Mong muốn rèn cho bé con của mình biết ngủ vào nếp, nhiều bà mẹ trẻ vô tình đã tự tạo ra áp lực khổng lồ. Không phải bà mẹ nào cũng có thể dễ dàng cho con đi ngủ, bởi nhiều trẻ sơ sinh cứ đặt xuống là khóc. Bé chỉ chịu ngủ khi được nằm trên tay mẹ mà thôi.
Tại sao đang ngủ say sưa khi được bế, trẻ sơ sinh cứ đặt xuống là khóc?
trẻ sơ sinh cứ đặt xuống là khóc
Trẻ tỉnh giấc vì mẹ chuyển trạng thái quá đột ngột
Khi được mẹ bế trên tay và ru vào giấc ngủ, động tác đung đưa nhẹ nhàng vào hơi ấm từ vòng tay mẹ tạo cho bé cảm giác an toàn và dễ chịu. Chính vì thế bé dễ dàng đi vào giấc ngủ khi được mẹ bế trên tay. Trung bình, bé thường mất khoảng 20 phút để bắt đầu trạng thái ngủ ngon và ở thời điểm này trẻ cũng rất dễ bị đánh thức.
Đó là lý do khi mẹ đặt con từ tay xuống giường, dù rất cẩn thận nhưng bé vẫn bị mất hơi ấm và thay đổi tư thế đột ngột. Đang từ vòng tay mẹ ấm áp, bỗng nhiên được đặt xuống không gian rộng rãi khiến trẻ mất thăng bằng, trở mình và khó ngủ lại hơn.
Mẹ sai quy trình dễ khiến bé tỉnh giấc
Hầu hết các bà mẹ ru con ngủ trên tay, khi đặt bé xuống giường đều chọn mông là điểm tiếp xúc đầu tiên với giường sau đó mới từ từ đặt lưng và đầu bé xuống. Hậu quả là khi mẹ buông tay ra thì bé cũng tỉnh giấc và bắt đầu khóc lóc.
Để giải quyết tình trạng thức giấc khi chuyển trạng thái ngủ từ tay mẹ sang nằm giường, các mẹ Nhật đã tìm ra một bí quyết đơn giản. Không phải là thủ thuật gì phức tạp hay cao siêu, chỉ đơn giản là thay sự thay đổi về quy trình một chút mà thôi. Thay vì đặt mông của bé xuống giường trước rồi mới đến thân và đầu thì mẹ hãy làm ngược lại.
- Trước hết hãy nhẹ nhàng đặt đầu của bé xuống đệm.
- Sau đó từ tự hạ cổ, lưng của bé xuống giường trong khi một tay vẫn giữ mông của bé.
- Cuối cùng nâng mông của bé lên 1 chút rồi mới hạ xuống giường và thả tay ra.
Mặc dù không phải 100% các trường hợp áp dụng cách này đều thành công. Tuy nhiên, phần lớn các mẹ khi thử phương pháp này đều cho rằng nó hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu khi mẹ đã làm đúng quy trình mà bé vẫn thức giấc thì hãy bình tĩnh, ôm bé lên và thực hiện lại quy trình, lần này bạn hãy giữ mông của con lâu hơn một chút nhé.
Trẻ sơ sinh cứ đặt xuống là khóc – Cha mẹ cần làm gì?
Tâm lý của người lớn
Chúng ta phải dẹp được suy nghĩ là hễ trong nhà có trẻ sơ sinh thì mọi người cứ phải xoắn xuýt vào với bé, hy sinh mọi thứ cho bé. Cái đó thực sự chỉ có hại cho tất cả mọi người, mà hại nhất là cho bé. Nếu bé ngủ tròn đêm lúc 2 tháng, nghĩa là cả nhà sẽ không phải thay nhau thức đêm, đảm bảo sức khỏe. Bé được ngủ giấc dài từ sớm, thần kinh sẽ ổn định hơn, khỏe mạnh hơn và có nhiều thời gian thức ban ngày để chúng ta tận dụng dạy cho bé được nhiều thứ.
Sự kiên trì
Nói thì dễ, nhưng cả nhà (đặc biệt là người mẹ), phải rất quyết tâm và kiên trì. Bạn sẽ bị vật vã mất khoảng 2 tháng: thiếu ngủ, thiếu thời gian để theo dõi, căn giờ, chịu đựng sự chập chờn, lại còn có thể bị cả nhà “nói ra nói vào” là không biết thương con. Nếu sống chung với các bà mẹ khó tính, thì sẽ rất khó thực hiện.
Dạy bé cách nằm chơi
Vào ban ngày, bạn hãy trải một cái đệm ra sàn phòng khách và đặt bé nằm đó. Còn bạn nằm hoặc ngồi bên cạnh. Hễ bé bắt đầu khóc, hãy bế bé lên, ôm vào lòng, nói rất âu yếm: “Con gái mẹ muốn mẹ ôm một chút, đúng không. Mẹ yêu con nhưng con nằm chơi nhé, mẹ vẫn ở cạnh con đây mà”. Sau đó, đặt con xuống. Nếu bé khóc tiếp, mẹ ngồi đó, dùng tay vỗ vào mông, xoa tay, chân hoặc lưng, bụng bé để cho con biết mẹ đang âu yếm bé.
Nếu cứ khóc là bế cho đến lúc nín, người lớn đang dạy bé cách dùng tiếng khóc để đạt được những điều mình muốn.
Để bé nhanh phân biệt giấc ngủ ngày và ngủ đêm
Bạn phải cho con ngủ giấc ngày tại nơi cả gia đình có sinh hoạt bình thường: vẫn bật nhạc, không kéo rèm cửa sổ… Buổi tối, sau 7 giờ, bạn đưa bé lên phòng ngủ, sau khi tắm thì ngồi chuyện trò, đọc sách, hát cho bé nghe, rồi cho bé ăn và tắt đèn, giữ thật yên tĩnh để bé ngủ. Bé sẽ rất nhanh nhận biết sự khác nhau giữa ngủ ngày và ngủ đêm.
Theo theAsianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!