Trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường là vì những nguyên nhân nào? Có phải là do sữa mẹ dở không? Hay con đang gặp vấn đề gì đó? Biện pháp khắc phục là gì?
Như thế nào là trẻ sơ sinh bú ít?
Trẻ sơ sinh nên bú 8-12 lần mỗi ngày trong khoảng tháng đầu tiên từ khi chào đời. Vì sữa mẹ dễ tiêu hoá nên trẻ sơ sinh sẽ thường hay đói. Cho trẻ bú thường xuyên cũng sẽ giúp kích thích sản xuất sữa của bạn trong vài tuần đầu tiên. Khi con được 1–2 tháng tuổi, trẻ có thể sẽ bú 7–9 lần một ngày.
Trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời, việc cho trẻ bú mẹ nên “theo yêu cầu” (tức là khi khi trẻ đói), khoảng 1 giờ, 1,5 giờ đến 3 giờ một lần. Khi trẻ sơ sinh lớn hơn, chúng sẽ bú ít thường xuyên hơn và lúc này lịch trình bú sẽ dễ vào khuôn khổ hơn. Nhưng vì mỗi đứa trẻ là khác biệt, nên có bé sẽ cần bú mỗi 90 phút, trong khi số khác có thể kéo dài 2-3 giờ giữa các lần cho ăn.
Tuy nhiên, điều tiên quyết là không nên để quá 4 tiếng mà không cho trẻ sơ sinh bú, kể cả qua đêm.
Và để trả lời thắc mắc như thế nào là trẻ sơ sinh bú ít thì tuỳ vào từng giai đoạn và từng trẻ. Mẹ phải quan sát và hiểu rõ con yêu hay thường bú với tần suất như thế nào. Nếu trẻ sơ sinh bú ít hơn thường ngày, thì chắc hẳn là có những nguyên nhân ảnh hưởng đến bé.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bú ít
Mẹ chưa biết cách cho con bú đúng tư thế
Dù việc cho con bú là thiên bẩm của người làm mẹ, nhưng để học cách cho con bú đúng tư thế thì không phải ai cũng biết. Đặc biệt là những chị em mới lần đầu làm mẹ. Khi mẹ không cho con bú đúng cách, thì bé sẽ không thể lấy sữa từ ngực của mẹ. Và mẹ lại thấy rằng trẻ sơ sinh bú ít.
Dần dần, bé sẽ có xu hướng khó chịu vì đói và mẹ sẽ lại càng khó khăn hơn khi cho con bú vì không rõ nguyên nhân.
Trẻ sơ sinh bú ít do sinh non
Trẻ sinh non thường sẽ phải ở lại bệnh viện hơn những đứa trẻ khác. Sau khi về nhà, có thể mất một thời gian để bé bắt đầu bú ti mẹ. Ngoài ra, bé sinh thiếu tháng cũng có ít năng lượng hơn để có lực bú mẹ. Và vô tình, nếu mẹ chưa nhạy đủ để biết nguyên do thì có thể nghĩ rằng trẻ sơ sinh bú ít.
Nhưng mẹ đừng lo lắng quá nhé, sau một khoảng thời gian ngắn thôi, con sẽ cứng cáp và bú nhiều dòng sữa tuyệt vời của mẹ.
Do hình dạng núm vú của mẹ
Hầu hết trong các trường hợp thì dù núm vú của mẹ phẳng hay hơi thỏm vào trong thì trẻ sơ sinh đều bú tốt. Nhưng, trong một số trường hợp, thật khó để bé có thể ngậm được núm vú của mẹ.
Con đang gặp vấn đề về sức khoẻ
Có thể trong quá trình “vượt cạn”, bé gặp khó khăn và bị một số chấn thương nhỏ. Do đó, bé có thể cảm thấy không thoải mái khi bú. Từ đó dẫn tới tình trạng trẻ sơ sinh bú ít. Và với trẻ sơ sinh bị khuyết tật thần kinh hoặc thể chất khi sinh có thể gặp khó hoặc không thể bú mẹ.
Sữa mẹ có vị lạ so với bé
Một số mẹ bỉm sữa bị vấn đề với bầu sữa và sự chậm trễ này có thể gây khó chịu cho trẻ sơ sinh. Và khi đó trẻ sơ sinh bú ít hay thậm chí từ chối vú. Hãy kiên trì để miệng bé gần vú càng thường xuyên càng tốt để kích thích cả nguồn sữa và bé. Nếu cần phải bổ sung sữa công thức trong thời gian này, thì mẹ cũng đừng cảm thấy tội lỗi nhé.
Ngoài ra, do nguồn sữa mẹ ảnh hưởng bởi nguồn dinh dưỡng của mẹ. Và một số thực phẩm mẹ ăn có vị cay hay nồng vô tình tạo ra vị lạ của sữa nên làm trẻ sơ sinh bú ít.
Các giải pháp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bú ít
- Cho con bú trong một không gian tối, yên tĩnh và tránh những tác động phiền nhiễu từ bên ngoài
- Tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia cho con bú để được giúp đỡ và hỗ trợ. Đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, nếu có
- Hãy vắt sữa mẹ hoặc dùng máy hút sữa để kích thích duy trì nguồn sữa mẹ. Kết hợp với sữa công thức nếu đang gặp vấn đề về “nguồn cung”
- Cho bé bú đúng tư thế để tạo cảm giác thoải mái cho trẻ và tạo điều kiện cho sữa ra đều
- Cải thiện chất lượng nguồn sữa mẹ bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng
- Đổi sang loại sữa công thức khác nếu bé dùng loại sữa này
- Cho bé bú thường xuyên nhưng đừng ép con. Nếu việc bú mẹ trở thành một trải nghiệm tiêu cực, việc bé lười bú sẽ càng tệ hơn và sẽ rất khó để tập cho con bú lại. Chia nhỏ những lần bú, cữ bú rõ ràng về mặt thời gian
- Thử các loại bình và núm vú khác nhau. Chọn loại núm vú mềm, gần giống với ti mẹ cũng là một trong những cách khắc phục bé lười bú bình
- Chú ý đến giấc ngủ và tập thời gian biểu ngủ và bú cho bé. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, nhưng nếu mẹ không đánh thức thì bé sẽ ngủ quên cả bú. Hay trong lúc bú bé lại ngủ quên và không bú tiếp
Tạm kết
Cho con bú đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, quan sát và kiên nhẫn của người mẹ. Đừng ngần ngại nhờ sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm hay bác sĩ có chuyên môn mẹ nhé. Lo lắng, căng thẳng không cần thiết lại càng làm ảnh hưởng đến nguồn sữa của mẹ hơn đấy.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!