Trẻ em bị sâu răng hàm diễn ra khá phổ biến vì đây vốn là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về răng miệng. Do cấu trúc răng còn yếu, phát triển chưa hoàn thiện và hệ miễn dịch chưa thực sự tốt.
Vì sao trẻ dễ mắc sâu răng
Răng hàm đóng vai trò quan trọng trong việc nhai và nghiền thức ăn. Đây cũng là răng dễ dàng bị sâu nhất ở trẻ, do nằm trong cùng, lại khó vệ sinh hơn các răng khác.
Khi thức ăn đọng lại, mảng bám, bám vào răng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hình thành, phát triển và gây bệnh.
Bố mẹ thường nghĩ rằng, trẻ nhỏ bị sâu răng sữa cũng không sao. Bởi răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi các bé lớn hơn. Điều này chỉ đúng một nửa.
Khi trẻ lớn lên, theo quy luật răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu răng sữa bị sâu và không điều trị sớm sẽ khiến lợi của bé bị khô, khi đó răng vĩnh viễn vốn đã ủ mầm phía dưới khó mọc lên.
Thực tế, khả năng cao các răng vĩnh viễn mọc sau đó dễ bị mọc lệch, mọc không đều. Chính vì thế, cha mẹ cần có sự quan tâm nhiều hơn đến tình trạng sâu răng ở trẻ nói chung, sâu răng sữa nói riêng.
Nguyên nhân gây sâu răng hàm ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sâu răng hàm ở trẻ, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn do đồ ngọt và chế độ vệ sinh răng miệng của trẻ. Trong đó những nguyên nhân chủ yếu đó là:
Ăn nhiều đồ ngọt
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có thể gây nên rất nhiều chứng bệnh. Ở trẻ nhỏ, đồ ngọt là nguyên nhân chính dẫn tới sâu răng. Trong đó có sâu răng hàm. Hầu hết trẻ ở lứa tuổi mới mọc răng thường được cha mẹ cho ăn đồ ngọt thỏa thích.
Họ cho rằng trẻ mới lớn cần được ăn uống thoải mái, răng sâu cũng không quan trọng vì chỉ là răng sữa. Sau này sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Đây là một quan niệm sai lầm dẫn tới việc sâu răng ở trẻ nhỏ trở nên phổ biến. Chất đường cũng rất quan trọng với trẻ. Nhưng đường có chứa trong các đồ ăn ngọt nếu sử dụng quá nhiều sẽ không tốt cho trẻ. Nó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công khoang miệng.
Không vệ sinh răng sạch sẽ
Vấn đề chăm sóc răng miệng cũng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng hàm. Trẻ cần được chải răng thường xuyên, ít nhất mỗi lần sau mỗi bữa ăn. Cha mẹ và thầy, cô giáo cần hướng dẫn trẻ chải răng nhẹ nhàng và đúng cách, ngăn ngừa mảng bám dẫn đến sâu răng.
Trẻ bị thiếu canxi
Canxi giúp sản sinh men răng, giúp răng cứng chắc và khỏe mạnh. Trẻ bị thiếu canxi, răng yếu, men răng mỏng, không thể kháng cự các vi khuẩn gây bệnh nên có nguy cơ mắc bệnh sâu răng hàm rất cao.
Một số nguyên nhân khác
- Thở bằng miệng khi ngủ khiến bé bị khô miệng. Khô miệng làm giảm quá trình sản sinh nước bọt, cũng là 1 trong nguyên nhân khiến trẻ em bị sâu răng hàm.
- Mảng bám tích tụ nhiều quanh nướu và bề mặt răng.
- Uống ít nước.
Những tác hại khi trẻ em bị sâu răng hàm
Sử dụng răng hàm để xé, nhai và nghiền thức ăn cho nhuyễn trước khi đưa xuống dạ dày tiêu hóa. Vậy nếu răng hàm bị sâu, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nghiền thức ăn.
Thức ăn không được nhai kỹ trước khi đưa xuống bộ phận tiêu hóa, khiến cho bộ tiêu hóa hoạt động vất vả, khó khăn hơn. Trẻ sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc ăn các loại thức ăn.
Nhiều trẻ sẽ biếng ăn, bỏ bữa, thậm chí sẽ khiến trẻ bị đau dai dẳng kể cả trong lúc ngủ.
Răng sữa mang tính định hướng cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên. Răng hàm sữa cũng vậy, nếu răng hàm sữa bị sâu sớm, vi khuẩn sẽ hủy hoại từ ngoài vào trong.
Nếu nhổ răng hàm sữa mà chưa đến tuổi trẻ thay răng ( dưới 6 tuổi) thì lợi của trẻ sẽ bị khô lại, răng hàm vĩnh viễn rất khó khăn để mọc được.
Nếu xảy ra tình trạng này, răng hàm mới mọc có thể sẽ chèn lên các răng phía trước, gây ảnh hưởng tới cấu trúc của cả hàm răng. Răng mọc lệch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chung đến sức khỏe của trẻ.
Sâu răng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ biến chứng gây viêm tủy, viêm nha chu, hình thành các túi mủ và ổ áp xe khiến viêm nhiễm lan xuống xương ổ răng, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trẻ bị sâu răng có nên nhổ không?
Sâu răng hàm ở trẻ có nên nhổ hay không tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của chiếc răng sâu. Nếu răng chỉ mới chớm sâu, vết sâu răng chưa lan rộng, phương pháp trám răng sâu sẽ được áp dụng.
Phương pháp này không những giúp khắc phục tình trạng sâu răng, mà còn giúp cải thiện cấu trúc răng răng, đảm bảo hiệu quả ăn nhai.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị sâu răng nặng, răng bị vi khuẩn tấn công ăn mòn phần lớn thân răng thì ba mẹ nên cân nhắc đến việc nhổ chiếc răng này. Đây là biện pháp cần thiết để giúp trẻ bớt khó chịu, tạo điều kiện để răng vĩnh viễn mọc lên thuận lợi.
Nhìn chung, tùy từng trường hợp trẻ em bị sâu răng hàm, thêm vào đó là tham khảm ý kiến của bác sĩ mà ba mẹ quyết định có nhổ răng cho trẻ hay không. Càng phát hiện ra vết sâu càng sớm sẽ càng có lợi cho điều trị.
Tuy nhiên, răng hàm nằm ở sâu rất khó quan sát. Chính vì thế, ba mẹ cần duy trì thói quen đưa trẻ đi khám răng miệng định kì nhằm phát hiện những vấn đề răng miệng và khắc phục chúng kịp thời.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!