5 xét nghiệm dành cho thai phụ trước khi sinh mổ

Trước khi mổ đẻ cần làm xét nghiệm gì để đánh giá tình trạng sức khoẻ của mẹ và đảm bảo bé ra đời an toàn? Hãy cùng tìm hiểu về quá trình sinh mổ và những xét nghiệm cơ bản mẹ nên làm nhé.

Nguyên nhân mẹ bầu phải sinh mổ

Sinh mổ, hay mổ đẻ, tiếng anh là Cesarean Section, hiện nay khá phổ biến khi sinh con. Với những mẹ bầu được chỉ định mổ đẻ, các bác sĩ sẽ phẫu thuật và lấy thai nhi ra ngoài thông qua vết mổ ở bụng. Thay vì sinh con qua đường âm đạo.

Nguyên nhân phổ biến sản phụ phải mổ đẻ:

  • Cổ tử cung của thai phụ không mở đủ rộng hoặc không mở.
  • Thai nhi đang gặp tình huống nguy hiểm.
  • Vị trí của thai nhi không thuận lợi như thai nằm ngang hay thai ngôi mông.
  • Mẹ bầu mang đa thai.
  • Có vấn đề với nhau thai: nhau tiền đạo và nhau bong non.
  • Sa dây rốn.
  • Mẹ bầu có vấn đề sức khoẻ như cao huyết áp, đái tháo đường,…
  • Tắc nghẽn đường âm đạo.
  • Đã từng sinh mổ.

Quá trình mổ đẻ diễn ra như thế nào?

Khi thai phụ lên bàn mổ

  • Vùng bụng sẽ được vệ sinh sạch sẽ và vô trùng
  • Bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu để nước tiểu chảy vào túi chứa
  • Được truyền dịch qua tĩnh mạch ở tay để không bị mất nước
  • Tiếp sau đó, bạn sẽ được tiến hành gây tê cục bộ nên người mẹ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình sinh

Trong quá trình phẫu thuật bắt thai nhi

  • Bác sĩ sẽ rạch một đường trên thành bụng của bạn, thông thường bác sĩ sẽ rạch theo chiều ngang trong vùng mặc bikini.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các vết mổ theo từng lớp: mô mỡ và mô liên kết. Tách cơ bụng để có thể tiếp cận với tử cung trong khoang bụng.
  • Tiếp đến, bác sĩ đưa em bé ra thông qua các vết rạch tử cung.
  • Sau đó, em bé được làm sạch mũi và miệng và kẹp dây rốn.
  • Em bé sẽ được đặt da kề da trên vùng ngực -bụng của mẹ nếu thai phụ tỉnh táo.
  • Cuối cùng, bác sĩ sẽ lấy nhau thai ra, làm sạch tử cung và khâu lần lượt các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.

Để quá trình "vượt cạn" an toàn, thường ekip bác sĩ và y tá sẽ thực hiện vài xét nghiệm. Vậy đó là những xét nghiệm nào?

Trước khi mổ đẻ cần làm xét nghiệm gì?

Xét nghiệm đông - cầm máu

Đọc kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ biết chính xác quá trình đông máu của mẹ có đang hoạt động tốt hay không. Trong quá trình đẻ mổ, mẹ bầu sẽ mất một lượng máu nhất định. Nếu chỉ số xét nghiệm đông máu cơ bản không đạt chuẩn có thể xảy ra những rủi ro trong quá trình mổ đẻ.

Xét nghiệm nhóm máu

Trong thai kì, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm nhóm máu ABO và Rh. Bởi đây là hai hệ thống nhóm máu có vai trò rất quan trọng trong việc truyền máu. Dựa vào xét nghiệm máu này, bác sĩ có thể đưa ra những phương án chuẩn bị và dự phòng nếu có bất thường xảy ra trong quá trình sinh mổ.

Xét nghiệm những bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục

Đây là một xét nghiệm mẹ không nên quên trước khi để mổ. Có thể kề đến các xét nghiệm như HIV, bệnh lậu, giang mai, viêm gan B, C, Chlamydia…Nếu mẹ bị nhiễm HIV, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn để làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho con trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Xét nghiệm đường huyết

Còn gọi là xét nghiệm glucose thai kì. Bài xét nghiệm này giúp kiểm tra lượng đường trong máu của sản phụ. Mẹ bầu có khả năng sẽ gặp nhiều biến chứng trong quá trình sinh nở, đặc biệt là sinh mổ nếu bị tiểu đường.

Do đó, xét nghiệm tiểu đường thai kì cũng được xếp vào danh sách các xét nghiệm cần làm trước khi đẻ mổ. 

Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng viêm nhiễm, vi khuẩn, chỉ số đường, protein niệu đạo,…Qua kết quả, bác sĩ có thể biết được nếu mẹ có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng đường tiết niệu, tiền sản giật, về thận hay thiếu hụt carbonhydrate…hay không.

Trước khi mổ đẻ cần làm các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo quá trình đón bé yêu an toàn. Ngay cả khi bạn đã nắm chắc sẽ sinh thường, thì cũng phải chuẩn bị tinh thần sẽ phải sinh mổ nếu có bất kỳ bất ngờ nào đến.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

mInH.tHu