé sẽ chống tay, nâng người để tập bò.
Cách thực hiện: Cho con ngồi trên lòng mẹ hoặc dựa vào điểm tựa. Giơ đồ chơi có âm thanh, màu sắc để thu hút sự chú ý của con. Di chuyển đồ chơi theo các hướng để con ngẩng cao đầu, cố gắng với lấy và nghiêng người theo đồ chơi.
2. Bài tập gập bụng
Mục đích của bài tập: Giúp xương cổ, đầu và xương sống của con sớm cứng cáp.
Cách thực hiện: Để bé nằm ngửa, mẹ dùng tay đỡ đầu và lưng bé, kéo con sát về phía người mẹ. Tập đi tập lại nhiều lần trong ngày.
Ảnh: Bài tập vận động bé sơ sinh 7-9 tháng
3. Tập cho bé trườn
Mục đích của bài tập: Giúp xương sống, chân, tay bé cứng cáp. Chuẩn bị cho bước tập bò của trẻ.
Cách thực hiện:
– Đặt con nằm sấp. Mẹ cầm 2 bàn chân bé, để 2 gót chân sát vào lòng bàn tay mẹ và đẩy đùi bé tiến lên phía trước. Con sẽ nhích dần lên trước. Động tác này giúp con hình thành cảm giác trườn là như thế nào.
– Khi bé bắt đầu trườn được, mẹ hãy đặt đồ chơi có âm thanh hấp dẫn thu hút bé. Mẹ vừa trò chuyện khuyến khích con để bé nhích lên phía trước lấy đồ.
4. Tập bò nào con
Một số trẻ có thể bỏ qua giai đoạn này và đứng dậy tập đi luôn. Tuy vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu có thể bố mẹ hãy khuyến khích bé tập bò.
Mục đích của bài tập: Khi bò con phải phối hợp chân tay cũng như các giác quan khác. Do đó, bò không chỉ giúp cơ xương của bé cứng cáp mà còn tạo điều kiện để trí não phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, động tác bò đóng vai trò quan trọng để chức năng cân bằng tiểu não của con được phát triển một cách tối đa nhất.
Cách thực hiện:
– Bé chỉ có thể tập bò khi con đã ngồi vững vàng, di chuyển người linh hoạt theo các hướng. Do đó, cần tập thật nhiều bài ngồi cho bé trước.
– Khi bé đã tự ngồi được, đặt đồ chơi có nhạc hoặc có thể di chuyển được để kích thích bé tiến lên phía trước lấy đồ.
– Nếu bé đã có xu hướng bò được nhưng chưa thành thạo, bố mẹ có thể hỗ trợ bằng cách đỡ chân cho bé, phối hợp với tay khi bé di chuyển.
Con chỉ có thể hoàn thiện kĩ năng khi hệ cơ xương của trẻ cứng cáp. Ngoài các bài tập này, vào buổi sáng, bố mẹ có thể tập thêm các động tác thể dục chân tay, mát xa cho bé. Một số trẻ có thể đạt các mốc kĩ năng chậm hơn so với bình thường, tuy nhiên bố mẹ chỉ cần lưu ý là nếu bé đạt được 50-60% các mốc quy định thì nghĩa là con vẫn đang phát triển theo tiến trình riêng của con.
Theo The Asianparent Thái Lan
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!