Trẻ ít nói có phải tự kỷ thường là câu hỏi gây hoang mang và lo lắng khi các bậc cha mẹ thấy con của mình ít hoặc chậm nói hơn các bạn đồng trang lứa. Tuy vậy, theo các chuyên gia và bác sĩ thì để xác định chắc chắn trẻ có tự kỷ hay không thì cha mẹ còn cần chú ý đến nhiều dấu hiệu khác.
Mốc phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ bình thường
- 0-3 tháng: Ban đầu âm thanh chỉ là tiếng khóc nhưng theo thời gian, mẹ sẽ nghe được âm thanh thực sự phát ra từ cổ họng. Trẻ còn bắt đầu biết cười, phản xạ khi người xung quanh nói chuyện.
- 3-6 tháng: Bé biết nói các âm “ba”, “ma” hoặc phát ra nhiều âm thanh khác nhau để diễn tả cảm xúc.
- 6-9 tháng: Bé biết lặp từ “baba”, “mama”, “tata”…, la hét để tạo sự chú ý, cười và ê a khi nhận ra người quen.
- 9-12 tháng: Trẻ có thể phát ra âm thanh dài hơn đi cùng các sắc thái biểu cảm trên gương mặt.
- 12-15 tháng: Âm thanh trở nên rõ ràng kết hợp với cử chỉ.
- 15-18 tháng: Trẻ có thể bi bô hát theo các bài hát yêu thích.
- 18 tháng -2 tuổi: Bé nói được từ 20 đến 25 từ.
- 2-3 tuổi: Bé có thể trò chuyện với người khác và dùng được cụm 2-3 từ.
Trẻ ít nói có phải tự kỷ?
Khả năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội thường là dấu hiệu để cha mẹ phát hiện ra trẻ có bị tự kỷ hay không. Tuy vậy, có nhiều trẻ chỉ đơn giản là có tính cách bẩm sinh ít nói, ít hoạt bát hơn các bạn đồng trang lứa. Điều này dễ khiến mọi người nhầm tưởng là trẻ bị tự kỷ. Để chẩn đoán chính xác con mình có bị tự kỷ không thì cách tốt nhất là cha mẹ phải đưa trẻ đến thăm khám ở bệnh viện để được làm các bài kiểm tra.
Tuy nhiên, hội chứng tự kỷ vẫn có nhiều biển hiện đặc trưng thể hiện rõ rệt mà nếu chú ý quan sát trẻ, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị tự kỷ
Rối loạn giao tiếp
Nhiều cha mẹ khi thấy con ít nói chuyện thường lo sợ con mình bị tự kỷ. Nhưng thực chất, trẻ tự kỷ thường có khả năng ngôn ngữ rất kém phát triển. Trẻ tự kỷ đôi khi hoàn toàn không nói hoặc chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa lặp đi lặp lại. Một số trẻ lớn nhưng vẫn không có khả năng nói một câu hoàn chỉnh mà rất đơn điệu, thiếu các ngữ điệu và biểu cảm.
Tránh né tiếp xúc xã hội
Trẻ ít nói có phải tự kỷ không còn phụ thuộc vào cách giao tiếp với xã hội của chúng. Thường trẻ tự kỷ có xu hướng tránh né tiếp xúc với mọi người xung quanh và không có sự gắn bó. Trẻ còn có những biểu hiện như: không cười, không có phản ứng sợ hãi trước đám đông hoặc môi trường xa lạ.
Khi giao tiếp với người khác, trẻ tự kỷ không nhìn thẳng vào mắt, không quan tâm và cảm giác như bé không biết đến sự tồn tại của người đối diện. Trẻ củng không có khả năng nhận thức và phân biệt thứ bậc của các thành viên trong gia đình như lớn tuổi nhất là ông bà, rồi đến cha mẹ và anh chị em.
Luôn có thái độ chống đối
Biểu hiện này đôi khi khiến cha mẹ nhầm lẫn đứa trẻ lì lợm với trẻ tự kỷ. Nhưng trẻ tự kỷ thì gần như rất khó để dạy bảo và thường chống đối bất kỳ sự thay đổi nào trong sinh hoạt hàng ngày. Trẻ có thể có những cơn hoảng sợ hoặc giận dữ mãnh liệt nếu đồ đạc trong phòng bị thay đổi, cha mẹ của trẻ thay đổi kiểu tóc, quần áo hoặc thay đổi một thói quen như ăn sáng, đi tắm…
Hành vi lặp lại
Trẻ tự kỷ có xu hướng lặp đi lặp lại những hành vi quen thuộc như chơi với bàn tay trước mắt, lắc đầu, lắc lư thân mình. Các hành vi đánh hơi như hít, ngửi đồ vật, thức ăn cũng thường gặp. Bé cũng thường chơi với khuynh hướng định hình, không chức năng và không có ý nghĩa khám phá xã hội. Tựa như kiểu chơi cứng nhắc, hạn chế, ít phong phú, nghèo tính sáng tạo, ít đặc tính tưởng tượng và biểu tượng.
Trẻ tự kỷ có xu hướng xếp đồ chơi thành 1 hàng dài
Thường có hành vi kỳ lạ
Trẻ tự kỷ thường có những hành vi kỳ lạ, khác thường như đi trên các ngón chân, chạy vòng tròn, đi từng bước, lắc lư, đu đưa thân người. Các hành vi này đôi khi bị gián đoạn bằng những khoảng thời gian bất động hoặc các tư thế kỳ dị ở trẻ. Đôi khi, trẻ có những hành vi tự gây thương tích như đánh vào đầu, tự cắn, cào cấu bản thân, nhổ tóc,…
Phương pháp rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ cho bé
Khi trẻ ít nói hoặc ngại giao tiếp, cha mẹ có thể rèn luyện để giúp trẻ có thêm kỹ năng và tự tin để bắt kịp nhịp sống với các bạn đồng trang lứa.
Cha mẹ có thể dạy theo phương pháp 2 từ ghép lại, phát âm rõ ràng đi kèm với hành động để bé dễ nắm và bắt chước. Ví dụ, khi mặc áo cho trẻ, bạn hỏi: “Áo con đâu?” Khi trẻchỉ tay vào áo, bạn hãy cầm lên và nói “chiếc áo”, lặp lại nhiều lần trong ngày. Con sẽ học được từ “chiếc áo”, sau đó tự nhiên trẻ sẽ học nhanh hơn các động từ liên quan như “mặc áo”, “cởi áo”, “không mặc”.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, hướng dẫn 5 danh từ trong một lần đọc là tốt nhất để trẻ nắm bắt và học theo. Trẻ từ 3-5 tuổi, số danh từ có thể tăng lên 10-15. Cha mẹ cũng có thể cùng con chơi các trò chơi cần sự tương tác của 2 người như giải ô chữ để khuyến khích trẻ giao tiếp. Khi chơi trò chơi, tâm trí trẻ được thư giãn và thả lỏng, vì vậy trẻ sẽ thấy tự nhiên và dễ dàng hơn để giao tiếp với người khác.
Có thể thấy, ít nói hay nói nhiều chỉ đơn thuần là một nét tính cách bẩm sinh ở mỗi trẻ mà cha mẹ cần tôn trọng và tìm cách để trẻ phát triển tốt nhất dựa trên chính cá tính riêng của trẻ. Yêu thương và thấu hiểu chính là chìa khóa để trẻ lớn lên khỏe mạnh và thông minh.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!