Sinh thường và sinh mổ cái nào đau hơn – Giải đáp thắc mắc của bác sĩ sản khoa sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về 2 phương pháp sinh nở này.
Chị Ly, một mẹ bầu đang bước vào tuần thai thứ 35 đã bày tỏ nỗi lo lắng của mình:
“Mình thực sự vẫn chưa biết nên sinh thường hay sinh mổ nữa. Mỗi lần nghe các chị kể chuyện là mình càng thấy sợ, đặc biệt là sợ đau đẻ”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, bà bầu lựa chọn sinh thường hay sinh mổ đều nên tham vấn ý kiến bác sĩ, nhất là với phụ nữ gặp vấn đề bất thường trong giai đoạn thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy mỗi phương pháp sinh đều có những ưu nhược điểm và cái “đau” riêng.
Khi sinh thường mẹ sẽ phải đối mặt với những cơn đau nào?
Nhìn chung, nếu mẹ bầu sinh thường, quy trình sinh sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Bao gồm đau đẻ, rặn sinh và sinh con. Trong mỗi giai đoạn này mẹ sẽ phải trải qua các cơn đau ở mức độ khác nhau, bao gồm:
Giai đoạn 1: Cổ tử cung bắt đầu mở
Mẹ sẽ cảm nhận được cơn đau do tử cung co bóp. Mỗi lần co bóp tầm 15-40 giây. Mẹ sẽ cảm thấy hơi quặn lại như ai đó đang bóp tử cung mình. Tuy vậy các mẹ vẫn có thể hoạt động, làm việc như bình thường. Đôi lúc cơn đau sẽ khiến mẹ thấy thót bụng và đau lưng.
Giai đoạn 2: Tử cung bắt đầu mở rộng (từ 5-8 phân)
Người mẹ cảm thấy đau nhiều hơn, tần suất từ 2-3 phút/lần. Mẹ bầu sẽ phải tập trung hết sức để chịu đựng với cơn đau này vì chúng sẽ kéo dài từ 2-5 tiếng đồng hồ.
Giai đoạn 3: Cổ tử cung đã mở hết mức
Đây cũng là lúc mẹ sẽ cảm thấy đau nhất của một cơn sinh đẻ. Các mẹ hầu như không còn đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân nữa. Lý do là vì lúc này tử cung mất tới 45-90 giây để co bóp. Mẹ sẽ đau từ 1,5-3 phút/lần. Cơn đau khiến mẹ phải thở nhanh và gấp.
Giai đoạn 4: Rặn đẻ
Một số mẹ cảm thấy đỡ đau hơn do tử cung giảm dần tuần suất co bóp hoặc không co bóp nữa. Quá trình này sẽ diễn ra từ 10-30 phút mà thôi. Sau khi được hướng dẫn rặn đẻ, em bé sẽ nhanh chóng chào đời trong vòng 30-45 phút.
Một lưu ý nữa là các mẹ sinh thường có thể sẽ phải trải qua một cơn đau nữa khi thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn.
Những cơn đau của quá trình sinh mổ
Với mẹ sinh mổ, dường như việc sinh con có vẻ nhẹ nhàng hơn bởi mẹ có thể chủ động trong việc chuẩn bị đón chào em bé theo giờ mổ đã được lên lịch. Những cơn đau mà mẹ có thể phải trải qua sẽ bao gồm:
– Một chút nhói đau khi bác sĩ lấy ven để thuận tiện cho việc truyền dịch cũng như thuốc kháng sinh sau ca mổ.
– Thụt hậu môn trước khi ca sinh mổ diễn ra từ 1-2 tiếng. Cảm giác là thốn và hơi khó chịu trong vòng 1-2 phút.
– Gây tê tủy sống để tiến hành ca mổ sinh. Thủ thuật này thường chỉ tạo cảm giác đau nhói giống như mẹ bị chích kim tiêm.
Trong quá trình tiến hành ca mổ, người mẹ sẽ không hề cảm thấy đau đớn do tác dụng của thuốc gây tê hoặc gây mê.
Các cơn đau chỉ bắt đầu khi mẹ trở về phòng hồi sức, thuốc giảm đau hết tác dụng và mẹ cần vận động đi lại. Có thể nói đây là thời điểm đau đớn nhất của mẹ sau mổ. Hãy tưởng tượng rằng cơn đau có thể khiến bạn chảy nước mắt và không hề muốn nhúc nhích một chút nào.
Mỗi một cử động như bế con, đi vệ sinh thực sự là cực hành. Tuy nhiên mức độ cơn đau sẽ giảm dần và mẹ sẽ được uống thuốc giảm đau 4-6 tiếng/lần.
Sau 2 tuần sinh, vết đau mổ hầu như đã hoàn toàn biến mất.
Sinh thường và sinh mổ cái nào đau hơn?
Dựa trên các bước sinh thường và sinh mổ như trên thì mức độ đau đớn của mỗi phương pháp sinh sẽ khác nhau ở từng giai đoạn. Mẹ sinh thường đau nhiều trước khi sinh nhưng ngược lại sẽ sớm hồi phục và hết đau nhanh hơn ngay khi em bé chào đời.
Trong khi đó với mẹ sinh mổ, giai đoạn sinh lại diễn ra nhẹ nhàng. Mẹ chỉ thực sự đau nhiều ở giai đoạn sau sinh và cần thời gian hồi phục lâu hơn.
Nhưng xét về mặt sinh nở thì các mẹ, dù sinh thường hay sinh mổ cũng đều thực sự là những “anh hùng” bởi nguy cơ rủi ro của hai phương pháp là tương đương như nhau.
Chính vì vậy, mẹ cần tư vấn với bác sĩ xem phương pháp sinh nào sẽ phù hợp và an toàn nhất cho cả mẹ và bé nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!