Ung thư da hắc tố rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong số các loại ung thư da. Tuy nhiên, ung thư da hắc tố lại nguy hiểm nhất vì dễ lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh đó, tại Mỹ, ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất với nhiều trường hợp được chẩn đoán hàng năm, nhiều hơn tất cả các bệnh ung thư khác cộng lại.
Câu chuyện đau lòng của một bà mẹ Mỹ sau đây sẽ khiến mọi người hiểu thêm về căn bệnh quái ác này.
Ung thư da hắc tố di căn với tốc độ chóng mặt
Chị Danielle Janofsky, ở New Jersey, Mỹ, lúc đó ba mươi tuổi và đang mang thai bé thứ 2, đến bệnh viện khám vì thấy đau bụng vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Chị không thể tin được rằng bệnh ung thư da hắc tố đã chuyển biến thành ác tính, di căn vào gan, thận, dạ dày và não của chị.
Danielle hạnh phúc bên Max và con gái đầu lòng khi chưa biết bệnh
Danielle đã quyết định hy sinh bản thân mình để giữ lại mạng sống cho con trai. Ba tuần sau khi biết ung thư đã di căn, chị quyết định sinh mổ bé Jake vào ngày thứ Sáu 24/2/2017.
Bé Jake sinh ra chỉ nặng khoảng 900 gam và được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh tại Đại học Pennsylvania. Vì phổi bé còn quá yếu do sinh non, các bác sĩ phải cho Jake thở máy.
Chị Danielle qua đời vào 27/02/2017 sau khi sinh bé Jake 3 ngày, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng của mình, anh Max.
Đây là lần ung thư tái phát của bà mẹ trẻ vắn số. Trước đó 2 năm, Danielle được chẩn đoán mắc ung thư da hắc tố và đã được phẫu thuật cắt bỏ hắc tố ung thư trên vai.
Sau ca phẫu thuật và theo dõi, các bác sĩ nhận định rằng tình trạng nữ bệnh nhân đã ổn định vì hắc tố trên vai bệnh nhân đã biến mất. Tuy nhiên, lần này may mắn đã không còn mỉm cười với Danielle bởi căn bệnh đã quay lại và chị không có đủ thời gian để chống chọi với nó.
Nội tiết tố của phụ nữ thay đổi khi mang thai có thể kích thích tế bào hắc tố
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), nguy cơ phát triển ung thư da hắc tố không tăng khi mang thai. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Janet Prystowsky. Bác sĩ da liễu có bằng chứng nhận xuất sắc tại thành phố New York, Mỹ, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi khi mang thai có thể kích thích tế bào hắc tố – các tế bào này có thể phát triển thành ung thư da hắc tố.
Nốt ruồi trên da có thể tối màu đi, tăng kích thước và/hoặc thay đổi tại bất cứ thời điểm nào, kể cả khi người phụ nữ có mang thai hay không.
Vì vậy, lời khuyên cho mọi người là nên thường xuyên kiểm tra da xem có bất thường nào về nốt ruồi trên cơ thể không để kịp thời đi khám.
Sức đề kháng yếu đi trong thời gian mang bầu khiến cơ thể khó chống chọi với ung thư
Bác sĩ da liễu Janet cũng cho rằng: Mang thai có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn chống lại ung thư. ”Để tránh đào thải thai nhi ra khỏi cơ thể, hệ thống miễn dịch của bà mẹ giảm bớt một chút.
Điều này có thể làm yếu đi sự kiểm soát miễn dịch bên trong cơ thể người mẹ để sớm tiêu diệt được tế bào ung thư.”
Phát hiện sớm ung thư da hắc tố có thể giúp chữa trị căn bệnh
Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho rằng ung thư da hắc tố (được cho là ở giai đoạn đầu) trong nhiều trường hợp có thể được điều trị an toàn trong thai kỳ.
Tuy nhiên, trường hợp của Danielle Janofsky, ung thư tiến triển quá nhanh, thành thử ra liệu pháp miễn dịch là lựa chọn điều trị duy nhất của chị và điều này không được khuyến khích trong thai kỳ.
Ung thư da hắc tố có thể truyền từ mẹ sang con
Thường thì phụ nữ khi mang thai và có con sẽ chủ yếu quan tâm đến sức khoẻ đứa bé hơn là bản thân. Nhưng như Bác sĩ Janet Prystowsky chỉ ra, ung thư da là một trong số ít loại có tế bào ung thư thực sự có thể đi qua nhau thai, và vì vậy ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Dấu hiệu nhận biết ung thư da hắc tố qua quy tắc ABCDE
Nốt ruồi sẽ ở trong tình trạng “báo động đỏ” nếu có một trong những biểu hiện ABCDE sau:
- Asymmetry – Bất đối xứng. Những nốt ruồi hoặc vết không tạo sự đối xứng có thể là khối u ác tính.
- Borders – Đường viền. Viền của một khối u hắc tố ác tính ở giai đoạn đầu thường không đồng đều, có dạng vỏ sò hoặc có các khe.
- Colors – Màu sắc. Những nốt ruồi nhiều màu là một tín hiệu cảnh báo.
- Diameter – Đường kính. Nếu đường kính nốt ruồi lớn hơn 6mm thì cần kiểm tra (lớn hơn đầu tẩy bút chì).
- Evolution – Phát triển. Khi nốt ruồi bắt đầu có thay đổi về những điều trên hoặc các triệu chứng như chảy máu, ngứa hoặc đóng vảy đều là những dấu hiệu nguy hiểm.
Các bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da cho các mẹ một cách an toàn trong thai kỳ, nếu bất kỳ biểu hiện ABCDE nào được phát hiện trong khi kiểm tra da liễu.
Nên bảo vệ da bằng nhiều phương pháp
Để chống ung thư da, Bác sĩ Janet Prytowsky khuyên phụ nữ mang thai nên dùng kem chống nắng có chứa kẽm hoặc titan và kèm thêm các hình thức chống nắng khác (như quần áo chống nắng và đội mũ) khi đi ra ngoài.
“Đối với những bệnh nhân có nguy cơ ung thư da, bác sĩ khuyên bạn nên khám da liễu toàn thân trước giai đoạn thụ thai để kiểm tra xem nốt ruồi có vấn đề tiềm ẩn không và sau đó định kỳ kiểm tra ba tháng một lần cho đến khi sinh.”
Đi khám định kỳ nếu có nguy cơ ung thư da
Cuối cùng, bác sĩ khuyên rằng điều tốt nhất là mọi người nên gặp bác sĩ da liễu thường xuyên, đặc biệt khi có nguy cơ mắc bệnh. “Bất cứ thay đổi gì về nốt ruồi đều đáng để lưu tâm”, theo bác sĩ Janet. “Nếu bạn nhận thấy những nốt ruồi có thay đổi, kể cả khi bạn mang bầu hay không, hãy liên hệ ngay với bác sĩ da liễu.”
Ung thư da có lẽ đang ngày càng tăng lên ở mọi đất nước do bầu khí quyển không còn đủ mạnh để chặn những tia cực tím nguy hiểm từ ánh nắng mặt trời. Các mẹ hãy chú ý đến sức khoẻ của bản thân mình hơn và đi khám thật sớm nếu mình có những dấu hiệu thay đổi về nốt ruồi nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!