Trẻ sơ sinh rụng tóc vành khăn là tình trạng tóc bé rụng nhiều đằng sau gáy kéo dài sang 2 bên mang tai tạo thành hình vành mũ xung quanh đầu. Khi nào thì bố mẹ cần phải lưu ý do đây là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe mà bé đang gặp phải?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Nguyên nhân trẻ sơ sinh rụng tóc vành khăn
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là hiện tượng trẻ bị rụng tóc nhiều, đặc biệt là rụng tóc phần sau gáy tạo thành hình vành mũ xung quanh đầu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thế do tư thế nằm ngửa khi ngủ ngủ của trẻ, phần sau đầu tiếp xúc trực tiếp với gối trong thời gian dài khiến tóc ở vùng này khó mọc hơn. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể do trẻ bị nấm da đầu hoặc tác dụng phụ của một số thuốc. Ngoài ra, rụng tóc vành khăn còn là một trong các biểu hiện của bệnh còi xương, thiếu vitamin D và canxi.
Tóc bé bị rụng hình vành khăn do thiếu canxi
Tình trạng rụng tóc này ở sơ sinh sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3-6 tháng tuổi. Từ 6 tháng đến 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần biết lật, trườn, bò… Vì vậy giai đoạn này sẽ thấy bớt rụng tóc (cũng có khi trễ hơn).
Có phải trẻ sơ sinh rụng tóc là do bị bệnh?
Hiện tượng rụng tóc hình vành khăn ở trẻ có thể là dấu hiệu của bệnh còi xương, mà nguyên nhân dẫn đến là do thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi. Tình trạng này không những xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng mà trẻ mập mạp cũng có thể mắc phải. Bởi các nhà khoa học đã phát hiện ra vitamin D cũng chịu trách nhiệm trong việc phát triển lông, tóc và móng.
Những dấu hiệu trẻ bị còi xương là:
- Trẻ hay quấy khóc không rõ nguyên nhân
- Ngủ đêm hay giật mình và đổ nhiều mồ hôi
- Phần thóp (đỉnh đầu) của bé rộng, sờ vào thấy mềm, lâu đóng thóp và phập phồng theo nhịp thở
- Có bướu nhô rõ ở đỉnh đầu và trán
Như vậy, khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn, cha mẹ cần xác định xem bé bị rụng tóc vì lý do gì? Nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để xác định xem trẻ có thiếu chất không? Từ đó sẽ có cách khắc phục cho từng nguyên nhân cụ thể.
Làm gì để cải thiện tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Bổ sung vitamin D cho trẻ
Tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ là một dấu hiệu không đáng lo, phát hiện sớm và bổ sung vitamin cũng như muối khoáng: kẽm, sắt, vitamin C, canxi kịp thời, tóc sẽ mọc trở lại, trẻ tăng trưởng tốt hơn. Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin D3 cho tóc của trẻ bằng cách sử dụng 1 ngày 2 giọt và có thể thêm 5ml canxi corbier đến khi tóc bé mọc trở lại.
Bên cạnh đó, tắm nắng cho bé cũng là cách để cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D. Thời điểm tắm nắng hợp lý nhất là 8h đến 8h30 sáng, mỗi lần khoảng 15 – 20 phút.
Lưu ý, không nên cho bé tiếp xúc dưới ánh nắng quá mạnh vì tia cực tím rất hại.
Cho trẻ ăn đủ chất
Thiếu chất, thiếu vi chất dinh dưỡng không đủ nuôi dưỡng tóc, khiến tóc trẻ ngày càng rụng. Đối với trẻ đang bú mẹ, mẹ hãy tăng cường cho bé bú nhiều lần trong ngày. Người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất để đảm bảo sữa nuôi con chất lượng.
Đối với bé ăn dặm, khẩu phần ăn cần ưu tiên thực phẩm giàu sắt, kẽm và canxi.
Khắc phục khi trẻ sơ sinh rụng tóc sinh lý
- Trường hợp bé bị rụng tóc do thay đổi hormone thì các mẹ không cần phải điều trị vì sau một thời gian khoảng 6 tháng thì hormone sẽ tự cân bằng trở lại và tóc con cũng mọc dài hơn.
- Nếu là do tư thế nằm: Cách khắc phục là mẹ thường xuyên thay đổi tư thế cho con. Khi thì bên trái, bên phải, khi thì nằm ngửa. Như vậy sẽ tạo ra thói quen cho trẻ khi ngủ, từ đó hạn chế tình trạng rụng tóc.
Bác sĩ Nam lưu ý, để khắc phục tình trạng này, ba mẹ nên cho trẻ đổi tư thế nằm khi thức giấc, tránh tình trạng nằm ngửa quá lâu. Rụng tóc vành khăn có thể chỉ là một hiện tượng sinh lí nên ba mẹ không cần quá lo lắng, không nên tự ý bổ sung canxi mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu sau khi đổi tư thế nằm 1 thời gian mà tình trạng không giảm, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!