Trẻ sơ sinh phát ra âm thanh khi ngủ là hiện tượng bình thường, là kết quả từ việc hệ thống thần kinh và phản xạ chưa hoàn thiện hoặc do con đang cảm thấy đói.
Nội dung bài viết:
- Giấc ngủ của trẻ sơ sinh – Những điều cơ bản mẹ nên biết
- Trẻ sơ sinh ngủ ồn ào
- Giấc ngủ Rem với nhiều chuyển động
- Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có nhiều chu kỳ
- Trẻ sơ sinh phát ra âm thanh khi ngủ vì bé đói
- Những tiếng động bình thường phổ biến
- Nhịp thở của trẻ sơ sinh
- Những âm thanh bình thường của hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh
- Giấc ngủ của bé sẽ dần yên tĩnh
- Khi nào thì cha mẹ nên lo lắng về những bất thường của âm thanh giấc ngủ trẻ sơ sinh?
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh – Những điều cơ bản mẹ nên biết
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng yên lặng tuyệt đối như nhiều bà mẹ tưởng. Trẻ có thể ngủ rất say nhưng phần lớn khoảng thời gian đó, mẹ sẽ thấy rằng chu kỳ ngủ của con trải qua nhiều giai đoạn, từ nông đến sâu, từ yên tĩnh đến ồn ào, từ những tiếng càu nhàu cho đến ngáy lớn.
Trong khi ngủ, bé có thể tạo ra cả những âm thanh và các động tác. Bé vặn mình, chóp chép miệng, mút tay, nghiến răng, … Tất cả những điều này là hết sức bình thường đối với một giấc ngủ của bé sơ sinh.
Mẹ đã biết chưa?
Trẻ sơ sinh ngủ ồn ào
Những cử động ồn ào trong khi ngủ của trẻ sơ sinh chính là kết quả từ việc hệ thống thần kinh và phản xạ chưa hoàn thiện. Ở thời điểm này con chưa có một chu kỳ ngủ cố định. Đồng hồ sinh học của cơ thể trẻ chỉ tiến bộ hơn khi bé được 6 tuần tuổi. Đây cũng là lý do khiến trẻ bị lẫn lộn ngày đêm và thường xuyên thức dậy.
Giấc ngủ Rem với nhiều chuyển động
Cho đến khoảng sáu tháng tuổi, trẻ sơ sinh dành ít nhất 50% thời gian cho giấc ngủ REM, hay còn gọi là giấc ngủ chuyển động. Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh ở trạng thái ngủ nông, nhịp tim và nhịp và cử động mắt nhanh hơn. Cũng trong giấc ngủ Rem bé sẽ nằm mơ. Bé ngủ động (active sleep) có lợi cho việc phát triển trí não.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có nhiều chu kỳ
Một em bé sơ sinh thường có chu kỳ ngủ ngắn (khoảng 50 phút) và sẽ kéo dài hơn (tới 90 phút) khi bé bước vào tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên chu kỳ này sẽ diễn ra nhiều giai đoạn khác nhau, từ ngủ động sang ngủ yên tĩnh, từ ngủ nông sang ngủ sâu. Trong lúc ngủ bé không nằm im hoàn toàn mà đôi khi cựa mình, vặn người, tạo ra những âm thanh, … Hầu hết trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự đưa mình vào giấc ngủ.
Chính vì vậy mà mẹ đừng thấy lạ khi bé khóc những lúc tỉnh giấc giữa chừng. Vỗ bé hay tạo ra những tiếng động quen thuộc có thể giúp trẻ trấn tĩnh lại.
Trẻ sơ sinh phát ra âm thanh khi ngủ vì bé đói
Bé cần ăn theo chu kỳ vài tiếng một lần bất kể là ngày hay đêm. Khi bé cảm thấy đói ngay trong lúc ngủ, trẻ sẽ chóp chép, tạo ra những âm thanh mút mát ồn ào và tỉnh dậy khóc vì đói cho đến khi con được đáp ứng nhu cầu ăn sữa của mình.
Trẻ sơ sinh phát ra âm thanh khi ngủ – Những tiếng động bình thường phổ biến
Trẻ sơ sinh có thể tạo ra một số tiếng thở khá kỳ lạ ồn ào trong lúc ngủ. Hầu hết những âm thanh này không có gì đáng phải lo ngại, bao gồm:
Tiếng rít trong cổ họng: Do kĩ năng nuốt của trẻ chưa hoàn thiện. Bé có thể vẫn ngậm nước bọt hoặc sữa khi đang ngủ nên tạo ra tiếng động này.
Âm thanh như nghẹt mũi: Rất hiếm khi do bé bị cảm lạnh mà thực tế là vì trẻ thở bằng mũi thay vì bằng miệng.
Khịt mũi/tiếng rít: Cũng như lý do trên, những âm thanh này là do trẻ vẫn còn thở bằng mũi là chính. Hiện tượng này sẽ dần biến mất khi trẻ bước sang tháng thứ 6.
Tiếng ho: Bé ho vì trong họng có thể còn sữa, đờm hoặc nước bọt. Nếu mẹ quá lo lắng vì thấy bé ho nhiều thì vỗ ợ hơi có thể giúp bé làm sạch cổ họng của mình.
Nhịp thở của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường có những triệu chứng thở không đều, lúc nhanh lúc chậm, thậm chí thỉnh thoảng bé cũng có thể ngừng thở. Bé hít vào và thở ra theo chu kỳ. Bé có thể dừng thở đến 5 giây hoặc thậm chí lâu hơn. Hiện tượng này là bình thường và sẽ thay đổi khi trẻ lớn dần.
Mẹ đã biết chưa?
Những âm thanh bình thường của hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh
Không khó để nhận ra hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh hoạt động như thế nào thông qua những tiếng ồn kỳ lạ mà cha mẹ thường nghe thấy về đêm khi bé đang ngủ. Bé tiêu hóa thức ăn, bé tè, ị, … đó chính là những âm thanh sống động nhất cho thấy hệ tiêu hóa của trẻ đang phát triển không ngừng.
Dưới đây là một số âm thanh quen thuộc từ chiếc bụng bé nhỏ của trẻ sơ sinh cho thấy bé đang lớn lên khỏe mạnh như ợ hơi, nấc, xì ga, rột roạt, …
Giấc ngủ của bé sẽ dần yên tĩnh
Khi trẻ lớn lên, chu kỳ nghỉ dài ra thì thời gian ngủ động của bé sẽ giảm dần, thay vào đó là giai đoạn ngủ tĩnh tăng lên. Cha mẹ có thể khuyến khích bé tập các thói quen ngủ ngon thông qua hoạt động như:
– Cho bé ngủ trong bóng tối và yên lặng về đêm nhằm giúp trẻ phân biệt đêm ngày tốt hơn.
– Học cách đọc dấu hiệu giấc ngủ của trẻ như khi nào trẻ buồn ngủ, khi nào bé gắt ngủ, … Đưa trẻ đi ngủ đúng thời điểm sẽ giúp giảm quấy khóc cũng như để bé ngủ ngon hơn.
– Thiết lập lịch ngủ ngày.
– Tạo cho trẻ khoảng thời gian thư giãn và nếp sinh hoạt ngủ đêm.
Khi nào thì cha mẹ nên lo lắng về những bất thường của âm thanh giấc ngủ trẻ sơ sinh?
Hầu hết các âm thanh trong giấc ngủ của bé là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu em bé của bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây trong khi ngủ thì bạn nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt:
– Hơi thở bị căng thẳng hoặc co thắt
– Nhịp thở tạm dừng kéo dài hơn một vài giây
– Bé bị khó thở
– Trẻ có biểu hiện sốt cùng các vấn đề về hô hấp hoặc tiêu hóa
– Co thắt ngực
– Thở nhanh kéo dài hơn bình thường hoặc có 60 nhịp thở trở lên/phút
– Bé bị tím tái
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa khi ngủ trên một mặt phẳng bằng phẳng, thông thoáng và tốt nhất là không có các vật dụng gối, chăn, đồ chơi, … xung quanh.
Theo verywellfamily.com
Xem thêm:
- Giấc ngủ của trẻ sơ sinh – Các vấn đề về giấc ngủ của trẻ trong năm đầu đời mẹ nên biết
- Tư thế ngủ tốt nhất cho bé sơ sinh
- 5 bí mật nho nhỏ có thể mẹ chưa biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh năm đầu đời